Các biện pháp trừng phạt đến nay chưa thể hạ gục kinh tế Nga, khi Moskva duy trì nguồn thu lớn từ xuất khẩu, còn chính sách phương Tây còn nhiều lỗ hổng.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/9 tuyên bố nền kinh tế Nga đã phục hồi hoàn toàn sau thời gian chống chịu áp lực trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.
“Có thể nói rằng giai đoạn phục hồi nền kinh tế Nga đã hoàn thành. Chúng ta đã trụ vững trước áp lực bên ngoài, với những lệnh cấm vận không ngừng nghỉ từ giới lãnh đạo phương Tây và một số quốc gia không thân thiện”, ông nói khi dự cuộc họp về dự thảo ngân sách liên bang giai đoạn 2024-2025.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) từng dự báo GDP Nga sẽ suy giảm trong năm nay. Tuy nhiên, trong báo cáo công bố hồi tháng 8, hai tổ chức này đã cùng nâng dự báo về nền kinh tế Nga, cho hay GDP nước này tăng trưởng 1,2% và có thể đạt mức 2,5-2,8% vào cuối năm.
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất Nga cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt bất chấp các lệnh trừng phạt, được củng cố bởi thương mại và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, cũng như doanh thu năng lượng cao hơn dự kiến.
Theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu hồi tháng 8 của Ngân hàng Liên minh Thụy Sĩ (UBS), trong năm 2022, người Nga đã tăng thêm 600 tỷ USD tài sản, trong khi Mỹ và các đồng minh châu Âu mất hàng nghìn tỷ USD.
Số lượng triệu phú Nga cũng tăng thêm khoảng 56.000 người, lên 408.000 trong giai đoạn này. Lượng người siêu giàu hoặc những người có tài sản ròng hơn 50 triệu USD của Nga tăng hơn 4.500.
Trong khi đó, khoảng một triệu người đã không còn là triệu phú tại Mỹ vào cuối năm 2022, báo cáo cho biết. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Mỹ thiệt hại 5,9 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm tới 50% tổng số triệu phú toàn cầu.
Thông tin này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây thất vọng, những người từng tin rằng loạt biện pháp trừng phạt quyết liệt chưa từng có của họ sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga, giáng một đòn mạnh vào các tài phiệt giàu nhất nước này, cũng như giảm nguồn thu của Moskva cho chiến dịch tại Ukraine.
Trong báo cáo, UBS cho biết Nga nằm trong số ít quốc gia có xu hướng gia tăng tạo ra của cải trong năm 2022, dù đây là thời kỳ Nga phải dốc nguồn lực cho chiến sự tại Ukraine.
Theo Janis Kluge, chuyên gia cấp cao tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức (SWP), trụ sở ở Berlin, Moskva có thể dựa vào hàng tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu để tiếp tục bổ sung ngân sách trong những năm tới. Nửa đầu năm 2023, Nga đã thu về hơn 200 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng, quá đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.
“Ngay cả khi biện pháp áp trần giá dầu của G7 với Nga phát huy hiệu quả, Moskva vẫn có thể đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD mỗi năm”, Kluge cho hay. “Chừng nào thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn khó khăn về nguồn cung, phương Tây không có nhiều cơ hội để hành động. Sẽ phải có một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng hơn để thay đổi điều đó”.
Ngành công nghiệp Nga vẫn phụ thuộc vào công nghệ phương Tây. Nhưng bất chấp các lệnh trừng phạt, nước này vẫn có thể mua được nhiều linh kiện quan trọng cần thiết để sản xuất vũ khí, bằng cách nhập khẩu qua bên thứ ba.
Moskva dường như xác định mục tiêu hiện tại là tăng cường năng lực sản xuất một cách nhanh chóng. Việc tìm kiếm máy móc để lắp ráp dây chuyền sản xuất mới khó khăn hơn do các lệnh trừng phạt, nhưng hoạt động sản xuất không bị đình trệ do thiếu linh kiện hoặc nguyên liệu nói chung, Kluge lưu ý.
Trên trường quốc tế, nỗ lực cô lập Nga của phương Tây không đạt như kỳ vọng, khi nhiều nước đang phát triển phản đối việc ngăn cản Nga tham gia các diễn đàn toàn cầu. Mối quan tâm đến các diễn đàn ngoại giao có Nga tham gia, như BRICS, đã tăng lên.
“Ngay cả khi chỉ mang tính biểu tượng, điều này cũng hạn chế đáng kể nỗ lực của phương Tây nhằm tách rời Nga”, Kluge bình luận.
Nga còn nhận được hỗ trợ kinh tế từ nhiều phía. Trong khi Bắc Kinh tăng cường hợp tác công nghệ với Moskva, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Arab Saudi mang đến đòn bẩy kịp thời cho Nga, giúp họ giữ được doanh thu từ dầu mỏ cao bất chấp lệnh trừng phạt.
Theo Yuri Fedorov, chuyên gia về quân sự, giáo sư tại Đại học Prague, Cộng hòa Czech, phương Tây không nên phóng đại tác động từ các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
“Tổng thống Putin có đủ tiền để tiếp tục chiến sự trong vài năm nữa và phần lớn người dân Nga đã chuẩn bị tinh thần cho điều đó”, ông nói.
“Một câu hỏi khác là các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn cung sản phẩm quân sự, lưỡng dụng hay linh kiện vi điện tử cho Nga cứng rắn đến mức nào”, Fedorov cho hay. “Đây là một điểm khá yếu trong chính sách của phương Tây, bởi vì chúng ta đều biết rằng thông qua các vùng xám, Nga vẫn sẽ kiếm được tiền. Tôi nghĩ phương Tây cần quan tâm đến việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp các sản phẩm quân sự hoặc lưỡng dụng này”.
Ông cho rằng mức sống ở Nga có thể đang suy giảm nhưng không nhanh như mong đợi, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Ở các tỉnh, mức sống giảm sút thậm chí còn thúc đẩy nam giới đăng ký nhập ngũ để tham chiến ở Ukraine, nơi họ có thể nhận mức lương hậu hĩnh.
Fedorov nhấn mạnh phương Tây “không nên đặt quá nhiều hy vọng vào việc nền kinh tế Nga sẽ kiệt quệ”. “Quá trình này đang diễn ra không đủ nhanh”, ông nói.
“Có rất nhiều lỗ hổng trong chính sách trừng phạt hiện tại của phương Tây”, Tom Keatinge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tội phạm Tài chính tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), bình luận.
Đầu tiên là hệ thống tài chính, nơi các kênh ngân hàng để giao dịch với Nga vẫn được duy trì ở phương Tây, ông cho biết. “Một ngân hàng ở phương Tây rất khó biết được một khoản thanh toán sẽ đi đến đâu”, Keatinge nói. “Luôn tồn tại nguy cơ một lô thuốc hoặc hàng hóa tương tự được xuất khẩu có thể đóng vai trò là vỏ bọc cho một thứ gì đó nguy hiểm hơn”.
Bên cạnh đó, một số ngành kinh tế của Nga vẫn không bị trừng phạt hoặc không thể trừng phạt.
Kim cương là một ví dụ. Mặc dù Mỹ và Anh đã áp dụng các hạn chế đối với kim cương Nga, Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục loại đá quý ra khỏi danh sách trừng phạt. Điều này cho phép Nga, nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, tiếp tục tiếp cận một trong những thị trường trọng điểm của mình.
“Các chính phủ đang nỗ lực tìm ra cách bịt những lỗ hổng đó theo cách không gây ảnh hưởng quá lớn tới túi tiền của họ”, Keatinge nhận xét.
Keatinge lưu ý rằng một số hoạt động thương mại với Nga “rất khó cắt giảm, như việc mua nhiên liệu hạt nhân”.
Truyền thông hồi tháng 8 đưa tin Nga đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ việc bán nhiên liệu hạt nhân cho Mỹ và châu Âu, những quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung của Moskva.
Dù hoan nghênh việc xem xét kỹ lưỡng những gì còn thiếu trong chính sách trừng phạt, Mark Harrison, giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Warwick, cho hay điều quan trọng là phương Tây đã hành động.
“Mục đích thực sự là làm tăng chi phí với Nga bằng cách buộc họ phải thích nghi. Phong tỏa nền kinh tế Nga là điều không thể”, ông nói. “Những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục khiến Moskva phải trả giá đắt hơn khi kết nối với phần còn lại của thế giới”.
T.P