Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga đáp trả cáo buộc đánh cắp công nghệ siêu tên lửa...

Nga đáp trả cáo buộc đánh cắp công nghệ siêu tên lửa của Mỹ

Điện Kremlin cho biết, Nga không đánh cắp bất cứ công nghệ siêu tên lửa nào của Mỹ như cáo buộc của cựu Tổng thống Donald Trump.

Một vụ thử tên lửa liên lục địa Sarmat của Nga năm 2022

“Chúng tôi có tên lửa của riêng mình, một tên lửa xuất sắc. Thật khó để nói liệu tên lửa của chúng tôi có phù hợp với thuật ngữ siêu tên lửa của ông Trump hay không, nhưng nó thực sự là tên lửa không có đối thủ, và chỉ có một”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/10 cho biết.

Bình luận này nhằm phản bác cáo buộc trước đó của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Nga đánh cắp bí mật công nghệ siêu tên lửa của Mỹ.

“Các vị biết đấy, Nga đánh cắp thứ chúng tôi gọi là siêu tên lửa. Họ đã đánh cắp nó dưới thời chính quyền (cựu Tổng thống Mỹ) Barack Obama. Họ lấy cắp những kế hoạch bí mật và chế tạo nó”, ông Trump phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở New Hampshire hôm 23/10.

Tại đây, ông Trump cũng cam kết sẽ tăng cường năng lực phòng vệ và tấn công chiến lược của Mỹ nếu tái đắc cử vào năm tới.

“Dưới sự lãnh đạo của tôi, chúng ta sẽ một lần nữa bảo vệ người dân của mình bằng hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng đánh chặn tên lửa Nga, Trung Quốc, Iran trên bầu trời. Ngoài ra, chúng ta sẽ có vũ khí tấn công không thua kém bất cứ nước nào”, ông Trump nói.

Những năm gần đây, giới chức quân sự Mỹ thừa nhận nước này đang tụt lại sau Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 12/2020 từng nói rằng Washington đang phải tìm cách bắt kịp Moscow và Bắc Kinh.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố nhiều hệ thống vũ khí của Nga không có đối thủ. Ông cũng từng ca ngợi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat do Moscow chế tạo là tên lửa “bất khả chiến bại”.

Sarmat được thiết kế để vượt qua tất cả các hệ thống phòng không hiện có, với tầm bắn ít nhất 11.000km. Theo ước tính của các chuyên gia, hệ thống tên lửa RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRVed nặng 10 tấn tới bất kỳ địa điểm nào trên toàn thế giới. Giới chức Nga mô tả đây là tên lửa nguy hiểm nhất thế giới”.

Giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga, ông Yury Borisov, tháng trước cho biết các hệ thống tên lửa Sarmat đã được đưa vào trực chiến. Ông từ chối tiết lộ ngày và địa điểm triển khai cụ thể.

Tuy nhiên, Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự Nga, cho rằng mức độ sẵn sàng đó có thể mới chỉ “trên giấy tờ” vì tên lửa Sarmat mới chỉ trải qua số lần thử nghiệm hạn chế.

Việc Moscow tuyên bố triển khai hệ thống vũ khí này có thể chỉ là cách để Nga phát tín hiệu cảnh báo đến phương Tây trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới