Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu TQ có “mượn gió bẻ măng” trên Biển Đông?

Liệu TQ có “mượn gió bẻ măng” trên Biển Đông?

Câu hỏi này được đặt ra kể từ khi xảy ra cuộc chiến Nga-Ukraine từ tháng 2-2022. Đến nay nó lại bùng lên, từ khi tổ chức Hamas bất ngờ tấn công Israel vào này 7/10 vừa qua.

Đến nay đã gần hai năm trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” trên đất nước Ukraine. Con đường hòa bình vẫn bế tắc. Thế nhưng câu hỏi, liệu Bắc Kinh có “mượn gió bẻ măng” để thôn tính Đài Loan thì đã được trả lời với những căn cứ xác đáng.

Nhớ lại thời gian đầu xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga ở Ukraina đã dấy lên những liên hệ với một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan. Truyền thông quốc tế không ngần ngại khi nhắc câu khẩu hiệu “Hôm nay Ukraina, ngày mai là Đài Loan”.

Rất bình tĩnh, Bắc Kinh tuyên bố: “Đài Loan không phải là Ukraine. Hai vấn đề khác nhau về bản chất”. Bởi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Thế nhưng, Bắc Kinh lại không giấu quan điểm thân Moscow, coi việc Nga đánh ông bạn láng giềng Ukraine là “đòi hỏi chính đáng về an ninh”.

Trước thái độ của Trung Quốc, giới quan sát tỏ ra dè dặt hơn trong nhận định. Một cách nhìn trung tính là, sự đối đầu giữa phương Tây và Kremlin giống như một cuộc tổng dượt chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc thừa khôn khéo để chỉ đứng ngoài quan sát, rút ra những bài học cần thiết về ngoại giao và quân sự từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi cuộc chiến Nga-Ukrane còn chưa lóe lên chút ánh sáng nào ở “cuối đường hầm” thì bất ngờ một cuộc chiến đẫm máu khác xảy ra ở Trung Đông. Hamas đã chọc thủng hàng rào tỷ đô và hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt) được mệnh danh “không thể xuyên thủng”? Và sau cơn choáng váng, Israel đã vục dậy giáng trả Hamas. 10 ngày qua, ở cả hai chiến tuyến, đã có khoảng 4000 người thiệt mạng.

Trong khi những cái đầu bốc lửa đang tính toán những phương án nguy hiểm hơn, trong khi Hamas tuyên bố “sống còn sợ hơn chết”, thì các nước trong khu vực Trung Đông và các cường quốc trên thế giới tiếp tục đặt câu hỏi: “Cuộc chiến tháng 10” này ảnh hưởng ra sao tới thế bố trí chiến lược của Mỹ và Châu Âu? Trung Quốc có nhân cơ hội Mỹ và Phương Tây tập trung vào khu vực Trung Đông để gây hấn trên Biển Đông?

Bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ 3 họp tại Trung Quốc với sự tham dự của đại diện hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế, các ý kiến cho rằng, ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến Hamas- Israel đối với các nước không lớn so với cuộc chiến Nga – Ukraine.

Vào thời điểm hiện tại có thể thấy, cuộc chiến này sẽ là một điểm làm thay đổi tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông. Nếu như cuộc xung đột lan rộng ra, chẳng hạn có sự tham gia của Hezbolla ở Li Băng, hoặc có sự can dự của Iran thì khi đó cuộc xung đột không còn bó hẹp ở dải Gaza mà sẽ lan ra toàn Trung Đông.

Cho đến hiện tại, khả năng đám cháy lan rộng chưa cao. Cái ngòi nổ nằm ở chỗ Hezbola và Iran, nhưng nhà cầm quyền đều lên tuyên bố, họ không ủng hộ Hamas và không trực tiếp tham gia. Bởi thế, hi vọng cuộc chiến sẽ khoanh vùng trong dải Gaza.

Trường hợp xấu nhất, khi cuộc chiến Israel-Hamas lan rộng thì nhiều khả năng Mỹ bị thu hút cả nguồn lực và chính sách đối ngoại về khu vực Trung Đông. Tức là nguồn lực của Mỹ bị dàn trải và buộc Nhà Trắng phải có chiến lược mới. Tương tự, nếu cuộc chiến lan rộng thì có khả năng Trung Quốc nhân cơ hội này sẽ gây chiến ở Biển Đông.

Trên Biển Đông, điểm nóng có thể phát ở khu vực chung quanh bãi cạn Scaborough và các khu vực khác đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Giả sử một cuộc xung đột lớn bùng nổ ở toàn Trung Đông thì những nguồn lực về chính sách, tài chính, quân sự của Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng thay vì dành cho Ukraine sẽ đổ dồn về chiến trường Trung Đông.

Có thể nói, Đài Loan là con bài mặc cả của Mỹ trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Trung Quốc khẳng định như dao chém đá, Đài Loan là một phần lãnh thổ, thu hồi Đài Loan chỉ là vấn đề thời điểm thích hợp, yêu cầu “các thế lực bên ngoài” không can thiệp chuyện nội bộ.

Nếu cuộc chiến toàn Trung Đông bùng phát và lan rộng thì sẽ rất khó khăn cho Đài Loan, vì nó làm cho nguồn lực quốc phòng của Phương Tây bị huy động để hỗ trợ cho hai cuộc xung đột ở Trung Đông và Châu Âu. Khi ấy Trung Quốc không thể không thay đổi chiến lược uy hiếp uy hiếp Đài Loan.

Vẫn biết muốn xâm lược Đài Loan, Trung Quốc phải căn cứ sự thay đổi trong thế bố trí chiến lược của Mỹ. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào những yếu tố khác – yếu tố nội lực, nói thẳng ra rằng: Liệu quân đội Trung Quốc có chắc chắn đánh thắng và thành công trong việc thôn tính Đài Loan hay không? Bài học nóng hổi khi Israen bất ngờ bị tấn công và thiệt hại nặng nề bởi vũ khí thô sơ của Hamas là một bài học xương máu.

Điều đáng chú ý là, trong trường hợp xung đột Trung Đông lan rộng, thì điểm nóng sẽ không chỉ ở Đài Loan mà là các tranh chấp “vùng xám” trên Biển Đông. Có thể là các tranh chấp với Philippines, Việt Nam và các thực thể địa lý ở phía nam Biển Đông như bãi Tư Chính. Rồi sự đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scaborough.

Không phải là “quá sớm” mà là đòi hỏi sự chủ động đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Một khi các cường quốc “mượn gió bẻ măng” thì hơn ai hết chính các nước đang bị uy hiếp, bắt nạt ở Biển Đông phải tự cứu lấy mình. Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới