Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSố phận 9 bà vợ và 7 người con của Nguyên soái...

Số phận 9 bà vợ và 7 người con của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh

Diệp Kiếm Anh sinh ngày 28/4/1897, mất năm 1986. Tướng Diệp là cộng sự của các lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cùng những nhà cách mạng khác, đồng thời là một trong những người sáng lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông cũng được biết đến là một trong các đạo diễn xử lý vụ Nhóm 4 tên, kết thúc cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.

Diệp Kiếm Anh – Nguyên soái đa thê

Diệp Kiếm Anh có sức ảnh hưởng rất lớn trong quân đội Trung Quốc, đón đầu làn sóng cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Gia tộc họ Diệp có nguồn tích lũy lớn thông qua các tài sản, cổ phiếu và kinh doanh thương mại ở Hồng Kông, Ma Cao và Quảng Đông.

Vị nguyên soái đa thê

Nói về Diệp Kiếm Anh, ông Mao Trạch Đông từng nhận xét: “Gia Cát nhất sinh duy cẩn thận. Lã Đoan đại sự bất hồ đồ”. Ý khen ông là người nghiêm túc, cẩn thận.

Diệp Kiếm Anh sinh trong gia đình một tiểu thương ở Mai huyện, Quảng Đông. Năm 1917, vào học Vân Nam Giảng Võ Đường. Năm 1920, tham gia quân đội của Tôn Trung Sơn thành lập Trường Hoàng Phố. Ông tham gia chinh chiến liên miên, đến năm 1928 sang Liên Xô học Đại Học Phương Đông. Cuối năm 1930 về nước, giữ các chức vụ quan trọng trong quân đội.

Trước ngày giải phóng, ông là Bí thư Phân cục Trung Nam, Tư lệnh, Kiêm Chính ủy Quân khu Quảng Châu. Về sau, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Trung ương Đảng, phó Chủ tịch Quân ủy, Phó Chủ tịch Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Tháng 2/1976, Diệp Kiếm Anh bị buộc nghỉ hưu chữa bệnh, nhưng tháng 10 năm đó ông đã ra tay tổ chức bắt bè lũ 4 tên, chấm dứt Cách mạng Văn hóa.

Sau đó, ông là Phó Chủ tịch Đảng duy nhất và Chủ tịch Quốc hội trở thành nhân vật số 2 ở Trung Quốc chỉ sau Hoa Quốc Phong. Tháng 9/1985, ông từ chức vì vấn đề sức khỏe. Diệp Kiếm Anh qua đời ngày 22/10/1986 ở Bắc Kinh, thọ 89 tuổi.

Trong sự nghiệp, Diệp Kiếm Anh nổi tiếng là người cẩn thận nhưng trong đời sống riêng ông lại khá phóng túng, có tới 6 bà vợ chính thức và thêm 3 hồng nhan ở bên cạnh.

Khi còn ở quê, mới bước vào tuổi thanh niên, ông đã được cha mẹ cưới cho một cô vợ nhưng hai người không có con. Đầu năm 1924, Diệp Kiếm Anh kết hôn với bà Phùng Hoa, một nhân viên y vụ ở Quảng Châu và sinh được 2 người con là Diệp Tuyển Bình (Tỉnh trưởng Quảng Đông, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Toàn Quốc) và Diệp Sở Mai (chồng là Trâu Gia Hoa, Phó Thủ tướng).

Năm 1927, ông vào Đảng ở tuổi 30 và cưới nữ chiến sĩ 18 tuổi đẹp như thiên tiên Tăng Hiến Thực, bà sinh năm 1910 và mất năm 1989, hậu duệ của Tăng Quốc Phiên. Sau năm 1949, bà Tăng Hiến Thực là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Trung Quốc và con trai là Diệp Tuyển Ninh.

Diệp Tuyển Ninh từng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc và là một thương nhân thành đạt khi nghỉ hưu. Ông qua đời năm 2016. Truyền thông Hoa ngữ từng gọi Diệp Tuyển Ninh là “nhà môi giới quyền lực” hay “lãnh đạo tinh thần” của giới hậu duệ tinh hoa, tức con cháu các quan chức cấp cao có ảnh hưởng lớn trong Đảng.

Diệp Tuyển Ninh cũng được cho là đóng vai trò vận động tích cực ở hậu trường để giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thuận lợi nắm quyền. Giới quan sát chính trị Trung Quốc, nói Diệp đã dùng ảnh hưởng, kinh nghiệm và thông tin tình báo quân đội để hỗ trợ chiến dịch chống tham nhũng được ông Tập phát động sau khi nhậm chức Chủ Tịch nước vào tháng 3/2013.

Năm 1937, tại Diên An, Tham mưu trưởng Bát Lộ Quân 40 tuổi Diệp Kiếm Anh kết hôn với Nguy Hồng Chi (sinh năm 1905 và mất năm 1973), nữ cán bộ Hồng Quân 32 tuổi, họ không có con cùng nhau.

Tháng 1/1939, Diệp Kiếm Anh về Quảng Châu công tác ở Nam Phương Cục, một năm sau, ông kết hôn với Ngô Bác, nữ nhân viên cơ yếu, bà sinh con gái là Diệp Ứng Chân.

Năm 1948, Diệp Kiếm Anh tới ngoại thành Bắc Kinh chuẩn bị cho công tác tiếp quản thủ đô. Tại đây, ông cưới Lý Cương, học viên trường quân sự Hoa Bắc, sinh hai người con là Diệp Tuyển Liêm (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Quốc Diệp Thâm Quyến) và con gái Diệp Văn San (Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư Hoa Kiều Hải Nam). Ngoài 6 bà vợ có cưới xin đàng hoàng, theo Nhân Dân Nhật Báo, sau năm 1955, Diệp Kiếm Anh không lấy thêm ai nữa, nhưng bên cạnh ông lần lượt có thêm 3 người phụ nữ sống chung, chủ yếu chăm sóc cuộc sống cho ông. Nhưng họ không có danh phận chính thức, họ có sinh con hay không cũng không rõ.

Theo con gái nuôi của Diệp Kiếm Anh là Đới Tình, người bạn gái cuối cùng của Diệp Kiếm Anh kém ông 60 tuổi. Chính vì cuộc sống đời thường nhiều vợ và bạn gái như thế nên Diệp Kiếm Anh còn được gọi là Hoa Soái (tức Nguyên Soái Đào Hoa). Theo Tân Hoa Xã, năm 1986 khi Diệp Kiến Anh mất cả 6 bà vợ và người bạn gái cuối của ông đều còn sống, mạnh khỏe.

Khi Bộ Chính trị họp bàn về tổ chức lễ tang ông, có bàn chuyện lập danh sách thân quyến ông để mời dự lễ, Nguyên Soái Nhiếp Vinh Trăn khi đó được giao phụ trách đã quyết định không mời ai để tránh rắc rối, trước những lời bàn tán dị nghị trong dư luận xã hội. Ông Diệp Tuyển Bình sau đó phải ra văn bản tuyên bố nêu rõ: “Đó không phải là ý kiến của chúng tôi những người con, người cháu, đó là quyết định của Trung ương Đảng. Con cháu chúng tôi hiện nay vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với cả bảy bà”.

Nhà họ Diệp có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài về kinh tế, chính trị, quân sự ở Quảng Đông, tỉnh đóng góp lớn nhất cho GDP Trung Quốc trong 28 năm liên tiếp (tính đến năm 2016). Ông Tập Cận Bình có được sự ủng hộ của gia tộc này. Cố Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân (cha ông Tập Cận Bình) là một người bạn của gia tộc họ Diệp.

Diệp Kiếm Anh và Tập Trọng Huân là những chiến hữu lâu năm từ thời kỳ tham gia cách mạng ở căn cứ Diên An. Nhưng ông “Tập cha” sau này bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa, ông Tập Trọng Huân bị giam lỏng trong 16 năm. Khi được trả tự do vào năm 1978, Diệp Kiếm Anh là người đầu tiên đưa tay giúp đỡ, ông Tập được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông ngay sau khi ông Diệp trở thành Chủ tịch Quốc Hội.

Ông Tập Trọng Huân đạt được thành tích ở Quảng Đông sớm hơn lãnh đạo các địa phương khác nhờ sự giúp đỡ của nhà họ Diệp. Năm 1980, ông trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội, đứng sau Diệp Kiếm Anh.

Tình hình trở nên bất lợi với ông Tập Trọng Huân sau khi Diệp Kiếm Anh qua đời năm 1986. Ông đã phản đối quyết định bãi miễn Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang của Đặng Tiểu Bình năm 1987, dẫn đến bị buộc nghỉ hưu vào năm 1993. Vợ chồng ông chuyển đến Quảng Đông sinh sống. Ông qua đời năm 2002.

Nhắc tới Diệp Kiếm Anh không thể không nhắc tới thời kỳ Cách mạng Văn hóa và việc thanh trừng bè lũ bốn tên “tứ nhân bang”.

Cuối năm 1965 – đầu năm 1966, Cách mạng Văn hóa bùng nổ, các vị cán bộ lão thành cách mạng trong đó có Diệp Kiếm Anh đều bị tập đoàn phản động Lâm Bưu, Giang Thanh bức hại ở những mức độ khác nhau, “bè lũ bốn tên” là những thành viên hoạt động tích cực nhất Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Nhóm “tứ nhân bang” gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn.

Vụ việc bắt giữ và xét xử “tứ nhân bang” được xem như đánh dấu sự kết thúc của cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông đã thông qua cuộc cách mạng này để loại dẫn Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Bành Chân. Mao đã đưa Giang Thanh (thành viên đoàn văn nghệ) lên làm người giương cao ngọn cờ văn hóa. Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên, cùng với Vương Hồng Văn là các nhà lãnh đạo ở Thượng Hải. Lãnh đạo quân đội Lâm Bưu cũng tham gia nhóm này, nhưng bị tai nạn máy bay rơi vào năm 1971.

Sau cái chết của Lâm Bưu, Cách mạng Văn hóa mất một ngọn cờ đầu, lãnh đạo quân đội mới ra lệnh thiết lập lại trật tự do mối nguy hiểm đang đe dọa dọc biên giới Trung-Xô. Đây là thời kỳ Trung Quốc và Liên Xô mâu thuẫn sâu sắc. Thủ tướng Chu Ân Lai chấp nhận Cách mạng Văn hóa nhưng không ủng hộ, đã giành lại quyền hành và đưa Đặng Tiểu Bình bị tống giam trở lại lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1973. Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước qua đời trong tù năm 1969.

Lúc Mao Trạch Đông đang hấp hối, một cuộc đấu tranh quyền lực nảy sinh giữa “tứ nhân bang” và liên minh của Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh.

Ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông tạ thế, khiến tình hình Trung Quốc trở nên nóng bỏng. Theo Hồi Ký của Hoa Quốc Phong thì sau khi Mao Chủ tịch từ trần, bè lũ “bốn tên” coi đây chính là thời cơ của chúng, nên đã gia tăng các hoạt động tạo dư luận, tìm cách nắm lực lượng quân đội, nhằm cướp quyền lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước. Với chức danh Phó Phòng Tuyên truyền Tổng Cục Chính trị, em trai Trương Xuân Kiều đã xuống sư đoàn xe tăng thuộc Quân khu Bắc Kinh để phao tin rằng, Hoa Quốc Phòng và Diệp Kiếm Anh là xét lại cần phải đánh đổ.

Thậm chí, bè lũ bốn tên đã bí mật chia nhau các chức vụ như sau; Giang Thanh sẽ làm Chủ tịch Đảng, Trương Xuân Kiều làm Thủ tướng, Vương Hồng Văn làm Chủ tịch Quốc hội, Diêu Văn Nguyên làm Chủ tịch Mặt trận. Trước tình hình vận mệnh quốc gia “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 10/9/1976, Hoa Quốc Phong bí mật tới gặp Nguyên soái Lý Tiên Niệm, trình bày tình hình cấp bách do việc bè lũ bốn tên hoạt động điên cuồng. Hoa Quốc Phong khẳng định: “Trong giờ phút đất nước đứng trước thảm họa. Cuộc chiến đấu với “bè lũ bốn tên” là cuộc chiến đấu một sống một chết. Bản thân tôi đã hạ quyết tâm phải diệt “bè lũ bốn tên”. Vì vậy, rất mong nhận được sự chỉ huy của hai nguyên soái.

Biết rằng tình thế đã rất khẩn trương, nhưng để đề phòng sự theo dõi của “bè lũ bốn tên”, ngày 13/9, Lý Tiên Niệm mượn cớ đến thăm vườn thực vật Bắc Kinh. Trên đường đi đã bí mật đổi hướng, nhanh chóng tới Tây Sơn gặp gỡ truyền đạt lại những ý kiến và trao bức thư của Hoa Quốc Phong cho Diệp Kiếm Anh và đề nghị Diệp Nguyên soái nhanh chóng hạ quyết tâm để đối phó với tình hình.

Ngay buổi tối hôm đó, Diệp Kiếm Anh tung tin sẽ lên Đông Bắc nhưng kỳ thực là bí mật quay lại Bắc Kinh gặp Hoa Quốc Phong tại một địa điểm bí mật. Hai người bạn vong niên gặp nhau đã nhanh chóng đi tới quyết định cần phải sử dụng phương thức phi thường để giải quyết bè lũ bốn tên.

Sau đó, Hoa Quốc Phong cũng bí mật gặp Uông Đông Hưng và Uông cũng hoàn toàn nhất trí với kế hoạch đã đề ra, đồng thời vạch phương án tỉ mỉ cho trận đánh.

Với danh nghĩa Phó Chủ tịch thứ nhất Ban Chỉ huy Trung ương Đảng, Hoa Quốc Phong có Diệp Kiếm Anh phù trợ đã triệu tập cuộc họp Ban thường vụ Bộ Chính trị vào 8 giờ tối ngày 6/10/1976 tại Hoài Nhân Đường trong Trung Nam Hải.

Theo hồi ký của Uông Đông Hưng, đây là căn phòng được Từ Hy Thái Hậu xây dựng với hơn 50 vạn lạng bạc vào năm 1899. Từ sau ngày 1/10/1949 trở thành phòng họp của Ban Chỉ huy Trung ương. Tuy nhiên, hôm đó phòng họp được bố trí khác ngày thường, một tấm bình phong ở giữa ngăn phòng làm hai phần. Phần trước chỉ đặt một chiếc ghế sofa có tựa, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh ngồi đó vừa uy nghiêm vừa bình thản, Hoa Quốc Phong đứng ngay bên cạnh. Phía sau bức bình phong là Uông Đông Hưng và một số chiến sĩ thuộc Bộ đội 8341.

Theo Uông Đông Hưng, Trương Xuân Kiều, chức danh Ủy viên thường Vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng là tên đến đầu tiên. Tay xách túi da ngất ngưởng bước vào, lập tức, 4 chiến sĩ cảnh vệ xông ra, bẻ quặt hai tay hắn ra sau chiếc túi da rơi xuống đất. Trương hốt hoảng cực độ, chưa kịp định thần thì đã đứng trước mặt Diệp Kiếm Anh và Hoa Quốc Phong. Thay mặt Trung ương, Hoa Quốc Phong đọc quyết định cách ly Trương Xuân Kiều để thẩm vấn. Sau đó, Trương bị dẫn vào phòng biệt giam.

Giải quyết xong Trương Xuân Kiều thì Vương Hồng Văn, Phó Chủ tịch Đảng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cũng vừa tới. Khi các chiến sĩ cảnh vệ tóm cổ, vốn xuất thân là nhân viên bảo vệ của phân xưởng bông vải sợi Thượng Hải, Vương đã chống trả rất quyết liệt. Y vừa la hét vừa vung chân vung tay đấm đá nhưng đã bị các chiến sĩ cảnh vệ khống chế rất nhanh, đến khi nghe Hoa Quốc Phong đọc lệnh bắt giữ của Trung ương thì Vương bất ngờ gầm lên, thoát khỏi sự kiềm chế của các chiến sĩ cảnh vệ và lao tới chỗ Diệp Kiếm Anh ngồi cách y chừng 5,6m, hòng hành hung Nguyên Soái Diệp. Nhưng khi Vương gần chạm được vào Nguyên Soái Diệp, các chiến sĩ cảnh vệ đã kịp lao tới quật ngã y xuống nền nhà và khóa trái hai tay y lại bằng còng số 8, rồi lôi y ra khỏi phòng. Còn Diêu Văn Nguyên đến hơi trễ nhưng khi bị bắt, Diêu đã tỏ ra rất bình tĩnh, không hề có hành động phản kháng gì. Sau khi giải quyết xong ba tên, Uông gọi điện cho Trương Diệu Từ, Phó Tư lệnh thứ nhất Bộ Đội 8341, cùng Lý Hâm, Vũ Kiến Hoa (chỉ huy một quân đội bộ đội 8341) tiến hành giải quyết nốt Giang Thanh và các đồng Đảng như Mao Viễn Tân, Tạ Tĩnh Nghi, Chì Quần, Vương Tổ Mẫn… Đến 21 giờ 30 phút hôm đó chiến dịch thu được thắng lợi hoàn toàn, bè lũ bốn tên và đồng bọn bị đưa đi mỗi kẻ mỗi nơi.

Ngay sau khi chiến dịch toàn thắng, Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh lập tức triệu hồi hội nghị toàn thể các ủy viên Bộ Chính trị tại Ngọc Tuyền Sơn. Trong hội nghị này, Diệp Kiếm Anh đã đề nghị Bộ Chính trị bầu Hoa Quốc Phong làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, vì Hoa Quốc Phong là người có công đầu trong việc đập tan bè lũ bốn tên lại đã từng được Mao Chủ Tịch đích thân lựa chọn làm người kế tục.

Được sự giới thiệu của Nguyên Soái Diệp, hội nghị đã nhất trí thông qua và kể từ đó Hoa Quốc Phong trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình Diệp Kiếm Anh đã sát cánh cùng với Hoa Quốc Phong và các đồng chí khác đặt dấu chấm hết cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài suốt 10 năm, đưa Trung Quốc ra khỏi cuộc khủng hoảng và rối ren tạo bước khởi đầu tốt đẹp cho Trung Quốc đi vào con đường ổn định và phát triển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới