Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Thiện chí” thay kết quả?

“Thiện chí” thay kết quả?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến công du 3 ngày (26-28/10) tới Mỹ. Dù không nói ra, nhưng ai cũng biết, Bắc Kinh đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến đi này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

Trước hết, Bắc Kinh kỳ vọng vào sự lọc lõi, khôn khéo của một nhân vật từng được tôn là “cáo già ngoại giao” của làng ngoại giao quốc tế. Được bổ nhiệm ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013, nếu không kể thời gian “giãn cách” 7 tháng (30 tháng 12 năm 2022 – 25/7/2023) ông Tần Cương làm ngoại trưởng, để chuyển sang ngạch Đảng với chức vụ được coi quan trọng hơn: Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng CSTQ, ông Vương đã có 10 năm lèo lái con thuyền ngoại giao của Bắc Kinh. Trong một nền chính trị khắc nghiệt như Trung Quốc, giữ “vị” được chừng ấy thời gian kể cũng đã là tài; càng tài hơn sau khi ông Tân Cương “ngã ngựa”, Trung Nam Hải lại phải nhờ cậy, để cho ông Vương “tái xuất giang hồ”.

Phàm trong ngoại giao, mềm dẻo, linh hoạt thường được coi là phẩm chất quan trọng nhất, bởi điều đó gắn liền với sự khôn khéo. Ông Vương Nghị có không? Có! Nên nhớ, sáng kiến “Vành đai & Con đường” (BRI) trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ La-tinh, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013), chỉ sau thời điểm ông Vương đóng chức ngoại trưởng vài tháng. Vậy nên, vai trò của ông Vương Nghị với BRI hẳn phải là quan trọng lắm. Nếu không có cái mềm, cái khéo, cái thuyết phục của ông Vương, dễ gì tới nay, Trung Quốc đã quyến rũ được tới 152 quốc gia, 32 tổ chức quốc tế ký kết tới 200 văn kiện hợp tác quan trọng, góp phần đưa hình ảnh Trung Quốc thêm phần hào quang trong mắt nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển…

Nhưng cứng rắn mới là là điều nổi bật ở ông Vương. Điều đó giải thích cho cái biệt danh “cáo già ngoại giao” dành cho nhân vật này từ dăm năm nay, chứ không phải chỉ từ sau lần tái xuất.

Bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khôn lường, trong đó, Mỹ – đối thủ lớn nhất của Trung Quốc ra sức kiềm chế, ngăn trở sự trối dậy của kẻ đang muốn “đóng thế” vai trò chỉ huy thế giới của Washington, “mềm” quá có mà thua – là quan điểm của Trung Nam Hải. Cứng rắn để bảo vệ lợi ích tới cùng của Trung Quốc; cứng tới mức nhiều khi bất chấp công pháp và dư luận, ông Vương có thừa. Nhiều người thường dẫn câu “Chúng tôi không chấp nhận những lời chỉ trích từ người khác khi mà chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trên sân riêng của chúng tôi” mà ông Vương tung ra đáp trả những lời chỉ trích Trung Quốc có những hoạt động phi pháp trên Biển Đông như một bằng chứng cho cái gọi là “bản lĩnh” ngoại giao kỳ cục, ngang ngược tới mưc không thể chịu nổi, của ông Vương trong tư cách ngoại trưởng.

Trở lại chuyến công du Mỹ vừa kết thúc của ông Vương Nghị. Với mục tiêu trọng tâm là ổn định quan hệ Trung – Mỹ đang ở mức xấu nhất, ông Vương đã có các cuộc gặp với nhiều quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan; nhất là cuộc gặp với người đứng đầu Nhà Trắng là Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày chót chuyến công du 28/10.

Xét về hình thức, hai bên đều tỏ ra thiện chí rất mực. Điều đó thể hiện qua thông điệp chung sau các cuộc gặp, tiếp xúc, hội đàm, là: hai bên đều nhất trí sẽ giảm nhiệt căng thẳng và ổn định mối quan hệ Mỹ – Trung. Thậm chí, ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Mỹ và Trung Quốc cần đối thoại với nhau. Không chỉ là nối lại đối thoại mà còn cần phải là các cuộc đối thoại sâu sắc và toàn diện để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu hiểu lầm và nhận thức sai lệch, tìm kiếm mở rộng điểm chung, theo đuổi hợp tác mang lại lợi ích cho đôi bên. Thông qua đó, có thể ổn định hành động, đưa quan hệ Mỹ – Trung quay trở lại trạng thái ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững”.

Còn Washington, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh: Mỹ và Trung Quốc cần kiểm soát sự cạnh tranh giữa hai bên một cách có trách nhiệm và duy trì các đường dây liên lạc mở…

Dù vậy, không ít người trong giới phân tích chính trị quốc tế vẫn tỏ ra hoài nghi vào kết quả thực chất bên trong chuyến công du của ông Vương Nghị vừa qua.

Tại sao vậy? Vì, nói cho cùng, thiện chí thì dễ nói trong ngoại giao. Mục tiêu cũng không khó thể hiện trong đối ngoại. Nhưng hiện thực hóa thiện chí và mục tiêu là cả một câu chuyện dài. Câu chuyện càng dài hơn khi Mỹ và Trung Quốc hiện thời như hai võ sĩ đã quá hiểu nhau sau các cuộc “thượng đài” thương mại, công nghệ; các vụ va chạm trên không, trên biển ở khu vực Biển Đông mà phía Mỹ thường diễn ngôn mềm thành những cú “tiếp cận thiếu chuyên nghiệp”.

Căng thẳng tới mức ấy sao có thể bỗng dưng hóa giải tất cả chỉ qua một chuyến công du của ông Vương Nghị?

Thế nên, một khi không đạt được kết quả, thì đành mang cái gọi là “thiện chí” (suông) ra quảng cáo thế vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới