Ngày hôm qua, 18/10, là một ngày nóng bỏng trên chiến trường Gaza. Nó càng nóng bỏng hơn khi Israel chuẩn bị đưa cuộc tấn công sang giai đoạn 2. Và nóng bỏng hơn nữa là câu hỏi: Sau Hamas liệu Hezbollah có “đánh” Israen?
Giai đoạn 2 của cuộc tấn công của Israel sẽ bắt đầu với chiến dịch quân sự trên mặt đất dự kiến càn quét vào miền bắc Gaza với quyết tâm “tảo thanh” (đuổi hết giặc cướp) Hamas. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, Iran và Hezbollah đã lên tiếng cảnh báo Israel không được liều lĩnh gây “hậu quả nghiêm trọng” nếu đưa quân vào Gaza. Trong khi đó Mỹ có những hành động thận trọng.
Để “nướng chả” quân lính Hamas bằng cuộc cuộc tấn công trên bộ, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã huy động tới hơn 300 nghìn quân dự bị cùng với 170 nghìn quân chính quy, cùng khí tài, xe tăng, pháo tập kết xung quanh Dải Gaza từ nhiều ngày qua, chỉ cần chờ lệnh mệnh lệnh.
Lúc này, Trung Đông đang căng thẳng như một quả bom chờ nổ!
Theo tờ The New York Times, các cơ quan tình báo Mỹ và Israel đang tập trung mọi chú ý, điều tra, phân tích, nỗ lực xác định, liệu cuộc tấn công trên bộ mà Israel dự kiến có thể khiến Hezbollah tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào Israel từ Liban hay không?
Hiện tại, để đề phòng khả năng xấu nhất, Israel cũng đã tập trung củng cố biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không chấp nhận đề xuất của chính phủ: tấn công phủ đầu Hezbollah.
Theo nguồn tin từ các cơ quan tình báo, ông Hassan Nasrallah- thủ lĩnh của Hezbollah, người hùng của thế giới Ả Rập – không muốn có cuộc xung đột toàn diện với Israel. Tuy nhiên, có thể Nasrallah sẽ chịu áp lực từ các thành viên có đường lối cứng rắn của Hezbollah. Nếu Hezbollah đứng “bên lề”cuộc chiến thì sẽ đứng trong bao lâu?
Sự liên quan của Hezbollah với cuộc chiến tại Gaza trong những ngày qua thật sự đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực. Có nhà phân tích quả quyết, sau Hamas sẽ là Hezbollah! Và vì thế Israel sẽ đồng thời phải chiến đấu với Hamas ở biên giới phía Nam và Hezbollah ở biên giới phía Bắc. Thậm chí sự can dự sâu hơn của Hezbollah có thể dẫn đến nguy cơ Israel trả đũa Iran -dấu hiệu sự bùng phát chiến tranh toàn Trung Đông.
Theo nguồn tin của Hãng Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo quân đội tiếp cận với các đối tác ở vùng Vịnh và các nước láng giềng để tìm cách ngăn chặn vòng xoáy dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng hơn. Ông Biden cảnh báo “những người chơi khác” ở Trung Đông không can dự vào cuộc xung đột Israel – Hamas. Dịp này Lầu Năm Góc gửi loạt tàu chiến đến khu vực và cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Israel. Và các tàu của Mỹ trong khu vực đã được điều động đến gần hơn để ngăn chặn sự mở rộng của cuộc xung đột chống lại Israel.
Mặc dù cả Israel và Hezbollah đều không muốn tham gia vào “cuộc xung đột vũ trang đáng kể và kéo dài”, nhưng không thể chủ quan, nếu một trong hai bên tính toán sai lầm và vượt ngưỡng các quy tắc thông thường.
Còn Thủ tướng tạm quyền của Liban, ông Najib Mikati hôm 12/10 đã kêu gọi tất cả các nhóm Liban kiềm chế, không bị lôi kéo vào “các kế hoạch của Israel”. Đây là một thông điệp rõ ràng của chính phủ gửi tới Hezbollah.
Thông điệp ấy là rất cần thiết, bởi hôm 8/10, Hezbollah đã bắn một số tên lửa và đạn pháo vào 3 vị trí của Israel trong khu vực tranh chấp ở biên giới giữa Liban và Israel. Nhóm phiến quân cho biết, đạn đã lên nòng, các tên lửa được bắn để “thể hiện tình đoàn kết” với người dân Palestine.
Hôm 9/10, các tay súng Palestine đã xâm nhập từ Liban vào Israel, dẫn đến cuộc pháo kích của Israel vào miền Nam Liban. Theo hãng tin AP, phía Hamas cho biết, họ đã làm bị thương 7 binh sĩ Israel, còn Tel Aviv tuyên bố bắn hạ một số tay súng vượt biên giới vào nước này. Ngày hôm sau 10/10, 6 quả rocket đã được bắn từ miền Nam Liban vào miền Bắc Israel, nhưng vẫn chưa rõ “ai” đã bắn.
Bạo lực xuyên biên giới đánh dấu sự mở rộng đáng kể trong cuộc xung đột giữa Israel và các tay súng Hamas ở Gaza kéo đến biên giới Israel-Liban nằm xa hơn về phía bắc. Thông tin tình báo ban đầu của Mỹ cho thấy các quan chức cấp cao của chính phủ Iran cũng bất ngờ trước cuộc tấn công hôm 7/10 của Hamas, nhưng nguồn tin vẫn chưa đưa ra kết luận đầy đủ. Liệu Iran có biết Hamas đang lên kế hoạch tiếp tục chống lại Israel? Liệu Iran có biết thời gian hoặc phạm vi chính xác của các hoạt động quân sự đẫm máu đã xảy ra?
Nguy cơ về một cuộc chiến mới ở Liban gợi lại những bài học xương máu về cuộc chiến tàn khốc kéo dài hàng tháng giữa Hezbollah và Israel cách đây 17 năm (năm 2006). Cuộc chiến kết thúc trong bế tắc và căng thẳng giữa hai bên và vẫn như một vết thương mưng mủ.
Nếu Hezbollah tấn công, quân đội Israel đặc biệt lo lắng về tên lửa dẫn đường chính xác của đội quân này. Loại tên lửa có “con mắt thần” được cho là nhằm vào các mục tiêu chiến lược như giàn khoan khí đốt tự nhiên và nhà máy điện. Hezbollah cũng là đội quân thiện chiến, có bề dày kinh nghiệm chiến đấu sau nhiều năm sát cánh bên cạnh quân đội của Tổng thống Bashar Assad ở Syria.
Còn điều này nữa, Hamas và Hezbollah ngày càng thân thiết hơn khi các nhà lãnh đạo Hamas chuyển đến Beirut trong những năm gần đây. Tuy hiện tại, Hezbollah về cơ bản vẫn đứng ngoài xung đột Israel – Hamas, nhưng khi xảy ra cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể là nguyên nhân khiến đội quân của thủ lĩnh Hassan Nasrallah tham gia hoàn toàn vào cuộc xung đột, gây nên những hậu quả khôn lường.
H.Đ