Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế Việt Nam có giá trị lớn với Mỹ

Kinh tế Việt Nam có giá trị lớn với Mỹ

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam để nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp với hoạt động song phương. Chuyến công du đến Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa các kết quả của chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.

Lắp ráp ô tô tại nhà máy của hãng ford.

Để những cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhiều tổ chức khác của Mỹ, lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) đã chuẩn bị nhiều nội dung. PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực kiêm Trưởng Đại diện USABC tại Việt Nam, ông hiện đang có mặt ở Mỹ để chuẩn bị cho các cuộc gặp của Thủ tướng với DN Mỹ quanh vấn đề hợp tác đầu tư Việt – Mỹ.

Quan hệ Việt – Mỹ đã thành đối tác chiến lược toàn diện. USABC trước đó đã đánh giá rằng, DN Mỹ có niềm tin cao vào triển vọng tăng trưởng kinh tế và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam. Từ tháng 3/2023, hơn 50 tập đoàn, DN Mỹ đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, tính đến nay họ đã cụ thể hóa hoạt động đầu tư ra sao, thưa ông?

Từ tháng 3/2023, đã có một số công ty của Mỹ ấn tượng rất tích cực sau chuyến thăm, tìm hiểu thực tế ở Việt Nam, đặc biệt là qua các cuộc gặp gỡ, thảo luận cởi mở với lãnh đạo Việt Nam. Một số công ty đã có động thái cụ thể, trong đó ít nhất một công ty đã hoàn tất các thủ tục xin đăng ký đầu tư trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, dịch vụ nghe nhìn ở Việt Nam (hay còn gọi là dịch vụ video). Một công ty khác xin đăng ký đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông internet vệ tinh tầm thấp ở Việt Nam. Họ đã công bố dự án thí điểm với Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Bộ KH&ĐT.

Bên cạnh đó, trong thông báo kết quả chuyến thăm của Tổng thống Biden, các công ty thành viên của USABC, trong đó có Boeing đã có thỏa thuận trị giá rất lớn với Vietnam Airlines (VNA). Ngoài việc VNA bỏ tiền ra mua máy bay của Boeing thì Boeing cũng sẽ có chương trình xây dựng năng lực cho phía Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành hàng không vũ trụ. Một số công ty cung ứng cho Boeing đang xem xét kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, ít nhất có một công ty trụ sở ở California đang xem xét đầu tư vào TPHCM. Họ sẽ mở nhà máy thứ 2 và cũng là nhà máy đầu tiên của họ ở ngoài nước Mỹ tại Việt Nam.

Với những DN đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực nói trên có lượng vốn đăng ký cụ thể lớn ra sao? Với những DN Mỹ chưa đầu tư DN có động thái và kế hoạch đầu tư vào Việt Nam sắp tới không?

Về vốn thì các DN chưa chính thức tiết lộ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của DN Mỹ thì tầm quan trọng không phải chỉ nằm ở số lượng vốn, mà phải đo bằng giá trị lan tỏa mà khoản đầu tư đó mang lại.

Trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đã có khá nhiều DN Mỹ quan tâm đến Việt Nam rồi. Sau khi Việt – Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ cũng như cam kết cụ thể của lãnh đạo hai nước về các lĩnh vực hợp tác, phía Mỹ cũng nói rõ sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng lại năng lực trong chuỗi cung ứng, năng lực về ngành bán dẫn và thúc đẩy đầu tư vào kinh tế sáng tạo mới, hợp tác về khoa học kỹ thuật; hỗ trợ Việt Nam tạo nên chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với biến đổi khí hậu…

52 DN lớn của Mỹ được cho là đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên 2 bậc, cụ thể ra sao?

Chính phủ Mỹ đồng ý nâng cấp quan hệ với Việt Nam dựa trên một số động lực, trong đó có động lực phục vụ lợi ích kinh tế của Mỹ trên cơ sở đánh giá của DN nước này về giá trị của thị trường Việt, cơ hội kinh doanh ở Việt Nam của DN Mỹ. Khi họ đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, trở về với ấn tượng tích cực. Điều đó giúp cho Chính phủ Mỹ có thêm cơ sở để đẩy nhanh quá trình ra quyết định về nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất. Đồng thời căn cứ vào những mối quan tâm của DN Mỹ, thế mạnh và nhu cầu của DN thì Chính phủ Mỹ cũng xác định những lĩnh vực cụ thể hợp tác với Việt Nam. Qua đó, Mỹ sẽ bố trí những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ Việt Nam và DN hai nước hợp tác; hỗ trợ DN Mỹ chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam.

Thực tế còn những điều gì mà các DN Mỹ lo ngại phía Việt Nam khó đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của DN Mỹ khi họ đầu tư? Nước ta cần chuẩn bị gì để đón nhận tốt nhất dòng vốn từ DN Mỹ?

DN Mỹ đã báo cáo với chính phủ 2 nước rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong phát triển ngành công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô ngành này và đưa lên tầm mức phát triển mới, đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng cho Mỹ thì cần làm thêm rất nhiều việc khác. Ví dụ cụ thể là trong những thách thức mà Việt Nam cần giải quyết là làm sao có đủ đội ngũ kỹ sư vi mạch. Hiện nay, mới chỉ có khoảng hơn 5.000 kỹ sư vi mạch, trong khi đó, để đón được hàng chục tỷ USD trong thời gian tới thì số kỹ sư vi mạch phải tăng lên rất nhiều lần. Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ Việt Nam bố trí nguồn lực trực tiếp giúp Việt Nam tạo nguồn nhân lực mới này.

Giá trị của Việt Nam là tự thân

DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam hiện nay là trực tiếp hay họ chuyển bớt đầu tư từ nước khác sang?

Sẽ có cả hai xu hướng, có những DN thì đang cân nhắc đầu tư trực tiếp và có DN không phải chuyển nhà máy từ nước khác về Việt Nam mà là không đầu tư mở rộng ở một nước cụ thể nữa thay vào đó họ chuyển sang Việt Nam. Cụ thể là đợt COVID-19 vừa qua, Trung Quốc “đóng cửa” kéo dài, DN Mỹ bị ảnh hưởng nguồn cung rất mạnh, do đó họ muốn đa dạng hóa nguồn cung bằng cách không mở rộng đầu tư tiếp vào Trung Quốc nữa mà chuyển sang đầu tư vào các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, có những DN dự kiến đầu tư vào Trung Quốc thì họ gặp chính rào cản từ phía Mỹ. Vậy nên họ quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Xuất khẩu của nước ta sang Mỹ đã đạt 100 tỷ USD, theo dự đoán của ông, DN và kinh tế Việt Nam được gì, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam và giờ là Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ?

Có thể nói DN của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và nhìn thấy kết quả trong thời gian ngắn trước mắt, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ một lần nữa đưa tên Việt Nam lên bản đồ thế giới của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm, thế nhưng trong 3 quý gần đây, kinh tế Việt Nam có những diễn biến tiêu cực và có thể làm nản lòng một số DN trong nước và cũng gây băn khoăn thắc mắc cho một số nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Việt Nam của đoàn DN lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng thống Biden thì tin tức tích cực về Việt Nam được truyền ra thế giới mạnh mẽ. Rất nhiều DN trước đây chưa nghe đến Việt Nam hoặc từng nghe đến nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu thì bây giờ họ có động cơ mạnh mẽ hơn để tìm hiểu về Việt Nam. Đó là lý do mà USABC chúng tôi nhận được số lượng các câu hỏi, sự quan tâm về Việt Nam tăng đột biến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Mỹ dịp này cũng rất quan trọng. Trong chương trình làm việc, Thủ tướng có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi với DN Mỹ, chắc chắn nhiều mối quan tâm đến Việt Nam, vấn đề sẽ được đặt ra để giải quyết trong thời gian tới. Để chuẩn bị mọi thứ cho những cuộc gặp của Thủ tướng với DN tại Mỹ, tôi cũng đã qua Mỹ nhiều ngày nay để làm công tác chuẩn bị. Ngoài ra, USABC cũng đang rất bận rộn lên kế hoạch để đón những đoàn lãnh đạo cấp cao của DN Mỹ thăm Việt Nam vào cuối năm nay để tìm hiểu và cụ thể hóa cơ hội đầu tư.

Nếu nhìn từ phía DN Mỹ, Việt Nam quan trọng như thế nào trong hợp tác kinh tế và nâng tầm quan hệ? Điều này quan trọng ra sao khi nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ nâng tầm quan hệ với Việt Nam là để kiềm chế nước khác?

Tôi cho rằng, Trung Quốc trong mối quan hệ Việt -Mỹ quan trọng nhưng đó không phải là tất cả. Việt Nam rất quan trọng, có giá trị với Mỹ không chỉ xet từ góc độ địa chính trị, an ninh mà từ góc độ kinh tế. Trong mắt các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam là nền kinh tế thuộc ASEAN với hơn 600 triệu dân; tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào ASEAN lớn hơn FDI của Mỹ vào Trung Quốc lục địa, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cộng lại. Trong ASEAN, Việt Nam là một “thế lực” đang lên. Lãnh đạo Indonesia khi tiếp chúng tôi cũng có hỏi “ở Việt Nam họ đã làm gì mà thu hút đầu tư nước ngoài tốt như vậy?”. Điều đó cho thấy Việt Nam thực sự có giá trị ngoài an ninh với Hoa Kỳ chứ không phải chỉ có vấn đề an ninh hay Trung Quốc ở đây.

Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi “Có phải Việt Nam cần Mỹ để khắc chế Trung Quốc không?”, không đúng! Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Cho nên sống còn trong quan hệ Việt-Mỹ yếu tố kinh tế và thương mại quan trọng hàng đầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới