Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ khó xử khi Triều Tiên “ngả vào tay Nga”

TQ khó xử khi Triều Tiên “ngả vào tay Nga”

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh mong rằng Triều Tiên sẽ cung cấp vũ khí để Nga có thể tiếp tục chiến đấu ở Ukraine, nhưng lại không muốn Bình Nhưỡng trở nên quá thân thiết với Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Nga, ngày 13/9/2023.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sân bay vũ trụ Vostochny của Nga vào ngày 13/09. Sau đó, ông Kim đã tới Komsomolsk-on-Amur và Vladivostok, nơi ông tham quan cơ sở sản xuất SU-35 (máy bay chiến đấu chủ lực của Moscow) và thăm Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Hai nguyên thủ quốc gia tuyên bố rằng hai nước sẽ hợp tác trong các lĩnh vực “nhạy cảm”. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều đang bị quốc tế áp đặt nhiều lệnh trừng phạt, do cuộc xâm lược Ukraine của Nga và do các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Các chuyên gia tin rằng hai nhà lãnh đạo gặp nhau chủ yếu là để trao đổi về vũ khí, nhiên liệu, thực phẩm và công nghệ quân sự; mỗi bên đều muốn lấy được những gì họ cần. Khi Triều Tiên và Nga xích lại gần nhau hơn, Bình Nhưỡng có thể sẽ gây rắc rối cho chính quyền Trung Quốc, theo giới phân tích.

Đổi vũ khí lấy thực phẩm, nhiên liệu và công nghệ

Ông Shen Ming-shih – quyền Phó Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan – nói với The Epoch Times rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Triều vào thời điểm này được thúc đẩy bởi nhu cầu và mong muốn riêng của họ.

“Ngay bây giờ, Nga có thể đang chuẩn bị cho một trận quyết đấu cuối cùng với Ukraine, nhưng quân đội của họ sắp hết đạn. Nếu Triều Tiên có thể cung cấp cho họ đạn dược hoặc bất kỳ nguồn cung nào khác, thì tất nhiên là càng sớm càng tốt”, ông Shen nói.

Theo ước tính, Nga đã bắn 10-11 triệu quả đạn pháo ở Ukraine vào năm ngoái, trong khi nước này chỉ sản xuất được 2 triệu quả đạn mỗi năm. Ông Lu Sibin – nhà nghiên cứu tại Sáng kiến Chính sách Quốc phòng Đài Loan – tin rằng kho đạn dược của Triều Tiên có thể giúp ích cho Nga ngay lập tức.

“Kho dự trữ đạn của Triều Tiên, bao gồm đạn pháo 122 mm và 152 mm do Liên Xô sản xuất, đứng trong top 3 thế giới, với xấp xỉ hàng triệu quả đạn những loại này. Điều này thực sự tạo ra sự hỗ trợ đáng kể cho Nga trong thời gian ngắn”, ông Lu nói với The Epoch Times vào ngày 16/9.

Ông Shen thì nghĩ rằng Triều Tiên có khả năng sẽ trao vũ khí cho Nga để lấy về lương thực và nhiên liệu, cùng những thứ khác.

“Triều Tiên cần nhiên liệu và thực phẩm vì mùa đông đang đến gần. Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu họ còn nhận được sự giúp đỡ từ Nga về công nghệ quân sự, đặc biệt là công nghệ tàu ngầm hạt nhân và vệ tinh do thám quân sự. Một cách tất nhiên, cả hai bên đều muốn đạt được thỏa thuận trong những lĩnh vực này càng nhanh càng tốt”, ông nói.

Ông Yang Uk – chuyên gia về chiến lược quân sự và hệ thống vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc – nói với hãng tin AP vào ngày 13/9 rằng Triều Tiên có thể muốn phóng một vệ tinh quân sự trên tên lửa không gian của Nga, và có thể sẽ “đề nghị Nga chế tạo [giúp] một vệ tinh do thám mạnh mẽ hơn vệ tinh mà nước này [Triều Tiên] đang cố phóng”.

Hôm 5/9, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo rằng Nga và Triều Tiên đang tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán về vũ khí. Ngày 11/9, Washington một lần nữa cảnh báo Bình Nhưỡng không được bán cho Moscow các loại vũ khí mà Nga có thể sẽ sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine; Tòa Bạch Ốc cũng đe dọa sẽ áp dụng thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Thỏa thuận vũ khí Nga – Triều đẩy Bắc Kinh vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan’

Theo ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) – Phó Giáo sư Trung Quốc học tại Đại học Công nghệ Sydney, Bắc Kinh bị đặt vào hoàn cảnh phải ủng hộ các thỏa thuận vũ khí giữa Triều Tiên và Nga.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng duy trì mối quan hệ với Nga. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại rằng, về lâu dài, Nga sẽ bị đánh bại. Họ không sẵn sàng đứng chung phía với một kẻ thua cuộc tiềm tàng và chịu một cái giá đắt như vậy”, ông Phùng nói trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 16/9.

“Trung Quốc muốn bán vũ khí và đạn dược [cho Nga] nhưng lo ngại rằng châu Âu và Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện lên Bắc Kinh. Nhưng nước này lại muốn chống Mỹ và vẫn muốn giữ ông Vladimir Putin làm đồng minh. Thương vụ vũ khí [Nga – Triều] sẽ mang lại lợi ích cho ĐCSTQ nên chắc chắn sẽ họ không ngăn cản những giao dịch này”, ông nói.

Mặt khác, theo các chuyên gia, hợp tác kinh tế và quân sự sâu rộng giữa Nga và Triều Tiên có thể tác động đến hiện trạng địa chính trị ở Đông Bắc Á. Nếu Moscow và Bình Nhưỡng tiếp tục xích lại gần nhau, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với cả hai nước có thể sẽ suy giảm. Ông Kim – một nhà độc tài – sau khi nhận được hỗ trợ quân sự từ Nga, có thể còn trở nên táo bạo và khó đoán hơn, gây ra mối đe dọa cho ĐCSTQ.

Ông Lu cho rằng mối quan hệ giữa 3 quốc gia “trục ma quỷ” này không ổn định, vì họ “thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, khác nhau về giá trị và có chiến lược ngoại giao khác nhau”.

Theo ông Lu, “đó thuần túy là mối quan hệ vì lợi ích chiến lược một cách thực dụng”. “Khi đề cập đến vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Triều Tiên và Nga không thể thành lập một liên minh an ninh; họ chỉ theo đuổi những gì họ thiếu. Họ không giống như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc – những quốc gia mà có các giá trị dân chủ chung cần bảo vệ”.

Ông Shen cho biết mối đe dọa lớn đối với ĐCSTQ có thể là việc Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân.

“Nếu Triều Tiên sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân [do Nga cung cấp], cùng với vũ khí hạt nhân, và sau đó nếu Triều Tiên từ chối nghe theo ĐCSTQ, điều này có thể khiến Bắc Kinh mất quyền kiểm soát đối với Bình Nhưỡng; hoặc nếu xảy ra xung đột trong tương lai giữa hai bên, thì những vũ khí hạt nhân này sẽ là mối đe dọa to lớn đối với ĐCSTQ”, ông Shen nói.

Ông Lu lưu ý rằng sau khi Triều Tiên có được công nghệ vệ tinh quân sự, vũ khí hạt nhân, và lương thực miễn phí từ Nga, nước này có thể sẽ nhận các mệnh lệnh quân sự từ Điện Kremlin; điều này sẽ làm giảm sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với Triều Tiên.

Còn theo ông Phùng, ĐCSTQ không có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên như người ta thường nghĩ. Ông Phùng nói rằng Bình Nhưỡng không nhất thiết nghe theo Trung Nam Hải về mọi mặt.

Cả hai chuyên gia đều cho rằng ông Kim, không giống như các nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ, luôn đưa ra các quyết định sao cho có lợi cho sự cai trị của ông ấy ở Triều Tiên.

Ông Phùng nói: “Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Triều Tiên; mối quan hệ giữa ông Kim Jong Un và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không hài hòa như người ngoài tưởng”.

“Hiện tại, ông Kim Jong Un đang tăng cường quan hệ với ông Putin của Nga để cho ông Tập Cận Bình thấy rằng ông ấy không chỉ dựa vào một đồng minh. Điều này làm giảm sự phụ thuộc của ông Kim và Triều Tiên vào ĐCSTQ”, ông Phùng nói.

Ông Lu cho rằng hiện nay Triều Tiên đang nghiêng về phía Nga; điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu ở một mức độ nào đó ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Nga Putin đã nói với các phóng viên rằng Nga và Triều Tiên có “rất nhiều dự án thú vị” trong các lĩnh vực bao gồm giao thông và nông nghiệp, đồng thời Moscow đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới