Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHãy cứu Biển Đông!

Hãy cứu Biển Đông!

Ngày nay người dân trên khắp hành tinh đều nhận rõ một điều, việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển và gìn giữ “nguồn vốn tự nhiên biển” luôn luôn là một nhu cầu thực tế cấp bách. Chỉ có thể phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững thì mới xây dựng được một vùng biển hòa bình và ổn định.

Trên Biển Đông trong những năm qua, các rạn san hô đã bị Trung Quốc phá hoại rất nghiêm trọng do việc bồi đắp các thực thể trái phép. Việc nước này xây dựng đảo nhân tạo đã hủy hoại vĩnh viễn 1.370 ha rạn san hô trên 7 bãi cạn ở Biển Đông. Ngoài ra còn phá hủy khoảng 160 km2 đáy biển.

Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOC – năm 1982), quy định rõ trách nhiệm của các nước thành viên công ước đối với việc bảo vệ môi trường trong bất kỳ hoạt động nào. Việc bồi đắp đá, đảo cũng vi phạm Công ước về đa dạng sinh học (CBD) năm 1994 mà Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đều là thành viên.

Gần đây Trung Quốc tiếp tục có những hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Không chỉ có việc bồi đắp các thực thể ở Biển Đông mà còn có hàng loạt hành động sai trái khác. Tuần qua, hoạt động đánh bắt phi pháp và mang tính hủy diệt của tàu dân quân biển Trung Quốc tại Đá Khúc Giác (Iroquois Reef) và Bãi Sabin (Chóp Mao, Sabina Shoal) đã trực tiếp gây hủy hoại môi trường biển ở những nơi này.

Việc Trung Quốc điều nhiều tàu cá ra khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường biển trong khu vực.

Hôm 17/9, người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Khu vực Biển Tây Philippines (PCG) – ông Jay Tarriela – đã công bố tình trạng nguy hiểm này. Cụ thể, Manila đã phát hiện những tổn hại nặng nề cho môi trường biển tại khu vực mà tàu dân quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động.

Qua các video mà PCG công bố cho thấy dấu hiệu san hô bị biến màu và dấu hiệu suy giảm đến mức tối thiểu các dạng sinh vật biển khác còn lại trong khu vực. Điều này minh chứng cho thông báo của PCG: Trung Quốc tiếp tục khai thác trái thép san hô trong khu vực sau một thời gian ánh binh bất động.

Vẫn theo công bố của PCG, trong khoảng thời gian từ ngày 9/8 đến 11/9, họ giám sát được gần 50 tàu dân quân biển Trung Quốc trong khu vực lân cận hai khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Philippines. Đó là hai khu vực nằm ở phía nam Bãi Cỏ Rong, nơi mà một hợp đồng thăm dò dầu khí buộc phải dừng vào năm 2022.

Một hành động phá hoại môi trường nữa của Trung Quốc là săn lùng sò tai tượng. Hành động này đã sự tàn phá không thương tiếc đối với các rạn san hô trên Biển Đông. Trong những năm qua, nhất là từ 2018 đến nay, các hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã phá hủy nặng hàng trăm rạn san hô trong khu vực.

Những kẻ săn trộm sò tai tượng đã sử dụng các máy cào cỡ lớn để phá lớp san hô bên trên, cho phép nhấc những con sò nằm dưới biển lên thuyền dễ dàng hơn. Loại sò quý hiếm này được đưa về đảo Hải Nam, sau đó phần vỏ sò sẽ được chế biến các đồ trang sức đắt tiền.

Các hoạt động khai thác mang tính phá hoại của tàu Trung Quốc xảy ra thường xuyên tại Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những thiệt hại với rạn san hô tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa có thể nhìn thấy rất rõ trên ảnh vệ tinh.

Ngư dân Philippines luôn bị tàu Trung Quốc xua đuổi khi cố gắng tiến vào “ngư trường truyền thống” là bãi cạn Scarborough. Các rạn san hô tại Scarborough đã bị hư hại nặng bởi hoạt động khai thác sò của các ghe cào Trung Quốc. Gần đây là sự trở lại ồ ạt của những đoàn tàu phá hoại với phương pháp khai thác mới gây hủy hoại nặng nề hơn so với phương pháp cũ.

Phương pháp cào kiểu cũ có hạn chế là không thể hoạt động tại những vùng nước sâu. Nay Trung Quốc dùng máy bơm áp lực cao và đưa ống xuống lòng biển. Sức mạnh của máy bơm đã khiến cho lớp trầm tích lẫn san hô bị thổi bay, lộ ra những con sò quý giá. Thật là đau xót cho những rạn san hô bị tàn phá không thương tiếc!

Các tàu khai thác sò Trung Quốc cũng xuất hiện tại Đá An Nhơn thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, phía Việt Nam nói rằng, họ chưa có đủ bằng chứng cho thấy hoạt động khai thác sò kiểu phá hoại tại quần đảo Trường Sa.

Các hệ thống rạn san hô ngoài khơi là nét đặc trưng cơ bản của Biển Đông. Rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng, nhưng dễ bị tổn thương nhất trong đại dương và biển. Nó là “ngôi nhà chung” của khoảng 3.000 loài sinh vật trong Biển Đông. Không những thế nó còn là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng, nguồn giống hải sản và ấu trùng tôm cá,… cho phần còn lại của Biển Đông do sự có mặt một hệ thống dòng chảy bề mặt mạnh, biến đổi theo mùa. Biển Đông vì thế có mức đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn cao, nguồn lợi thủy sản phong phú. Tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông đã bị khai thác quá mức và môi trường sống quan trọng này đã bị suy thoái nặng nề. Khi các rạn san hô bị phá hủy thì không có khả năng phục hồi. Và khi những rạn san hô bị hủy hoại tức là hủy hoại luôn các loài sinh vật sinh sống trong những rạn san hô đó, khiến cuộc sống của những loài cá lớn hơn bị đe dọa nghiêm trọng.

Kẻ “giết” Biển Đông, không ai khác, chính là Trung Quốc. Họ cùng lúc làm nhiều điều bất chấp luật pháp quốc tế: bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông; khai thác sò tai tượng; đánh bắt hải sản phi pháp và mang tính hủy diệt của tàu dân quân biển…

Trung Quốc đang gây nhiều tai họa với an ninh môi trường ở Biển Đông. Tai họa đầu tiên là, các hoạt động này gây mất mát hệ sinh thái. Nó phá hoại mặt bằng rạn, lấp các vũng tự nhiên – hai yếu tố cấu thành các rạn san hô. Điểm thứ hai là, khi Trung Quốc nạo vét để đắp đảo thì trầm tích sẽ lan ra xung quanh và hủy hoại các vùng rạn san hô khác. Tới đây sẽ còn nhiều diện tích xung quanh chịu tác động của suy thoái hệ sinh thái. Tác động này lớn, nguy hiểm hơn nhiều so với những gì nhìn thấy.

Hành vi “đảo hóa” của Trung Quốc cùng các hành vi khác đã và đang tiếp diễn, hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển, ảnh hưởng sự cân bằng sinh thái của Biển Đông, vi phạm nhiều quy định của luật pháp quốc tế, đi ngược lại với xu thế khu vực về bảo vệ môi trường biển.

Hãy cứu Biển Đông. Hãy chặn lại bàn tay tàn phá của Trung Quốc!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới