Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ mở rộng quy mô “chiến thuật vùng xám”

TQ mở rộng quy mô “chiến thuật vùng xám”

Thời gian gần đây Trung Quốc tăng cường sử dụng các quy định mới để siết chặt tự do hàng hải và mở rộng quy mô “chiến thuật vùng xám”. Điều này khiến cho sự rủi ro do những tính toán sai lầm gia tăng trên các vùng đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Hồi cuối tháng 9/2023, Cảnh sát biển Philippines (PCG) thông báo, đã dỡ bỏ thành công rào chắn nổi do Trung Quốc lắp đặt gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. PCG nói rõ: “Rào cản gây nguy hiểm cho hàng hải, vi phạm luật pháp quốc tế. Nó cũng cản trở hoạt động đánh bắt cá và sinh kế của ngư dân Philippines”.

Một hoạt động khác đang gây lo ngại cho các nước trong khu vực là, trong khuôn khổ của Luật An toàn giao thông hàng hải Trung Quốc (MTSL) mới được điều chỉnh (có hiệu lực từ ngày 1/9), hàng loạt tàu thuyền nước ngoài khi tiến vào vùng biển do Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền phải “khai báo thông tin với giới chức Trung Quốc và cho phép hoa tiêu nước này lên tàu”. Thật là một quy định hết sức vô lối!

Cụ thể thêm một bước, Luật này quy định: Các tàu bắt buộc phải cung cấp thông tin liên quan đến tên và số, vị trí, số điện thoại vệ tinh và hàng hóa nguy hiểm… Những tàu có hệ thống nhận dạng tự động hoạt động không tốt sẽ phải khai báo vị trí và vận tốc với giới chức hàng hải Trung Quốc 2 giờ/lần.

Theo các chuyên gia nước ngoài, đây là một điều khoản “mơ hồ có chủ ý”, nhằm ngăn chặn hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, nhất là các tàu thực hiện sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải (FONOP). Điều này Bắc Kinh đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Theo Công ước, “lãnh hải” là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, với “quyền qua lại vô hại” dành cho tàu thuyền nước ngoài. Nguyên tắc này được coi là quan trọng nhất của luật biển hiện đại. Theo đó, các nước chỉ được phép thực thi pháp luật, bao gồm yêu cầu khai báo, nếu tàu thuyền quốc tế bị nghi ngờ vi phạm quy tắc qua lại vô hại “trong lãnh hải của họ”.

Thế nhưng chính quyền Bắc Kinh xác định lãnh hải của họ một cách rộng hơn rất nhiều, vơ tất cả vùng nội thủy, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải và thềm lục địa, cũng như những vùng biển khác, thuộc quyền tài phán của họ.

Không dừng ở đó, Điều 2 của Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Quốc khẳng định: “Lãnh hải Trung Quốc là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc. Lãnh thổ Trung Quốc bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan cùng các quần đảo như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa”.

Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối và khẳng định, Việt Nam có đầy đủt cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử đói với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc ngang nhiên gọi là Tây Sa, Nam Sa).

Cần khẳng định dứt khoát, Luật Lãnh hải Trung Quốc là nước đi bổ sung trong chuỗi hành động khiến căng thẳng tiếp tục leo thang trên Biển Đông. Được Luật này “che chở”, Hải cảnh Trung Quốc (CCG) trở thành một tổ chức bán quân sự dưới sự chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Để thực hiện quyết tâm chiến lược thời gian qua, Trung Quốc ráo riết sử dụng các loại “vũ khí mềm” để thực thi “chiến thuật vùng xám”. Lực lượng xung kích của “chiến thuật vùng xám” chủ yếu là lực lượng dân quân biển, lực lượng hải cảnh, lực lượng tàu chiến được cải trang thành tàu đánh cá…

Nhận rõ âm mưu của chính quyền Bắc Kinh, qua các đời Tổng thống, Mỹ lâu nay luôn khẳng định dứt khoát: Họ không có lập trường chính thức về tranh chấp Biển Đông, dù Mỹ vẫn chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở đó và mở rộng những liên minh quốc phòng với những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông đã nhanh chóng xử lý một cuộc khủng hoảng trên Biển Đông. Trước đây, chỉ vài tháng sau khi nhận nhiệm sở, cựu Tổng thống George W. Bush cũng đã từng phải đối mặt với một cuộc tranh chấp quốc tế gây ra bởi một vụ va chạm trên không giữa một máy bay do thám của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc gần đảo Hải Nam.

Thời hiện tại, Tổng thống Joe Biden khôn khéo trong ngoại giao, vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc, trong đó, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia ASEAN. Mỹ xác định cụ thể ba nhóm quốc gia chính ở khu vực “cần thiết phải tiếp tục nuôi dưỡng các quan hệ về quốc phòng” như sau: Một, đồng minh chính thức (Thái Lan, Philippines); hai, đối tác chiến lược (Singapore, Việt Nam); ba, đối tác chiến lược tiềm năng (Malaysia, Indonesia).

Tháng 9/2023 Mỹ và Việt Nam nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là quá trình chuẩn bị lâu dài, là một thành công lớn của cả hai bên. Theo Tổng thống Joe Biden, để có được những tiến triển trong quan hệ hai nước là những nỗ lực của lãnh đạo, người dân của cả hai quốc gia.

Ông Biden bày tỏ: “10 năm trước đây khi tôi là Phó Tổng thống, hai nước chúng ta đã đạt được một cột mốc lớn khi xác lập mối Quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Tôi vô cùng tự hào về cách thức mà hai quốc gia và nhân dân hai nước chúng ta đã tiến hành xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau để có thể xử lý các hậu quả đau đớn mà cuộc chiến tranh đã để lại cho cả hai dân tộc chúng ta”.

Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia ASEAN, Mỹ đã thành công bước đầu. Vấn đề là, trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, khi cả hai đều thuộc hàng nước lớn nhiều tham vọng và đều cần đến nhau.

Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đặt ra mục tiêu hai mặt: vừa đòi hỏi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng, đóng góp cho hòa bình, không gây ra mối đe dọa cho khu vực, vừa không để vấn đề Biển Đông trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động đến các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ thực hiện chính sách hai mặt: vừa phối hợp vừa cạnh tranh, vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc trên cơ sở mẫu số chung là không để quan hệ đi đến đổ vỡ.

Bởi thế, khi Trung Quốc mở rộng quy mô “chiến thuật vùng xám” thì Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước ASEAN; duy trì tự do hàng hải như một nguyên tắc cơ bản. Trong đó Nhà Trắng tuyên bố: Các nhiệm vụ trong Chương trình Tự do Hàng hải được tiến hành một cách hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia nào!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới