Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửHồng Vệ Binh - Một thế hệ bỏ đi

Hồng Vệ Binh – Một thế hệ bỏ đi

Năm 1958, sự kiện được xem là đen tối nhất trong lịch sử thế kỷ 20 của Trung Quốc xảy ra “Đại Nhảy Vọt”. Kế hoạch này dự trù tiến hành trong 4 năm, từ năm 1958 đến năm 1962, với mục tiêu đưa nền công nghiệp và nông nghiệp của Trung Quốc phát triển thần tốc bằng tận dụng nguồn lao động giá rẻ, dồi dào trong nước, giảm thiểu tối đa chi phí nhập khẩu máy móc từ các quốc gia phát triển.

Một nhóm Hồng vệ binh gồm các học sinh sinh viên.

Công cụ chính trị của Mao Trạch Đông

Để đạt được điều này, Mao chủ trương một cuộc tập thể hóa sâu rộng, dựa theo mô hình thời kỳ thứ ba của Liên Xô. Tại các vùng nông thôn, công xã nông thôn khổng lồ lập tức được thành lập trên nền tảng các hợp tác xã được xây dựng từ trước đó. Vào cuối năm, khoảng 25.000 công xã được lập nên, mỗi công xã có trung bình khoảng 5.000 hộ gia đình. Ở các công xã tự cung tự cấp này, lương và tiền được thay thế bằng công điểm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, công xã còn được kết hợp để xây dựng một vài dự án công nghiệp nhẹ.

Người dân của Trung Quốc điên cuồng đúc thép dưới sự bảo hộ và khuyến khích của Nhà nước. Các lò nung thép được phân bố tới từng thôn, sản xuất thép từ sắt vụn. Để cung cấp nhiên liệu đốt cho các lò nung, cây rừng bị chặt bừa bãi gây thiệt hại lớn cho môi trường thiên nhiên. Tình trạng phá cửa nhà và bàn ghế, đồ đạc lấy củi đốt lò nung cũng xảy ra khắp nơi. Nồi xoong chảo, các vật dụng kim loại được trưng dụng để cung cấp sắt vụn cho các lò nung. Để có thể đạt được mục tiêu sản xuất, nhiều nam nông dân bị thuyên chuyển từ thu hoạch mùa màng sang giúp sản xuất thép, như các công nhân ở nhiều nhà máy, trường học và thậm chí là cả bệnh viện.

Những ai có chút kinh nghiệm về sản xuất thép hoặc có hiểu biết cơ bản về luyện kim, cũng có thể đoán ra được rằng sản phẩm từ các lò nung này là những đống sắt nguyên liệu phế phẩm và chẳng có chút giá trị gì về kinh tế.

Tuy nhiên, sự ngờ vực sâu đậm của Mao đối với giới trí thức và niềm tin vào sức mạnh khổng lồ của nông dân đã khiến ông ra lệnh thực hiện nỗ lực khổng lồ này trên toàn quốc mà không hỏi ý kiến của các chuyên gia. Nỗ lực lớn được thực hiện trong suốt “Đại nhảy vọt” trên phạm vi rộng như là các dự án xây cất cơ bản, thường được hoạch định cẩu thả. Ví dụ như là các công trình thủy lợi, thường được xây dựng mà chẳng có ý kiến từ các kỹ sư lừa đảo bài bản. Điều này đã tạo nên những hệ lụy kinh hoàng cho sự phát triển của Trung Quốc. Chỉ vài năm sau đó là sự xuống cấp nhanh chóng của nhiều công trình kém chất lượng và không có tính toán chuyên môn. Tại các công xã tình trạng cũng không khá hơn là bao khi mà những chính sách sai lầm và không có cơ sở sinh học đã tàn phá nặng nề sinh thái, khiến rất nhiều đất trồng bị bỏ hoang vì không thể canh tác. Chính sách kinh tế sai lầm dẫn tới nạn đói lớn.

Thế nhưng, bất chấp cái sự thật kinh hoàng trước mắt, các quan chức khi đó đã làm việc theo các kiểu: làm ăn thì láo mà báo cáo thì hay. Họ liên tục thổi phồng số liệu chỉ để hài lòng Mao Trạch Đông. Kết quả là nạn đói sau đó đã cướp đi sinh mạng của 20 triệu người. Trung Quốc đã trở thành một trò cười trong mắt của Mỹ và phương Tây. Mao Trạch Đông đã phải tự rời chức vụ Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1959. Tuy nhiên, ông vẫn giữ chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch mới của Trung Hoa và Đặng Tiểu Bình – Tổng bí thư Trung ương Đảng – được giao quyền thực thi các phương pháp phục hồi kinh tế.

Thế nhưng, Mao đã không ngồi yên nhìn giang sơn mình giành được tuột khỏi tay. Thế là cái gọi là “Cách mạng Văn hóa” đã ra đời với danh nghĩa là ngăn chặn chủ nghĩa tư bản phục hồi, duy trì Đảng trong sạch và tìm con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội bằng chính mình, thực chất là giành lại quyền lực cho ông ta và triệt hạ các đối thủ chính trị đối lập. Để tạo được một cuộc cách mạng, cần phải có lực lượng cách mạng. Bây giờ thì uy tín của Mao đã bị suy giảm trong Đảng, quân đội thì phần lớn do các tướng như là Hạ Long, Bành Đức Hoài nắm giữ. Vậy thì Mao phải làm gì đây? Trong lúc suy tư, một ý tưởng chợt lóe lên: chẳng phải giới trẻ như học sinh, sinh viên đều là những người sinh sau đẻ muộn và chỉ biết tới Mao như là một vị lãnh tụ vĩ đại hay sao? Lực lượng ở đấy chứ đâu! Và thế là cái được gọi là “Hồng vệ binh” đã ra đời như một công cụ lấy lại quyền lực cho ông ta.

Hồng vệ binh

Ngày 29/5/1966, tại trường trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, đơn vị Hồng vệ binh đầu tiên được thành lập với mục đích là trừng phạt những lực lượng, cá nhân đi ngược lại với nền văn hóa mới do Cách mạng Văn hóa đề ra. Ngày 1/8, Mao Trạch Đông đã đích thân viết cho họ một bức thư ngỏ, bày tỏ sự hậu thuẫn nồng nhiệt và tích cực. Sau đó, ông ra lệnh phát sóng các tuyên ngôn của Hồng vệ binh trên đài phát thanh quốc gia và công bố trên các tờ nhật báo. Được Mao Trạch Đông ủng hộ, các đơn vị Hồng vệ binh nhanh chóng phát triển khắp Trung Quốc. Đương nhiên rồi, vì trong mắt của họ và bộ máy tuyên truyền, Mao Trạch Đông không khác nào thần thánh cả.

Ngày 18/7/1966, hàng triệu Hồng vệ binh từ khắp nơi của Trung Quốc tập trung về Bắc Kinh để nghe Mao Trạch Đông diễn thuyết. Xuất hiện tại quảng trường Thiên An Môn, vai Mao đeo băng đỏ đều chứng tỏ ủng hộ phong trào và mục tiêu của nó. Trước hàng triệu Hồng vệ binh, Mao ca ngợi hành động của Hồng vệ binh là phát triển xã hội chủ nghĩa và dân chủ. Cũng trong cuộc mít tinh ngày 18/8, Lâm Bưu đã nói: “Chúng ta cần phải đánh đổ phái cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, phải đánh đổ tất cả phái bảo hoàng tư sản, phải đánh đổi tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa”. Hành động của Hồng vệ binh được Mao Trạch Đông ca ngợi.

Ngày 22 /8/1966, Mao Trạch Đông ban hành một thông cáo chung. Trong đó quy định cấm mọi sự can thiệp từ phía cảnh sát vào hoạt động của Hồng vệ binh. Người nào làm trái thông cáo bị coi là phản cách mạng.

Ngày 5/9/1966, một thông cáo khác được ban hành khuyến khích tất cả Hồng vệ binh đến Bắc Kinh trong một quãng thời gian xác định. Tất cả chi phí bao gồm ăn ở và đi lại sẽ được chính quyền chi trả. Sau các cuộc diễu hành phô trương trong tháng 8, những người lãnh đạo Cách mạng Văn hóa đã chỉ đạo cho Hồng vệ binh lập chiến dịch để tấn công, tiêu diệt 4 cái cũ của xã hội Trung Quốc là phong tục, văn hóa, tập quán và tư tưởng hủ lậu. Trong chiến dịch này, các nhóm Hồng vệ binh đã trở nên quá khích. Nhiều công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo và các nghĩa trang bị đóng cửa, cướp phá hoặc bị đập bỏ. Một số di tích lịch sử bị lực lượng này đe dọa đập phá khiến chính quyền phải cử quân đội tới bảo vệ. Như cả Tử Cấm Thành còn tồn tại được là nhờ có sự bảo vệ của quân đội do Chu Ân Lai phái tới.

Tất cả chỉ là bình phong che mắt. Cái mà Mao muốn nhắm tới là những nhân vật đối lập với mình khi đó, gồm 3 cái tên chính là Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Bành Đức Hoài. Ngoài ra, còn có một số cái tên khác như Diệp Kiếm Anh và Hạ Long. Đương nhiên, một khi đã ở trong tầm mắt của Mao và Hồng vệ binh thì số phận của họ coi như đã được định đoạt. Theo một báo cáo chính thức trong tháng 10/1966, Hồng vệ binh đã bắt giữ 22.000 người phản cách mạng. Nhiều người đã bị hạ sát, bị tra tấn tới chết hoặc tự tử do không chịu được nhục nhã. Trong tháng 8, 9, chỉ riêng ở Bắc Kinh đã có 1.772 người bị sát hại. Tại Thượng Hải trong tháng 12 có 704 vụ tự tử.

Cùng lúc đó ở Trung Quốc nổi lên một cái tên mới giúp Mao Trạch Đông có thể điều hành mọi chuyện và trốn trong bóng tối để không phải chịu trách nhiệm. Đó là “Tứ nhân bang” gồm có Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Vân Nguyên và Vương Hồng Văn. Được Mao bật đèn xanh, bộ tứ này đã liên tục bành trướng với việc nắm Hồng vệ binh trong tay. Quân đội gần như bị vô hiệu hóa do họ lo ngại xảy ra một cuộc nội chiến và trở thành mục tiêu đấu tố chính trị.

Ngày 22/7/1967, Giang Thanh chỉ đạo Hồng vệ binh có thể thay thế quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa nếu cần thiết. Sau khi được sự khích lệ của Giang Thanh, Hồng vệ binh bắt đầu cướp phá các doanh trại và các tòa nhà quân đội. Hành động này đã kéo dài tới tận mùa thu năm 1968 mà không bị các tướng lĩnh quân đội ngăn chặn. Hồng vệ binh còn thẳng tay lưu đày và tàn sát những người được cho là Khai quốc công thần Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Sau một thời gian dài hoạt động, nhiều nhân vật cấp cao trong bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu Bình…. đã bị Hồng vệ binh bắt giữ và phải chịu tù đày.

Lưu Thiếu Kỳ trong Cách mạng Văn hóa

Rạng sáng ngày 10/4/1967, Hồng vệ binh đã xông thẳng tới nơi ở của vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ tại Bắc Kinh, bắt ông đem tới Khai Phong giam vào ngục. Trong tình trạng bệnh tiểu đường, hen suyễn, viêm phổi, nằm liệt giường, sau khi tới Khai Phong được gần một tháng, ông đã tắt thở vào sáng 13/11/1969, giấy khai tử với họ tên là Lưu Vệ Hoàng, nghề nghiệp là vô nghề nghiệp.

Vương Quang Mỹ, phu nhân của Lưu Thiếu Kỳ, bị Hồng vệ binh bắt cùng thời điểm với chồng, được đưa thẳng tới trường Đại học Thanh Hoa để nhốt. Khi đấu tố, Hồng vệ binh bắt bà đi tất lụa, giày cao gót, mặc sườn xám, cổ đeo một chuỗi quả bóng bàn kệch cỡm, đứng trên ghế cao, phía sau có hai Hồng vệ binh đứng kèm. Đấu tố suốt 3 tiếng đồng hồ liền trong tiếng hô “đả đảo!” long trời lở đất cho tới khi bà ngất xỉu.

Nguyên soái Bành Đức Hoài – chiến tướng vĩ đại của Quân giải phóng Trung Quốc, người ngồi hàng ghế thứ hai trong Thập Đại Nguyên Soái chỉ sau mỗi Chu Lão Tổng người có công lớn nhất trong các cuộc chiến của Trung Quốc, từng đánh bại cả những tướng lĩnh của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Triều Tiên cũng phải chịu kết cục bi thảm. Mùa hè năm 1967, Hồng vệ binh do Vương Đại Tân cầm đầu đã kéo tới nơi Bành cư ngụ, đấm đá túi bụi và tra tấn ông và bắt phải thú nhận những vấn đề sau:

1) Ông có quan hệ với Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Hạ Long.

2) Ở chiến trường Triều Tiên, đã phản đối phương châm chiến lược của Mao Chủ tịch.

3) Mao Ngạn Anh rốt cuộc đã chết như thế nào?

Sau đó, Hồng vệ binh đem Bành Đức Hoài với Bắc Kinh nhốt lại. Cứ một thời gian dài, dưới sự chỉ đạo của Giang Thanh thì Bành Đức Hoài lại bị lôi ra đấu tố, bị đánh bằng gậy, bị bêu rếu khắp nơi cho tới khi ông qua đời trong sự cô đơn và lạnh lẽo vào năm 1974. Kết thúc cuộc đời của một chiến tướng lẫy lừng

Trong số những người bị đấu tố, Đặng Tiểu Bình có lẽ là may mắn nhất khi vẫn còn giữ được mạng sống. Trong Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình đã trở thành một trong những mục tiêu công kích kịch liệt của Hồng vệ binh trong các bài báo chữ to. Hồng vệ binh gọi ông là “tên thứ hai đi theo đường lối tư bản của Trung Quốc” sau Lưu Thiếu Kỳ. Mùa hè năm 1967, hàng ngàn Hồng vệ binh khi đấu tố Đặng Tiểu Bình tại nhà ở của ông đã bắt ông phải “đi máy bay” – tức là quỳ xuống đất hai cánh tay giương cao giơ về phía sau. Đây là cách xử tội mà Hồng vệ binh rất yêu thích. Con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Phổ Phương bị Hồng vệ binh đánh què cả hai chân. Không một phương pháp làm nhục nào mà Hồng vệ binh không dùng.

Sau một thời gian mục đích của Mao đã đạt được. Thế nhưng bây giờ ông ta lại có một mối lo khác khi sự hỗn loạn do Hồng vệ binh gây ra đã trở nên nguy hiểm.

Tháng 12/1968, Mao cho triển khai Phong trào tiến về nông thôn, đưa hàng trăm ngàn thanh niên nòng cốt của Hồng vệ binh về các vùng nông thôn để sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người nông dân, thực chất là tống họ về cái nơi mà họ ít có thể gây ra loạn nhất. Hồng vệ binh đã tan rã từ đây. Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi từ 15 tới 25 trong thời Cách mạng Văn hóa thường được gọi là “thế hệ bỏ đi” vì học hành thì dang dở, đã để lại một hậu quả nặng nề cho các thế hệ lãnh đạo sau này khi phải quản lý một đất nước mà lực lượng lao động chính lại mù chữ hoặc không có tay nghề.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới