Cushman & Wakefield nhận định, lĩnh vực này ở Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh.
Việt Nam thăng hạng
Báo cáo của ResearchAndMarkets.com cho biết, quy mô thị trường logistics toàn cầu trong năm 2021 ước đạt 3.215 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh lĩnh vực này đang phát triển nở rộ, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường logistics mới nổi hấp dẫn nhất toàn cầu.
Theo bảng xếp hạng Emerging Markets Index 2023 mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, Việt Nam đã lọt vào top 10 số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, tăng 1 bậc so với vị trí số 11 được ghi nhận vào đầu năm nay.
Thông thường, Agility công bố bảng xếp hạng chỉ số các thị trường logistics mới nổi dựa trên 4 tiêu chí gồm: Cơ hội logistics trong nước, cơ hội logistics quốc tế, chỉ số kỹ thuật số, nguyên tắc kinh doanh.
Về cơ hội logistics trong nước (Domestic Logistics Opportunities), Việt Nam được đánh giá 5.02 điểm, đứng thứ 16.
Đối với cơ hội logistics quốc tế (International Logistics Opportunities), Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Về nguyên tắc kinh doanh (Business Fundametals) và chỉ số kỹ thuật số (Digital Readiness), Việt Nam lần lượt xếp hạng 19 và 15.
Trong khi đó, theo cuộc khảo sát của Cushman & Wakefield (công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực bất động sản thương mại) năm 2022, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường logistics mới nổi. Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, theo sau là 75% cho Ấn Độ.
Vì sao Việt Nam trở thành thị trường được ưa thích?
Theo Agility, Việt Nam giành được thứ hạng trên là nhờ có vị trí địa lý thuận lợi. Đây là yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp quốc tế khi họ đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, cũng như sự bùng nổ của thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội thực sự cho logistics Việt Nam.
Cùng quan điểm này, Cushman & Wakefield lý giải cụ thể hơn rằng, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Doanh thu thương mại điện tử ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2023, ước đạt 10,3 tỷ USD – tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Nhờ sự phát triển của ngành thương mại điện tử mà Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Điều này khiến nhu cầu về bất động sản logistics chất lượng cao cũng tăng cao theo.
Về ưu thế vị trí địa lý, Cushman & Wakefield cho biết, nối liền với Việt Nam là hành lang kinh tế phía Nam của Trung Quốc, gồm một số vùng nổi bật như Thượng Hải, Hong Kong, Thẩm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông.
Đây là vùng kinh tế được chọn làm nơi đặt trụ sở của các ông lớn công nghiệp sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử. Trong năm 2021, vùng này đã chiếm hơn 30% tổng GDP của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế logistics.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng khi chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này, và chính phủ Việt Nam có các chính sách thúc đẩy đầu tư hiệu quả.
Tập hợp những yếu tố trên, Cushman & Wakefield nhận định, tiềm năng logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh.
Singapore đầu tư mạnh vào logistics ở Việt Nam
Nhìn thấy tiềm năng lớn, các tập đoàn hàng đầu thế giới đang dồn dập rót vốn khiến thị trường logistics Việt Nam ‘nóng lên từng ngày’. Tốc độ đầu tư này cũng nhằm bắt nhịp với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng đang đưa Việt Nam thành trung tâm kho vận của thế giới.
Singapore là một trong số các quốc gia đang muốn đẩy mạnh đầu tư logistics tại Việt Nam. Nói riêng trong năm nay, một phái đoàn gồm 30 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Singapore đã tới Bình Dương hồi tháng 3 để tìm cơ hội đầu tư logistics cùng một số lĩnh vực khác.
Tới tháng 8, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn YCH Group Pte. Ltd (Singapore) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về đào tạo thực tập sinh Việt Nam trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics cũng như hợp tác nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo bản ghi nhớ, YCH Group sẽ phối hợp với các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để học sinh, sinh viên có chuyên ngành đào tạo phù hợp tham gia thực tập tại Dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là “siêu” dự án do Công ty CP T&Y Superport Vĩnh Phúc (liên doanh giữa Tập đoàn T&T và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH) làm chủ đầu tư. Đây được xem là dự án trọng điểm giữa hai quốc gia Việt Nam – Singapore và được Thủ tướng hai nước bấm nút khởi công vào năm 2021 với kỳ vọng trở thành “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại Đông Nam Á.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt cũng như kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, tạo sự đột phá cho lĩnh vực logistics của Việt Nam, đồng thời góp phần kết nối Vĩnh Phúc với các nước trong khối ASEAN và quốc tế.
Mới đây nhất, hơn 60 doanh nghiệp Singapore đã có mặt tại Việt Nam để tham dự một hội nghị kết nối kinh doanh giữa 2 quốc gia, bao gồm những doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ USD và cả những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội để rót vốn.
Trong số này có tập đoàn SEA (bước chân vào Việt Nam từ năm 2009) – đơn vị đã đầu tư xây dựng Trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Bắc Ninh với năng lực xử lý đến 2,5 triệu bưu kiện mỗi ngày.
“Muốn thương mại điện tử phát triển, thì hệ thống hạ tầng, logistics phải hoàn thiện, đáp ứng tiêu chí nhanh, tin cậy. Đó là lý do chúng tôi đầu tư vào mảng này tại Việt Nam. Nền kinh tế số của Việt Nam rất tiềm năng, khi sẽ đóng góp tới 30% GDP vào năm 2030. Chúng tôi muốn tham gia vào hành trình đó” – Ông Jason Bay, Giám đốc Văn phòng vận hành Tập đoàn Sea (Singapore) nói.
Về phần mình, Việt Nam luôn coi Singapore là một trong những mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển logistics.
Với hệ thống cảng biển lớn và hiện đại bậc nhất thế giới, Singapore luôn nằm trong top những quốc gia phát triển hàng đầu về logistics. Đây là quốc gia đang đứng vị trí thứ nhất về chỉ số phát triển logistics trong khu vực, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).
T.P