Wednesday, May 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyện mới ở “đống sắt cũ”

Chuyện mới ở “đống sắt cũ”

Tàu chở dầu đổ bộ BRP Sierra Madre dài 100 m hải quân Mỹ sử dụng từ thời Thế chiến II. Năm 1976, nó được Philippines mua lại theo giá sắt vụn. Năm 1999, Philippines đánh chìm chiếc tàu này tại bãi Cỏ Mây.

Hai tàu Trung Quốc chặn tàu tuần duyên Philippines ngày 22/10

Cái sự đánh chìm chẳng phải là hành động điên rồ. Ngược lại, nó nằm trong sự tính toán khôn khéo của Manila biến BRP Sierra Madre thành một cột mốc khẳng định chủ quyền đối với bãi cạn Cỏ Mây – khu vực mà cả Việt Nam, Trung Quốc cùng lên tiếng cho là “của mình”. Chính thế, từ đây, BRP Sierra Madre bị nhiều người gọi là “đống sắt cũ”, nhưng “đống sắt cũ” này lại cõng trên mình sứ mệnh vẻ vang hơn với người Philippines.

Mọi sự vẻ vang đều gắn với những thử thách. Thậm chí, đó còn là những thử thách khốc liệt. “Đống sắt cũ” BRP Sierra Madre đích thị như thế. Trung Quốc chỉ để yên “cột mốc chủ quyền” này trong vài năm đầu. Sau đó, họ bắt đầu khó chịu ra mặt, đòi Manila kéo “đống sắt cũ” ra khỏi bãi Nhân Ái – cách gọi bãi Cỏ Mây của Trung Quốc, như “thỏa thuận” trước đó.

Đòi hỏi của Bắc Kinh khiến Manila nổi giận. Manila thẳng thừng bác bỏ, cho rằng cái gọi là “thỏa thuận” của Bắc Kinh chỉ là bịa đặt; khu vực Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nên nước này có quyền kiểm soát. Và trong thực tế, Philippines đã kiểm soát với một đơn vị binh sĩ đồn trú trong chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre hoán cải.

Tất nhiên, đối đáp của Manila khiến Bắc Kinh còn nổi giận hơn. Trong thực tế, từ cách đây hơn 10 năm, Bắc Kinh liên tục gây khó dễ Philippines khi nước này thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần cho số binh sĩ đồn trú trong “đống sắt cũ”. Một bên quyết giữ, một bên quyết phá – thế giằng có co đó khiến cả hai cùng cảnh giác, soi mói, trông chừng và hậm hực với nhau. Tình trạng đó diễn ra ngay cả khi Tòa trọng tài (PCA) thành lập thep Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Căng thẳng diễn ra cả trong nhiệm kỳ của tổng thống Duterte – người được coi là “thân” Trung Quốc nhất mực, ít nhất trong nửa đầu nhiệm kỳ.

Năm 2013, Tomas Etzler – một phóng viên của hãng CNN, đã liều mạng thực hiện chuyến thị sát để làm phim về binh sĩ Philippines trong “đống sắt cũ”. Cùng với mô tả cuộc sống khó khăn “tách biệt với thế giới bên ngoài” của nhóm binh sĩ Philippines, nhà báo này đã phản ảnh diễn biến căng thẳng tại đây do sự quần thảo, đe dọa của tàu hải giám Trung Quốc cùng những bầy đàn đông đảo tàu đánh cá hiện đại đi sau. Thậm chí, để mô tả tình hình, ông đã ví tàu Trung Quốc giám sát Cỏ Mây như “đàn cá mập săn mồi” quyết phong tỏa, khống chế, không cho phía Philippines thực hiện việc tiếp tế hậu cần cho nhóm binh sĩ, khiến Philippines phải dùng đến trực trăng thả nhu yếu phẩm.

Những tưởng vụ Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh “xịt vòi rồng” ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines thực hiện tiếp tế hậu cần cho nhóm binh sĩ đồn trú trong “đống sắt cũ” hồi tháng 8 năm nay đã là đỉnh điểm của sự gây hấn. Hóa ra không. Những ngày tháng 10 này, chuyện cũ tái diễn với mức độ căng thẳng còn tăng hơn nhiều, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và truyền thông quốc tế. Cụ thể, ngày 22/10 vừa qua, Cơ quan quốc gia phụ trách biển Tây Philippines (tức Biển Đông), của chính quyền Manila, ra một thông cáo cho biết tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5203 đã đâm vào một tàu chở hàng tiếp tế cho đơn vị Philippines đồn trú tại Bãi Cỏ Mây.

Phát huy sức mạnh công luận, cùng với thông tin trên, Manila còn cố ý phát ra đoạn video để dư luận chứng kiến phía Trung Quốc đã “chơi ác” tới mức cho tàu tuần duyên dùng mũi đâm sướt qua đuôi chiếc tàu tiếp tế của Philippines.

Nếu chỉ có thể, câu chuyện cũng chỉ là nghiêm trọng hơn chút ít so với vụ “xịt vòi rồng” hồi tháng 8. Tuy nhiên, ngay sau đó, thêm vụ tàu tuần duyên Philippines hộ tống tàu tiếp tế đã bị một “tàu dân quân biển” của Trung Quốc “húc” phải.

Cả hai: cú “sướt: và cú “húc” không gây thương vong. Nhưng, theo một số nhà bình luận, nó cho thấy mức độ quyết đoán và leo thang của Bắc Kinh với Manila trong vụ “đống sắt cũ”. Nói cách khác, trong con mắt dư luận, đó là tình tiết mới, tăng nặng của một câu chuyện cũ.

Kết cục, tàu Philippines vẫn hoàn thành được việc tiếp tế. Tuy nhiên, cái kết thúc “có hậu” đó chắc chắn chưa phản ảnh hết toàn cảnh, càng chưa thể là cái kết cuối cùng của câu chuyện Cỏ Mây. Với hành động gia tăng gây hấn này, mục tiêu chính của Bắc Kinh, theo một số người, là nhằm thực hiện một cú “test” với Mỹ – đồng minh của Philippines. Là bởi, tháng 8/2022, trong chuyến thăm Philippines gặp tân tổng thống Ferdinand Marcos Jr, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh “Mỹ cam kết tuân theo Hiệp ước phòng thủ chung, hợp tác với Philipin giải quyết những thách thức chung”.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới