Sunday, December 22, 2024
Trang chủNước Việt đẹpVịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà chính thức là di...

Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà chính thức là di sản thiên nhiên thế giới

Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới. Đây cũng là di sản liên vùng đầu tiên giữa hai tỉnh thành ở Việt Nam.

Đoàn công tác của Việt Nam và Giám đốc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Vào 17h40 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (21h ngày 16/9 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, UNESCO đã chính thức công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Với những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú có giá trị nổi bật toàn cầu, điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst, đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề, môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới. Đây cũng là di sản liên vùng đầu tiên giữa hai tỉnh thành ở Việt Nam.

Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, nơi được mệnh danh là “hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ”, núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la. Các khu vực tự nhiên có diện tích vùng lõi là 65.650ha, vùng đệm có diện tích 34.140ha. Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh và quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng. Nơi đây sở hữu nhiều danh hiệu quốc gia, quốc tế quan trọng như: Di tích quốc đặc biệt Vịnh Hạ Long; Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà; Vườn quốc gia Cát Bà; Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; khu bảo tồn biển; khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà; Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (năm 1994 và 2000).

Quần đảo Cát Bà đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Vịnh Hạ Long cũng đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản tự nhiên thế giới lần thứ 2 vào năm 2020.

Việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau, đồng thời giúp chúng ta nhận thức rõ Quần đảo Cát Bà là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà bao gồm toàn bộ các giai đoạn của quá trình biển làm ngập chìm karst nhiệt đới cũng như có 3 loại hình hang động chủ yếu (hang hàm ếch biển cổ, hang nền karst cổ và hàm ếch). Vịnh Hạ Long thể hiện các giai đoạn muộn hơn của quá trình biển ngập chìm, còn quần đảo Cát Bà bổ sung các giá trị địa chất quan trọng vào di sản thông qua các mẫu hình về các giai đoạn đất liền và liên triều, mà một số rất hiếm, thậm chí là độc đáo.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của Châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển – đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.

Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà còn là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh lục Đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng nguyên sinh vào khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực đề cử.

Đặc biệt, Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.

Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới cũng đồng thời được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Cát Bà, quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước, thu hút các lĩnh vực đầu tư kinh tế sinh thái.

Việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà sẽ tăng thêm giá trị vốn có của di sản, được minh chứng qua sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật. Các giá trị nổi bật toàn cầu của khu vực được xác định gồm các kiến tạo vật lý và sinh học, các kiến tạo địa chất, địa lý và là môi trường sống của các loài động, thực vật bị đe dọa theo quan điểm thẩm mỹ, khoa học và bảo tồn.

Trước đó, Đoàn công tác của Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với Chủ tịch WHC, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, Giám đốc Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới… nhằm vận động, tìm kiếm sự ủng hộ đối với hồ sơ đề cử.

Đoàn công tác của Việt Nam gồm có ông Đặng Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Ả rập Xê út; bà Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại UNESCO; bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Giáo sư Đỗ Công Thung, Chủ nhiệm hồ sơ đề cử, cùng các thành viên.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới