Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnCạnh tranh Trung Mỹ có thể châm ngòi xung đột trên Biển...

Cạnh tranh Trung Mỹ có thể châm ngòi xung đột trên Biển Đông và khu vực

Một trong những mục đích chính trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng 6 vừa qua là tái thiết lập các kênh liên lạc để giảm thiểu “những hiểu lầm và thông tin sai lệch”, cũng như ngăn chặn hoặc quản lý các sự cố giữa quân đội hai nước.

Những vụ việc đối đầu giữa máy bay quân sự Mỹ và máy bay chiến đấu Trung Quốc ở Biển Đông hay vụ tàu chiến Trung Quốc và Mỹ suýt va chạm ở eo biển Đài Loan hồi đầu tháng 6 vừa qua là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken đã thất bại trong việc khôi phục kênh liên lạc quan trọng nhất – liên lạc giữa quân đội hai nước. Hơn nữa, ngay cả khi kênh liên lạc này được nối lại, các sự cố nguy hiểm vẫn sẽ xảy ra. Điều này là do chúng không bắt nguồn từ sự hiểu lầm và thông tin sai lệch, mà bắt nguồn từ những bất đồng sâu sắc hơn về trật tự quốc tế và lợi ích chiến lược giữa hai bên.

ưu thế chính trị và quân sự trong khu vực và rộng hơn thế. Các vụ đối đầu của máy bay và sự cố tàu đối đầu nhau hôm 3/6/2023 là kết quả của sự cạnh tranh giữa một nước Mỹ muốn bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không và duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và một Trung Quốc với tham vọng khống chế, độc chiếm các vùng biển. Nói cách khác, những sự cố này và những vụ việc tương tự xảy ra là do xung đột giữa một bên muốn duy trì nguyên trạng và bảo vệ quyền lợi biển cả của mình với một bên sử dụng cái gọi là “quyền tự vệ” để mưu toan phá vỡ nguyên trạng hòng vươn lên giành lợi thế trước kẻ thù tiềm tàng.

Giới phân tích nhận định vụ việc đối đầu giữa tàu chiến Trung Quốc với tàu chiến Mỹ hôm 3/6 đã làm nổi bật lập trường của mỗi bên và sự sẵn sàng sử dụng vũ lực. Tàu khu trục Trung Quốc đổi hướng và ra hiệu cho tàu chiến Mỹ di chuyển nếu không sẽ xảy ra va chạm. Một tuyên bố của Mỹ mô tả hành động của tàu chiến Trung Quốc là bất hợp pháp, không chuyên nghiệp và nguy hiểm. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby tuyên bố vụ suýt va chạm là minh chứng cho “sự hung hăng ngày càng tăng” của quân đội Trung Quốc. Đáp trả, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhấn mạnh “chúng ta phải ngăn chặn những nỗ lực lợi dụng quyền tự do hàng hải để thực hiện quyền bá chủ hàng hải”.

Đánh giá phản ứng của Washington nếu Trung Quốc thực hiện các hoạt động tương tự trong vùng biển gần nước Mỹ, giới chuyên gia cho rằng Washington sẽ hành động một cách chuyên nghiệp hơn. Mỹ sẽ không phản đối về mặt pháp lý vì Mỹ luôn đề cao giá trị tự do hàng hải, nhưng Mỹ có thể sẽ giám sát chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ được coi là một hành động không thù địch. Như Người phát ngôn Kirby từng nói, “các cuộc đánh chặn trên không và trên biển luôn xảy ra”. Sự khác biệt là “khi chúng tôi hành động, có nghĩa là chúng tôi thấy cần phải làm như vậy, nó được thực hiện một cách chuyên nghiệp và tuân theo luật lệ giao thông hàng hải”.  

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các sự cố gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực, song xem ra thời gian gần đây các sự cố xảy ra với tần xuất nhiều hơn và mức độ nguy hiểm hơn. Washington và Bắc Kinh từ lâu đã tranh cãi về các hoạt động trinh thám trên biển và trên không của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Sự cố hồi tháng 6 xảy ra ngay sau vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc chặn máy bay trinh sát của lực lượng hải quân Mỹ một cách “nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp” trên Biển Đông hồi cuối tháng 5. Điều này phản ánh cạnh tranh địa chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh ở khu vực ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn.

Mỹ coi eo biển Đài Loan hay Biển Đông là “tuyến đường thủy quốc tế”, hay nói cách khác “đây là khu vực mà các quyền tự do trên biển cả (vùng biển quốc tế), bao gồm tự do hàng hải và hàng không, được đảm bảo bởi luật pháp quốc tế”. Quyền tự do hàng hải được quy định rất rõ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, theo đó tự do hàng hải là quyền của tất cả các quốc gia có biển hay không có biển. Theo quy định của UNCLOS, biển của các quốc gia ven biển được chia thành từng vùng với giá trị pháp lý khác nhau, và căn cứ theo từng vùng này mà tàu thuyền của quốc gia nước ngoài có các quyền đi lại tương ứng. Đối với lãnh hải, vùng nước rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, tàu thuyền nước ngoài có “quyền đi lại vô hại”. Tức là các tàu thuyền này phải đi qua một cách nhanh chóng, liên tục và khẩn trương. Nhưng với các vùng biển còn lại, bao gồm vùng biển đặc quyền kinh tế và xa hơn là vùng biển cả, tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu quân sự được hưởng sự tự do hàng hải. Khái niệm “tự do đi lại” có nội hàm rộng hơn “đi lại vô hại”, bởi vì các tàu thuyền không cần đi qua một cách nhanh chóng.

Theo Công ước Luật Biển 1982, các nguyên tắc pháp lý đối với vấn đề đi lại của các tàu trên biển đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng một cách rộng rãi và đồng nhất. Từ đó, các nguyên tắc này cũng đã được Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) khẳng định là các tập quán quốc tế, điều này có nghĩa là dù không phải là thành viên của Công ước Luật Biển 1982, các quốc gia khác vẫn có thể áp dụng, trong đó có Mỹ. Do vậy, Trung Quốc không thể lấy cớ Mỹ chưa phải là thành viên UNCLOS để chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ.

Tại Biển Đông, theo phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc, đa số các vùng biển tại đây là các vùng biển mà tàu thuyền các quốc gia trên thế giới đều có thể tự do hàng hải. Như vậy, căn cứ luật pháp quốc tế, Biển Đông là một vùng biển mở, các tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều có thể đi lại hợp pháp tương ứng với từng vùng biển trong khu vực này mà không bị cản trở bởi quốc gia nào.

Chương trình tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ra đời từ năm 1979 với mục tiêu cơ bản là nhằm thể hiện quan điểm của Mỹ đối với các yêu sách trên biển của các quốc gia trên toàn thế giới. Trong nhiều năm nay, hải quân Mỹ đã thường xuyên triển khai hoạt động FONOP ở Biển Đông. Ngoài Mỹ, các quốc gia khác như Anh,  Pháp, Đức, Canada, Úc, Nhật, Ấn Độ… cũng đã thực hiện hành vi tự do hàng hải của mình tại Biển Đông. Đây là các hoạt động hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế. Trung Quốc không thể lấy việc đi lại của các tàu chiến Mỹ trong khu vực Biển Đông một cách hợp pháp làm cái cớ để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây, đặc biệt là việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông và quân sự hoá các căn cứ này. Đây là một sự nguỵ biện, Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm của luật pháp để tạo cớ cho các hành vi phi pháp của mình tại Biển Đông.

Liên quan đến eo biển Đài Loan, căn cứ theo quy định của UNCLOS ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển Trung Quốc đại lục và 12 hải lý xung quanh đảo Đài Loan, đảo Kim Môn (đủ tiêu chuẩn để có vùng lãnh hải), các vùng biển còn lại đều là vùng biển mà tàu thuyền các nước, bao gồm tàu chiến của tất cả các quốc gia đều có quyền tự do đi lại, vụ việc tàu Trung Quốc chặn ngang tàu chiến Mỹ và tàu chiến Canada hôm 3/6 khi các tàu này đi qua eo biển Đài Loan là việc làm thiếu chuyên nghiệp, cản trở tự do hàng hải ở khu vực này. Đây là một hành động nguy hiểm của hải quân Trung Quốc có thể dẫn tới va chạm, đụng độ trên biển, không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Cũng như ở Biển Đông, hải quân Mỹ đã nhiều lần thực hiện quyền tự do hàng hải khi cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, nhằm khẳng định quyền hợp pháp của Washington. Lâu nay, Bắc Kinh luôn lớn tiếng nói rằng toàn bộ eo biển Đài Loan thuộc quyền tài phán của họ vì Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, lý do mà Bắc Kinh đưa ra hoàn toàn không có cơ sở pháp lý mà chỉ là cái cớ để Bắc Kinh khống chế, kiểm soát eo biển Đài Loan, cản trở tự do hàng hải như họ đang làm với Biển Đông bởi lẽ theo UNCLOS kể cả trong trường hợp Đài Loan thống nhất với Trung Quốc thì phần lớn vùng biển ở eo biển Đài Loan vẫn là vùng biển tàu thuyền các nước có quyền tự do qua lại.

Liên quan vấn đề Đài Loan và Biển Đông, hôm 25/6, Ngoại trưởng Đài Loan Jaushieh Joseph Wu cho biết mối đe dọa từ Trung Quốc ở Biển Đông đang gia tăng đáng kể khi Trung Quốc triển khai một số lượng lớn dân quân biển có vũ trang tới khu vực, bên cạnh một loạt tàu chiến và các khí tài quân sự khác. Ông kêu gọi các bên liên quan đoàn kết, nỗ lực đối phó với thách thức này. Ngoại trưởng Wu cũng trích dẫn các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, trong đó có nỗ lực kiểm soát các cảng quan trọng ở Pakistan, Sri Lanka, Myanmar và Djibouti và hy vọng New Delhi đang “để mắt” đến điều đó. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa một bên là Mỹ muốn duy trì vị thế siêu cường duy nhất và bảo vệ giá trị tự do hàng hải ở khu vực với một bên là Trung Quốc đang trỗi dậy muốn vương lên thành một siêu cường, xóa bỏ thế độc tôn của Mỹ, phá vỡ hiện trạng để thiết lập một trật tự mới ở khu vực, những va chạm giữa hải quân, không quân Mỹ – Trung ở khu vực ngày càng tăng chính là gốc rễ của những sự cố nguy hiểm và có thể châm ngòi cho các cuộc đụng độ ở Biển Đông và trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới