Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững yếu tố có thể góp phần quyết định cuộc xung đột...

Những yếu tố có thể góp phần quyết định cuộc xung đột Nga – Ukraine

Cuộc xung đột ở Ukraine đang cách mạng hóa công nghệ quân sự và giới quan sát cho rằng bất kỳ bên nào làm chủ quá trình này thì bên đó sẽ giành chiến thắng.

Binh lính Ukraine điều khiển UAV Leleka 100 trong một sứ mệnh trinh sát. Ảnh: Getty


Xung đột ở Ukraine – cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 là sự kết hợp của các công nghệ cũng như chiến thuật cũ và mới. Các nước đang theo sát diễn biến ở Ukraine để hiểu thêm về những đặc điểm của một cuộc xung đột trong thế kỷ 21 khi chứng kiến một cuộc chạy đua thử nghiệm công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong những cuộc xung đột tương lai.

“Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ không chỉ ở Ukraine mà còn cả ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và những gì đang diễn ra với công nghệ như trí tuệ nhân tạo và máy học. Điểm mấu chốt là tìm hiểu điều gì bất biến, điều gì thay đổi căn bản và cách thức áp dụng những hiểu biết này”, Tướng James E. Rainey, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Tác chiến Tương lai của Mỹ bình luận.

Hiện không dễ để rút ra kết luận khi xung đột vẫn đang diễn ra và cả hai bên đều giữ bí mật về thương vong, tiêu hao đạn dược cũng như các yếu tố quan trọng khác. Điều này giúp giải thích sự chia rẽ trong đánh giá của các nhà phân tích quân sự về cuộc xung đột ở Ukraine.

Stephen Biddle, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia gần đây nhận định trên Foreign Affairs rằng: “Cuộc xung đột ở Ukraine dùng nhiều thiết bị mới nhưng việc sử dụng chúng chưa mang đến những kết quả có thể tạo chuyển biến”. Ông cho rằng, xung đột ở Ukraine cho thấy, các quốc gia vẫn cần nhiều đạn pháo, xe tăng và thậm chí cả các vũ khí ra đời từ lâu. Cuộc xung đột này là hồi chuông thức tỉnh các nước phương Tây, vốn không sản xuất đủ đạn dược trong những năm gần đây.

Sự phổ biến chưa từng có của máy bay không người lái
Dù vậy, các nhà phân tích đã nhìn thấy sự phát triển mang tính cách mạng, đầu tiên là mức độ sử dụng rộng rãi máy bay không người lái trong xung đột ở Ukraine, lớn hơn nhiều so với bất kỳ cuộc xung đột nào trước đó.

Hầu hết UAV do hai bên triển khai không phải được được thiết kế cho xung đột mà là phục vụ các mục đích dân sự. Những UAV giá rẻ này có thể được điều chỉnh để tiến hành giám sát và thậm chí được trang bị lựu đạn hoặc chất nổ để thả xuống các vị trí của đối phương. Ở mức độ cao hơn, Ukraine nhận được các UAV tấn công từ phương Tây, trong đó có Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, Switchblade 300 và Phoenix Ghost của Mỹ cùng hệ thống siêu rẻ nhưng khó bị phát hiện của Australia là Hệ thống phân phối tải trọng chính xác Corvo. Trong khi đó, Nga được cho là chủ yếu dựa vào UAV tự kích nổ Shahed do Iran sản xuất và UAV Lacet cũng như bom lượn dẫn đường bằng GPS do nước này tự sản xuất.

Bởi vì các UAV bay chậm, tạo ra tiếng ồn và dựa vào đường dây liên lạc có thể bị gây nhiễu nên chúng dễ bị bắn hạ bởi đạn, tên lửa hoặc các thiết bị gây nhiễu. Theo Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), Ukraine mất khoảng 10.000 UAV mỗi tháng. Tuy nhiên, các hệ thống không người lái này rất rẻ, nhìn chung tổn thất chỉ khoảng vài nghìn cho tới vài chục nghìn USD so với con số vài triệu USD đối với máy bay có người lái, nên cả Nga và Ukraine đều sẵn sàng mua hoặc sản xuất số lượng lớn phương tiện này.

Cuộc xung đột hiện nay cũng chứng kiến sự xuất hiện của “bầy đàn UAV”. Chúng được cho là sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai khi những quốc gia như Mỹ và Trung Quốc sản xuất hàng loạt các hệ thống tự động tinh vi. Cuối cùng, nhân tố thách thức cuộc chơi sẽ là các UAV trí tuệ nhân tạo có khả năng “tự động săn tìm mục tiêu”.

Công nghệ UAV đang phát triển nhanh chóng ngày nay tương tự như công nghệ máy bay trong Thế chiến I, giữa bối cảnh cả Nga và Ukraine đều cố gắng giành lợi thế.

“Mục tiêu cuối cùng là chúng tôi sẽ có một kiểu đội quân mới. Giống như lực lượng không quân và lực lượng pháo binh, sẽ có cả lực lượng UAV”, một quan chức Ukraine nhận định với Wall Street Journal.

Các công ty Ukraine đang điều chỉnh các UAV thương mại để đối phó với các hệ thống gây nhiễu của Nga, đồng thời tự sản xuất UAV với tầm hoạt động và tải trọng lớn hơn. Trong năm qua, Ukraine đã huấn luyện cho hơn 10.000 nhân lực điều khiển UAV mới và có kế hoạch huấn luyện thêm 10.000 binh lính.

Yếu tố con người vẫn là then chốt
Bên cạnh đó, cả Nga và Ukraine đều dựa vào hình ảnh từ vệ tinh cũng như UAV để quan sát chiến trường. Ukraine không có vệ tinh của riêng mình nhưng họ có thể tiếp cận hình ảnh vệ tinh của Mỹ cũng như các hình ảnh vệ tinh thương mại. Tất cả công nghệ này, dù là UAV bay tầm thấp hay vệ tinh trong không gian, đều khiến cho Nga và Ukraine khó có thể tận dụng yếu tố bất ngờ trên chiến trường.

“Chiến trường ngày càng rõ ràng. Bạn không thể tập trung số lượng lớn xe tăng để tiến công bởi mọi người đều biết chúng ở đâu và đang làm gì”, Lawrence Freedman, Giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Cao đẳng Hoàng gia London nhận định.

Dịch vụ vệ tinh quan trọng nhất và lớn nhất hiện nay là Starlink, do công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk sở hữu, cung cấp truy tập internet khắp thế giới bao gồm cả ở Ukraine. Vào tháng 7/2023, SpaceX có khoảng 4.500 vệ tinh trên quỹ đạo và có kế hoạch mở rộng lên 42.000 vệ tinh. Starlink được đánh giá là một “đột phá” trong liên lạc quân sự, bởi các tín hiệu của nó khó bị gián đoạn hoặc bị theo dõi so với liên lạc qua sóng vô tuyến, đồng thời chúng cho phép các đơn vị ở những vị trí xa xôi nhất kết nối với bất kỳ ai trên hành tinh.

Trong khi UAV và Starlink thu hút hầu hết sự quan tâm của công chúng thì một khía cạnh mang tính chuyển biến khác không nên bị bỏ qua trong cuộc xung đột ở Ukraine: Đó là các hệ thống phòng không. Ukraine tuyên bố nước này đã ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga bằng cách kết hợp các hệ thống phòng không thời Liên Xô với hệ thống tiên tiến của phương Tây, trong đó có Patriot của Mỹ, NASAMS của Mỹ và Na Uy, IRIS-T và Gepard Flakpanzer của Đức, mỗi hệ thống được tối ưu hóa để đối phó với các mối đe dọa tên lửa khác nhau. Dù vậy, các tên lửa Nga vẫn có thể vượt qua, đặc biệt khi được phóng vào những khu vực có mật độ phòng không mỏng của Ukraine.

Trên thực tế, các nhà quan sát cho rằng một điều quan trọng là không nên phóng đại tác động của các công nghệ tiên tiến. Nhiều cuộc giao tranh ở Ukraine vẫn sử dụng công nghệ thấp và vũ khí có từ lâu. Những công nghệ tiên tiến hơn như trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu vượt âm và chiến tranh mạng hầu như không có tác động đáng kể. Máy bay có người lái cũng không đóng vai trò lớn, một phần là do khả năng phòng không của hai bên.

Dù UAV trở nên phổ biến như thế nào, yếu tố con người vẫn giữ vai trò quan trọng trong xung đột. Cả Nga và Ukraine đều sở hữu UAV nhưng câu hỏi đặt ra là bên nào có thể sử dụng chúng hiệu quả hơn bởi chỉ riêng công nghệ thì hiếm khi có thể mang đến lợi thế lâu dài.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới