Sunday, May 12, 2024
Trang chủQuân sựBa Lan vạch giới hạn hỗ trợ vũ khí cho Ukraine: Khởi...

Ba Lan vạch giới hạn hỗ trợ vũ khí cho Ukraine: Khởi đầu của hiệu ứng domino?

Nếu Ba Lan có lập trường mới về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trong tương lai, các quốc gia châu Âu có lập trường do dự sẽ ngày càng ít sẵn sàng hỗ trợ cho Kiev.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.


Đằng sau tuyên bố dừng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine
Ngày 20/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki – một trong những đối tác thân thiết và ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine cho biết nước này “không vận chuyển vũ khí cho Ukraine nữa”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, khi được hỏi liệu Ba Lan có tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine hay không ông Morawiecki cho biết, Warsaw sẽ không cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine nữa bởi nước này phải trang bị cho quân đội của mình “những vũ khí hiện đại nhất”.

“Nếu bạn không muốn ở vào thế phải phòng thủ, bạn cần phải có thứ gì đó để bảo vệ chính mình. Đây là nguyên tắc của chúng tôi, vì thế chúng tôi đã tăng cường mua sắm vũ khí”, ông Morawiecki nói.

Tuy nhiên, điều này dường như cho thấy một sự thay đổi lớn trong chính sách khi Ba Lan là một trong những nước đi đầu cung cấp vũ khí và nguồn lực cho Ukraine. Hiện nay, Warsaw đã vạch ra giới hạn đối với việc hỗ trợ trong tương lai và đó có thể là một đòn đau với Kiev trong cuộc xung đột kéo dài.

Ngày 21/9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã làm rõ những nhận định của ông Morawiecki khi nói rằng thông báo trên chỉ là nhắc đến các vũ khí mới sẽ được mua cho quân đội Ba Lan và các hệ thống cũ hơn mà Warsaw cho là không cần thiết đối với việc hiện đại hóa quân đội vẫn có thể được cung cấp,

“Thủ tướng nói về các vũ khí này trong bối cảnh chúng tôi đang mua vũ khí mới cho quân đội. Theo quan điểm của tôi, Thủ tướng muốn nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ không vận chuyển vũ khí mới cho Ukraine – những vũ khí là một phần trong quá trình hiện đại hóa của quân đội chúng tôi”.

Theo ông Duda, “hãy nhớ rằng chúng tôi có các hợp đồng đã ký với Ukraine, chẳng hạn như việc cung cấp lựu pháo Krab”. Ba Lan sẽ cần hoàn tất thỏa thuận này cũng như các thỏa thuận khác về việc cung cấp đạn dược và phương tiện dọn mìn – vốn “cần thiết cho cuộc phản công” của Ukraine.

Ngoài ra, cũng không có nhận định nào nói rằng Ba Lan – quốc gia trung gian vận chuyển hầu hết vũ khí tới Ukraine – sẽ dừng cho phép các vũ khí phương Tây đi qua biên giới nước này để tới tiền tuyến.

Trên thực tế, những bình luận của ông Duda vẫn chưa làm rõ hiệu quả thực sự trong các thông báo của Warsaw cũng như liệu việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có bị tác động hay không.

Nguồn cơn căng thẳng giữa Ba Lan và Ukraine
Căng thẳng giữa Ukraine và Ba Lan gia tăng trong những tháng qua về lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc, được thực hiện vào đầu năm nay bởi một số nước EU nhằm bảo vệ các nông dân của mình.

Tuần trước EU thông báo kế hoạch tạm dừng quy định này. Tuy nhiên, 3 nước Ba Lan, Hungary và Slovakia cho biết họ sẽ đơn phương thực hiện biện pháp hạn chế. Điều này đã làm dấy lên sự phản đối từ Ukraine và Kiev đã nộp đơn kiện cả 3 nước trên.

Ukraine được coi là “giỏ bánh mì của châu Âu” do lượng ngũ cốc lớn mà nước này sản xuất. Tuy nhiên, các cảng Biển Đen, vốn là con đường để Ukraine xuất khẩu ngũ cốc đã bị Nga phong tỏa.

Lo ngại, tình hình này đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu, Ủy ban châu Âu đã tạo ra “các hành lang đoàn kết” hồi tháng 5 để tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu và tạm thời loại bỏ tất cả thuế cũng như hạn ngạch với hàng xuất khẩu của Ukraine, cho phép ngũ cốc giá rẻ của nước này đi vào thị trường khu vực.

Tuy nhiên, Ba Lan và các nước Đông Âu đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối trên quy mô lớn của nông dân khi những người này kêu gọi lệnh cấm đối với các sản phẩm rẻ hơn của Ukraine đang gây tổn hại cho thị trường địa phương.

Ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập Đại sứ Ukraine tại Warsaw và cảnh báo rằng nước này có thể mở rộng lệnh cấm vận đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine sau khi Tổng thống Zelensky cáo buộc Ba Lan giúp đỡ Nga trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Sức ép trong nước
Phản ứng ban đầu của Ba Lan trong cuộc xung đột ở Ukraine đã giúp chính phủ nước này nhận được thái độ thiện chí ở khắp châu Âu cũng như đưa Warsaw trở thành một trong những “người chơi chính” trong liên minh phương Tây.

Quốc gia này đã tiếp nhận hơn 1,5 triệu người tị nạn Ukraine và cho phép 15 triệu người đi qua biên giới để chạy trốn khỏi xung đột.

Tuy nhiên, căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Ba Lan trong những tháng gần đây có thể trở nên tồi tệ hơn bởi một cuộc bầu cử quan trọng.

Đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý của Ba Lan (PiS) đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu vào 15/10 và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy họ có thể mất thế đa số tại nghị viện. Sự ủng hộ cho đảng này đang lung lay tại các vùng nông thôn quan trọng ở phía Đông – nơi mà nông nghiệp là một trụ cột kinh tế chính.

Đảng PiS cũng đang mất đi một phần sự ủng hộ của các cử tri trung thành vào tay một đảng cực hữu phản đối việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine và chỉ trích rằng cuộc xung đột này đang trở thành ưu tiên của chính phủ, thậm chí còn lớn hơn các vấn đề của người dân Ba Lan.

Để phản ứng lại, PiS dường như đang hạ giọng ủng hộ Ukraine trong những tháng gần đây và cho thấy khả năng sẵn sàng có một lập trường cứng rắn hơn.

Trước đó, hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Ukraine đã phạm sai lầm lớn khi triệu Đại sứ Ba Lan tới để trao đổi về những bình luận mà một quan chức cấp cao nước này đưa ra khi nói rằng Kiev nên cảm thấy biết ơn nhiều hơn vì sự hỗ trợ nước ngoài to lớn mà nước này nhận được.

“Trong chính trị quốc tế, đối mặt với một cuộc xung đột đang diễn ra và cân nhắc đến sự hỗ trợ to lớn mà Ba Lan cung cấp cho Ukraine, những sai lầm như vậy lẽ ra không nên xảy ra”, Thủ tướng Ba Lan nói.

Về phần mình, ông Mikhail Podoliak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo, “tình hữu nghị” giữa Ba Lan và Ukraine sẽ không kéo dài mãi.

Sự khỏi đầu của hiệu ứng domino?
Trong khi lập trường của Ba Lan về việc cung cấp vũ khí vẫn chưa rõ ràng thì bất kỳ sự đảo ngược nào về hỗ trợ quân sự và chiến lược của Ba Lan cho Ukraine đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Warsaw nằm trong số những quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho Kiv từ những ngày đầu xung đột và sẵn sàng thúc đẩy sự tham gia của Mỹ cũng như các nước châu Âu khác.

Vào tháng 1/2023, khi Đức do dự có nên cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine hay không, Ba Lan đã đi đầu trong việc đoàn kết một liên minh châu Âu để Berlin có đủ thời gian cho động thái trên. Trong những ngày này, các quan chức Ba Lan trao đổi công khai và kín đáo về mong muốn đưa các phương tiện chiến đấu công nghệ cao lên tiền tuyến ở Ukraine và khẳng định họ sẽ làm vậy dù các quốc gia khác có tham gia cùng hay không.

Kiev và các đối tác lo ngại, nếu Ba Lan có lập trường mới về việc cung cấp vũ khí trong tương lai, các quốc gia châu Âu có lập trường do dự sẽ ngày càng ít sẵn sàng hỗ trợ cho Ukraine.

Ba La có thể không muốn làm phiền lòng NATO và Mỹ – hai đối tác an ninh quan trọng. Nhưng bối cảnh chính trị trong nước có thể tạo sức ép để đảng cầm quyền nước này có lập trường cứng rắn hơn với Kiev. Một kết quả bầu cử sít sao vào tháng tới cũng có khả năng sẽ kéo dài sợi dây mong manh mà họ đang đi.

Những bình luận cứng rắn của ông Zelensky với Ba Lan trong tuần này cho thấy rủi ro của việc dồn ép các đối tác của mình quá mức. Bài phát biểu của Tổng thống Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã làm nhiều người ở Ba Lan giận dữ. Ngoài ra, tranh cãi về việc xuất khẩu ngũ cốc càng kéo dài thì rạn nứt giữa Kiev và đồng minh gần gũi nhất này sẽ chỉ ngày càng lớn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới