Ngày 26/10, tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, chính phủ của ông đã dừng viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Tôi ủng hộ việc ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine… Việc dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự là giải pháp tốt nhất mà chúng tôi có thể làm với Ukraine. EU nên thay đổi, chuyển từ cung cấp vũ khí sang kiến tạo hòa bình”, tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico chia sẻ vào ngày 26/10.
Ông Robert Fico nói với các nghị sĩ rằng Slovakia sẽ “không tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine”, lặp lại cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông. Tuy nhiên, tân Thủ tướng khẳng định Slovakia vẫn sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Ông Fico cũng lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt chống lại Nga của phương Tây: “Tôi sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Nga. Nếu biện pháp trừng phạt gây hại với Slovakia, như phần lớn các lệnh trừng phạt trước đây, tôi sẽ không bỏ phiếu ủng hộ”.
Slovakia từng là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine trong xung đột với Nga. Nước này đã tài trợ nhiều loại vũ khí cho Kiev, bao gồm cả phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô.
Những thay đổi trong quan điểm của Thủ tướng Robert Fico đã gây lo ngại về sự rạn nứt trong phương Tây về vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine.
Hãng tin Bloomberg mới đây cũng cho biết, Liên minh Châu Âu (EU) đang chậm trễ trong việc thực hiện lời hứa cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo vào mùa xuân tới. Trong đó, một số thành viên EU đã yêu cầu Brussels gia hạn thời điểm bàn giao.
Mặt khác, Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi EU tăng cường nỗ lực trên mặt trận này. Khoảng 10 nước EU, bao gồm Đức, Hà Lan, Ba Lan và các nước vùng Baltic, đã chuyển giao hoặc đang có kế hoạch chuyển giao cho Kiev tổng cộng 300.000 đến 400.000 quả đạn pháo. Một số quốc gia khác đã đặt hàng trị giá hơn 50 triệu USD và đơn hàng sẽ bắt đầu sản xuất sẽ vào năm tới.
Trong những tháng gần đây, Mỹ và EU đang gặp khó khăn trong việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí rất cần thiết trong bối cảnh nước này phản công trước Nga không có kết quả. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tại dải Gaza cũng được cho là sẽ ảnh hưởng tới nguồn viện trợ của phương Tây dành cho Kiev.
Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây, yêu cầu không cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và khiến các nước phương Tây trở thành bên tham gia trực tiếp vào chiến sự.
T.P