Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTin được không, ông Manet?

Tin được không, ông Manet?

Campuchia sẽ không cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào hiện diện trên lãnh thổ của mình như đã nêu rõ trong hiến pháp; không cho phép bất kỳ quốc gia hay nhóm nào sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại quốc gia khác.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu tại kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở TP New York (Mỹ) hôm 23/9/2023

Trên đây là nội dung nằm trong tuyên bố của ông Hun Manet – Thủ tướng Campuchia, ngày 23/9, tại diễn đàn kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) – Thành phố New York (Mỹ).

Cùng với những nội dung khác, diễn ngôn trên như một điểm nhấn để tân thủ tướng Campuchia khẳng định long trọng trước cộng đồng quốc tế về một quốc gia theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập và trung lập, tôn trọng lẫn nhau một cách bình đẳng và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia, tăng cường tình hữu nghị hiện có và xây dựng các mối quan hệ thân thiện hơn. Qua tuyên bố đó, Phnom Penh còn muốn gia tăng hình ảnh đất nước, thúc đẩy các quốc gia dành sự tín nhiệm cho Campuchia, bầu nước này vào Ban tổ chức Ủy ban Xây dựng Hòa bình nhiệm kỳ 2025-2026 mà họ vừa đăng ký là ứng cử viên.

Một số chuyên gia quốc tế còn nhận định rằng, tân thủ tướng “xứ Chùa Tháp” không chỉ vượt qua cái bóng của người cha để chứng tỏ bản lĩnh của mình, mà còn biết tận dụng cơ hội đầu tiên trước một diễn đàn lớn nhất hành tinh để làm cái gọi là “đánh bóng” bản thân; cũng là cách để “đứa trẻ nhà Hun Sen” bác bỏ nhưng hoài nghi ở không ít người vào năng lực chính trị của mình.

Chuyện ông Manet phát đi thông điệp trên không mới. Ngay sau thắng lợi của Đảng CPP mà cha ông – thủ tướng Hun Sen – làm Chủ tịch trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7, cùng với quan tâm việc nhân vật “tây học” này chắc chắn sẽ kế nhiệm ghế thủ tướng của cha mình, giới phân tích đã nhận định, dù ông Hun Sen lui vào hậu trường, về mặt đối ngoại, Campuchia sẽ vẫn trượt trên đường ra đã được đặt sẵn. Cơ sở nhận định này là Điều 53 của Hiến pháp khẳng định cam kết của Campuchia về việc duy trì chính sách trung lập, không liên minh và cùng tồn tại một cách hòa bình với các nước.

Và họ đã đúng. Chỉ hai tuần sau, vào ngày 7/8, cũng là ngày được bổ nhiệm làm thủ tướng tương lai, ông Hun Manet đã vạch ra 5 ưu tiên chiến lược khi điều hành đất nước, nhấn mạnh Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên luật lệ, nhằm xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với tất cả các nước trên thế giới; tham gia các tổ chức quốc tế; tích cực vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng thời điểm đó, “cái bóng” của Trung Quốc lại hiện ra khiến nhiều người không thể từ bỏ hoài nghi về cái gọi là “độc lập” của Phnom Penh. Ngay cả những người tin tưởng vào sự cứng rắn của một chính khách trẻ vốn là một quân nhân, được đào tạo từ trường quân sự là Học viện quân sự danh tiếng West Point – Mỹ, thì họ vẫn cho rằng, nhân tố Trung Quốc quá lớn với xứ sở này, lớn tới mức nó chi phối cả về chính trị.

Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia. Riêng năm 2022, đầu tư của Trung Quốc chiếm đến 53,4% tổng vốn đầu tư 4,35 tỷ USD mà quốc gia Đông Nam Á này phê duyệt. Campuchia, hễ có việc là Bắc Kinh hào hứng và hào phóng xắn tay tung tiền viện trợ. Liên quan chuyện này, có thể dẫn tổ hợp Thể thao Quốc gia, trong đó có sân vận động hiện đại được đầu tư 160 triệu USD bằng nguồn vốn Trung Quốc, là một thí dụ điển hình. Nhờ đó sự hào phóng và chu đáo đó, Campuchia đã tổ chức thành công vang dội Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 2023) – một sự kiện mà qua đó, hình ảnh xứ Chùa Tháp trở nên lung linh hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó trong con mắt quốc tế.

Chẳng khác được khi Campuchia được coi là đồng minh số một, đáng tin cậy nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Đặc biệt, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc từng phát huy lợi thế nắm được nhân tố Campuchia để ngăn cản những gì không có lợi cho mình.

Năm 2012, thời điểm câu chuyện Biển Đông trở nên phức tạp và nóng bỏng tới tận cùng, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã không thể ra được tuyên bố chung chỉ vì nước chủ nhà Campuchia không đồng thuận.

Sự việc tương tự lặp lại một lần nữa sau 5 năm. Hội nghị bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia thành viên ASEAN trong phiên họp đầu tiên kể từ sau khi Tòa trọng tài thường trực ở The Hague ra phán quyết ủng hộ Philippines và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ngày 12/7, đã không thể đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung vì sự phản đối của Campuchia…

Những sự việc đó cho thấy, cái gọi là “độc lập” của Campuchia tới mức nào và như thế nào. Thậm chí, tờ Le Monde (Thế giới), một nhật báo lớn bằng tiếng Pháp, số ra ngày 31/07/2023, khi con Hun Manet thay bố là Hun Sen làm thủ tướng, đã sử dụng cái tít “Từ Hun Sen đến Hun Manet, gọng kềm Trung Quốc luôn siết chặt Cam Bốt” cho một bài viết ngắn.

Chưa hết, câu chuyện về Ream, trong hai năm vừa qua khiến dư luận càng có thêm lý do để khẳng định khoảng cách giữa lời nói và việc làm của Campuchia.

Là một quân cảng có vị trí quan trọng trên bờ biển Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Sihanoukville, nhiều bằng chứng cho thấy, được Phnom Penh gật đầu, Bắc Kinh đang thi công gấp rút để biến Ream thành một căn cứ hải quân chiến lược làm bàn đạp tiến ra Biển Đông và các các đại dương. Câu chuyện Ream đã khiến Washington từng nổi cáu với Phnom Penh, đồng thời, gây nên sự bất tin về chính trị với Campuchia từ các nước láng giềng, nhất là các nước có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia.

Vậy nên, ngay cả khi ông Manet thề thốt, cam đoan về một Campuchia theo đuổi, duy trì chính sách trung lập, không liên minh… trên diễn đàn của LHQ, nhiều người vẫn cho rằng, thời gian mới có thể biết, những lời của ông Manet về “độc lập” của Campuchia trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay, chân thành và chân thực tới mức nào.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới