Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế toàn cầu thay đổi với 3 kịch bản của xung...

Kinh tế toàn cầu thay đổi với 3 kịch bản của xung đột Hamas-Israel

Hãng tin Bloomberg mới đây đưa ra 3 kịch bản của xung đột Hamas-Israel hiện nay và đánh giá tác động của những kịch bản này đối với kinh tế toàn cầu.

Trong bài phân tích gần đây, Bloomberg cảnh báo rằng giống như các cuộc chiến ở Trung Đông trước đây, cuộc xung đột Hamas-Israel hiện nay có khả năng làm gián đoạn nền kinh tế thế giới, và thậm chí khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nếu có thêm nhiều quốc gia tham gia.

Cuộc xung đột mới bùng nổ vào cuối tuần trước, sau khi Hamas tấn công miền nam Israel vào sáng sớm 7.10, khiến 1.300 người chết. Những cuộc đáp trả của Israel nhắm vào Hamas ở Dải Gaza đã khiến hơn 2.300 người Palestine thiệt mạng. Quân đội Israel đã chuẩn bị một cuộc đổ bộ quy mô lớn vào miền bắc Gaza nhằm tiêu diệt Hamas và họ đang chờ quyết định từ giới lãnh đạo chính trị của họ.

Trong bài phân tích nói trên, giới phân tích xem xét tác động đến tăng trưởng và lạm phát toàn cầu theo ba kịch bản có thể xảy ra: xung đột phần lớn chỉ giới hạn ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine; xung đột lan sang Li Băng và Syria; và sự đối đầu giữa Israel và Iran.

Trong tất cả những kịch bản trên, xu hướng là như nhau, dầu đắt hơn, lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm hơn, nhưng mức độ thì khác. “Xung đột càng lan rộng thì tác động càng mang tính toàn cầu hơn là khu vực”, Bloomberg nhận định.
Kịch bản 1: Xung đột không lan rộng

Trong kịch bản thứ nhất là nếu xung đột Hamas-Israel không lan rộng, tác động của cuộc xung đột này đối với giá dầu và nền kinh tế toàn cầu sẽ ở mức hạn chế.

Trong năm 2014, vụ Hamas bắt cóc và sát hại 3 người Israel đã dẫn tới cuộc tấn công trên bộ vào Gaza khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Xung đột khi đó không lan rộng ra ngoài và tác động của nó đến giá dầu cũng như nền kinh tế toàn cầu là không đáng kể.

Số người chết trong cuộc xung đột mới đã cao hơn. Tuy nhiên, hướng diễn biến của cuộc xung đột hiện nay có thể sẽ là sự tái diễn của câu chuyện bi thảm đó, được kết hợp với việc thực thi chặt chẽ hơn các lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu mỏ Iran.

Xem nhanh: Israel chờ “đèn xanh” tấn công Gaza; Ukraine lâm nguy vùng đông bắc

Iran đã tăng sản lượng dầu lên tới 700.000 thùng mỗi ngày trong năm nay, khi việc trao đổi tù nhân và thỏa thuận cho phép Tehran tiếp cận 6 tỉ USD tiền bán dầu của Iran vốn đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của Washington báo hiệu tương lai khả quan hơn. Nếu những thùng dầu đó biến mất dưới áp lực của Mỹ trong cuộc xung đột mới giữa Hamas và Israel, Bloomberg ước tính giá dầu sẽ tăng từ 3-4 USD/thùng.

Tác động đến nền kinh tế toàn cầu theo kịch bản này sẽ ở mức tối thiểu, đặc biệt nếu Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) bù đắp lượng dầu bị mất của Iran bằng công suất dự phòng của UAE.
Kịch bản 2: Cuộc chiến ủy nhiệm

Nếu lan sang Li Băng và Syria, xung đột Hamas-Israel có thể sẽ biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel và tổn thất kinh tế sẽ tăng lên. Hezbollah, một đảng chính trị và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, có vai trò lớn mạnh ở Li Băng, đã giao tranh với lực lượng Israel ở biên giới và cho biết họ đã tấn công một đồn quân sự Israel bằng tên lửa dẫn đường.

Sự leo thang như trên sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, có khả năng khiến giá dầu tăng cao. Trong cuộc chiến Israel-Hezbollah ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 2006, giá dầu thô đã tăng 5 USD/thùng. Ngoài cú sốc từ kịch bản chiến sự hạn chế, một động thái tương tự trong thời điểm này sẽ khiến giá dầu tăng 10% lên khoảng 94 USD/thùng.

Căng thẳng cũng có thể gia tăng trong khu vực rộng lớn hơn. Ai Cập, Li Băng và Tunisia đều rơi vào tình trạng kinh tế và chính trị trì trệ. Phản ứng của Israel trước cuộc tấn công của Hamas đã gây ra các cuộc biểu tình ở một số quốc gia trong khu vực. Việc lặp lại Mùa xuân Ả Rập, làn sóng biểu tình và nổi dậy lật đổ các chính phủ vào đầu thập niên 2010, là điều có thể tưởng tượng được.

Tác động kinh tế toàn cầu trong kịch bản này có thể đến từ khả năng giá dầu tăng 10% và động thái né tránh rủi ro trên thị trường tài chính giống như những gì đã xảy ra trong Mùa xuân Ả Rập. Xung đột xảy ra theo kịch bản này sẽ bổ sung lực cản 0,3 điểm phần trăm đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm tới, kéo tốc độ tăng trưởng xuống còn 2,4%. Ngoài cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020 và cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009, đó sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất trong ba thập niên.

Giá dầu cao hơn cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm vào lạm phát toàn cầu, giữ ở mức gần 6% và duy trì áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi mức tăng trưởng gây thất vọng.

Israel đã sẵn sàng cho ‘giai đoạn tiếp theo’ của chiến dịch chống Hamas ở Gaza
Kịch bản 3: Xung đột trực tiếp Iran-Israel

Xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel là một kịch bản có khả năng xảy ra thấp nhưng nguy hiểm. Cuộc xung đột như thế có thể là tác nhân gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng cao và tài sản rủi ro sụt giảm sẽ giáng một đòn đáng kể vào tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao hơn.

“Không bên nào trong khu vực, kể cả Iran, muốn thấy xung đột Hamas-Israel leo thang thành một cuộc chiến toàn diện trong khu vực”, nhà nghiên cứu Hasan Alhasan tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), bình luận. Điều đó không có nghĩa là xung đột Iran-Israel tiềm tàng sẽ không xảy ra, đặc biệt là khi vấn đề tâm lý đang tăng cao. “Khả năng tính toán sai lầm là rất lớn”, ông Alhasan bình luận.

Hôm 14.10, phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo trên mạng xã hội X rằng nếu “tội ác chiến tranh và diệt chủng” không được ngăn chặn thì tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát với “những hậu quả sâu rộng”, theo Reuters. Cảnh báo được đưa ra sau khi trang Axios đưa tin trong một thông điệp gửi qua Liên Hiệp Quốc, Iran đã cảnh báo với Israel rằng Tehran sẽ phải đáp trả nếu Israel thực hiện một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza.

Israel và Mỹ đã gửi đi những thông điệp trái chiều về khả năng góp sức của Iran trong vụ Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam Israel trong sáng sớm 7.10. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược của Israel Ron Dermer ngày 9.10 khẳng định: “Có một số bằng chứng cho thấy họ có thể đã biết về vụ đó”. Trong khi đó, tờ The New York Times ngày 11.10 dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay họ có bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo Iran đã bất ngờ, dù họ đã mô tả Iran là bên đồng lõa theo nghĩa rộng hơn vì Tehran tài trợ và cung cấp vũ khí cho Hamas.

Trong một cuộc đối đầu với Israel, “Tehran có thể sẽ tìm cách kích hoạt toàn bộ mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và đối tác của mình ở Syria, Iraq, Yemen và Bahrain”, theo ông Alhasan. “Sẽ có một danh sách dài các mục tiêu liên quan phương Tây trong khu vực để lựa chọn”, ông Alhasan bình luận.

Trong kịch bản này, căng thẳng giữa các nước lớn leo thang sẽ làm tăng thêm tình trạng bất ổn. Mỹ là đồng minh thân cận của Israel, trong khi Nga và Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ với Iran. Các quan chức phương Tây cho hay họ lo ngại rằng Nga và Trung Quốc sẽ lợi dụng cuộc xung đột để chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực quân sự khỏi các khu vực khác trên thế giới.

Với khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới đến từ vùng Vịnh, giá dầu sẽ tăng vọt. Giá dầu thô có thể sẽ không tăng gấp 4 lần như năm 1973 khi các quốc gia Ả Rập áp đặt lệnh cấm vận để trả đũa việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc chiến năm đó. Nhưng nếu Israel và Iran phóng tên lửa vào nhau, giá dầu có thể tăng tương ứng với những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 của Iraq. Với điểm khởi đầu cao hơn nhiều như hiện nay, mức tăng đột biến có thể đưa giá dầu lên tới 150 USD/thùng.
Năng lực sản xuất dự phòng ở Ả Rập Xê Út và UAE có thể không cứu vãn được tình thế nếu Iran quyết định đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 1/5 nguồn cung dầu hằng ngày của thế giới đi qua.

Dựa vào những con số trên, mô hình của Bloomberg dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 1 điểm phần trăm, khiến mức dự báo cho năm 2024 giảm xuống còn 1,7%. Bỏ qua cú sốc Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu, đây cũng sẽ là mức tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ năm 1982, khi Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát từ cú sốc dầu mỏ thập niên 1970.

Một cú sốc dầu lớn như thế cũng sẽ làm chệch hướng nỗ lực kiềm chế giá cả trên toàn thế giới, khiến lạm phát toàn cầu ở mức 6,7% trong năm tới. Tại Mỹ, mục tiêu 2% của Fed sẽ nằm ngoài tầm với và giá xăng đắt đỏ sẽ là trở ngại cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden, theo Bloomberg.
Một con đường đen tối hơn

Con số thương vong cao ở Israel đã làm tăng khả năng xảy ra một cuộc trả đũa đẫm máu và một cuộc chiến ở khu vực. Tuy nhiên, sự cân bằng về các khả năng vẫn nghiêng về một cuộc xung đột được kiềm chế, không gây tác động lớn về kinh tế và thị trường, nhưng khiến người dân tại khu vực khó khăn nhiều hơn.

Một điều chắc chắn là: hy vọng về một Trung Đông ổn định hơn đang khó, theo Bloomberg. Cuộc xung đột Hamas-Israel mới diễn ra sau khi việc xích lại gần nhau giữa Ả Rập Xê Út và Iran, cũng như các hiệp ước hòa bình giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, với triển vọng rằng Ả Rập Xê Út có thể sớm làm theo, đã làm tăng kỳ vọng rằng khu vực có thể chấm dứt hàng chục năm xung đột.

RELATED ARTICLES

Tin mới