Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Vết dầu loang” trên Biển Đông

“Vết dầu loang” trên Biển Đông

Trong tháng 10, xung đột trên Biển Đông tiếp tục gia tăng. Nhưng do sự bùng phát chiến tranh giữa Hamas và Israel từ ngày 7/10, cho nên, có cảm giác những con sóng Biển Đông như bị chìm khuất trong màn khói của bom đạn trên dải đất Gaza.

Gia tăng xung đột là nói chung như vậy. Thật ra thì căng thẳng nhất là những va chạm giữa Trung Quốc và Philippines. Tàu chiến của hai nước liên tục xảy ra đụng độ. Nhưng khi tố cáo nhau thì không bên nào nhận rằng mình sai mà đều tuyên bố đối phương đã đi vào khu vực thuộc chủ quyền của mình.

Mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lời cáo buộc, cũng là phản bác trong một thông cáo báo chí. Cáo buộc cảnh cáo Manila: Ngày 22/10 tàu Philippines đã xâm phạm vùng biển tiếp giáp với Đá Nhân Ái thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc (!) Phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo nhưng Philippines vẫn phờt lờ. Vì vậy, cảnh sát biển Trung Quốc buộc phải điều tàu đến ngăn chặn.

Thông cáo báo chí còn nêu cụ thể: Vào hồi 6 h14’, du thuyền “Yunaza May” 2 của Philippines đã cố tình vượt qua tàu tuần duyên 5203 của Trung Quốc gây đụng độ nhẹ. Lúc 8h13’, tàu cảnh sát biển Philippines 4409 cố tình gây rối, chủ động lùi phương tiện và va chạm với mạn phải của tàu cá Qiongsansha 00003 của Trung Quốc đang neo đậu.

Trung Quốc buộc tội, rằng Manila đã cố tình gây rối, làm cho tình hình tại hiện trường leo thang căng thẳng. Philippines cần nhớ rằng, những hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc quốc tế về tránh va chạm trên biển và đe dọa an toàn hàng hải của các tàu Trung Quốc.

Tại một khu vực khác trên Biển Đông – vùng biển quanh Bãi Cỏ Mây của Việt Nam và bãi cạn Scarborough thường xuyên xảy ra sự khiêu khích, đe dọa lẫn nhau giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc. Do có kích thước và trọng tải lớn hơn, cho nên các tàu cảnh sát biển Trung Quốc tìm mọi cách chèn ép, hòng đẩy lùi các tàu Philippines ở vùng biển quanh các đảo và bãi đá đang có tranh chấp.

Căng thẳng nhất là hôm 5/8, tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã bắn “vòi rồng” ngăn cản tàu Philippines vận chuyển hàng tiếp tế tới Bãi cạn Second Thomas. Tới 8/9 cảnh sát biển Trung Quốc lớn tiếng kết tội: Hai tàu tiếp tế của Philippines và hai tàu cảnh sát biển “đã liều lĩnh tiến vào vùng biển tiếp giáp với Đá Nhân Ái thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”.

Mặc cho Trung Quốc la ó, Manila vẫn tai lành tai điếc, sáng 10/10 một pháo hạm của Hải quân Philippines thêm một lần xâm nhập vùng biển tiếp giáp Bãi cạn Scarborough, bất chấp việc Trung Quốc cảnh báo và ngăn chặn.

Không phải bây giờ mà cách đây hơn 20 năm, vào năm 1999, Philippines đã cho tàu đổ bộ BRP Sierra Madre trú ở Bãi cạn Second Thomas. Quân đội nước này đã đóng quân ở đó để khẳng định quyền kiểm soát thực tế.

Qua đây cho thấy chính sách của Manila trước sau không thay đổi. Căng thẳng càng cao từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nắm quyền. Thái độ sớm nắng chiều mưa của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte trước đây đã bị thay đổi bởi chính sách cứng rắn của Tổng thống đương nhiệm. Philippines đang tìm cách thiết lập quan hệ song phương chặt chẽ hơn với Mỹ, một bước tiến mới là cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự của mình.

Những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông là “chuyện thường ngày” của các bên. Điều này Trung Quốc có hẳn một “chiến thuật vùng xám” để hóa giải. Trung Quốc cũng kiên trì thực hiện quyền được tiếp cận một cách tự do và không giới hạn đối với các vùng biển quốc tế và các tuyến hàng hải chạy qua đó.

Theo đó, sự hiện diện của riêng hải quân Trung Quốc đã tới mức kỷ lục, nhưng nước này vẫn đang có ý đồ tăng cường sự hiện diện hơn nữa. “Con gà tức nhau tiếng gáy” , ở đây là “tiếng gáy” vang động cả khu vực, dậy sóng cả vùng biển vốn nhiều tranh chấp kéo dài. Mỹ nói rằng, họ buộc phải gia tăng hiện diện hải quân ở khu vực này. Tổng thống Joe Biden đã nói thẳng ý đồ của Nhà Trắng trong việc duy trì vai trò “trọng tài” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không chấp nhận làm quan sát viên, làm kẻ ngoài cuộc, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. EU nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận tự do và mở đối với các vùng biển và tuyến thương mại quốc tế. Riêng Anh gửi một hạm đội tàu chiến tới vùng này. Đây là hạm đội lớn nhất mà nước này từng triển khai kể từ cuộc chiến Malvinas/Falkland năm 1982.

Những căng thẳng và những hành động can dự của các quốc gia là điềm báo không lành về một kịch bản chiến tranh. Có điều, Trung Quốc rất tinh ranh, luôn tìm cách bác bỏ các giải pháp pháp lý, xổ toẹt các chứng cứ lịch sử, không chấp nhận đàm phán đa phương. Cách “tiếp cận từ từ” của Bắc Kinh là nhằm để tránh xung đột quy mô lớn. Có thể gọi đây là sự trì hoãn chiến lược.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiêu thức này, áp dụng chiến thuật “vết dầu loang” để tiến tới biến Biển Đông thành ao nhà của mình.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới