Trung Quốc đã triển khai 2 tàu phá băng và một tàu chở hàng đến châu Nam Cực nhằm xây dựng trạm nghiên cứu tại đây.
Theo Reuters, đội tàu nghiên cứu châu Nam Cực lớn nhất của Trung Quốc khởi hành vào ngày 1.11, chở theo hơn 460 nhân sự.
Đội tàu gồm 2 tàu phá băng Xuelong (Tuyết Long) 1 và 2, xuất phát từ cảng ở Thượng Hải. Tàu chở hàng Tianhui (Thiên Huệ) chở theo vật liệu xây dựng, xuất phát từ thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô.
Lực lượng này sẽ xây trạm nghiên cứu thứ 5 của Trung Quốc tại đảo Inexpressible gần biển Ross, một vịnh sâu được đặt theo tên của nhà thám hiểm James Ross người Anh sống vào thế kỷ 19.
Trung Quốc bắt đầu xây trạm nghiên cứu này từ năm 2018, là trạm đầu tiên của Bắc Kinh tại khu vực Thái Bình Dương của Nam Cực. Cơ sở này sẽ được sử dụng cho việc nghiên cứu môi trường của khu vực.
Trung Quốc đã xây 4 trạm nghiên cứu khác tại Nam Cực từ năm 1985 đến năm 2014. Một viện nghiên cứu Mỹ ước tính trạm thứ 5 có thể hoàn tất vào năm 2024.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ) trong báo cáo năm nay cho rằng cơ sở mới sẽ gồm một trạm quan sát vệ tinh và sẽ giúp Trung Quốc khỏa lấp khoảng cách lớn trong năng lực tiếp cận châu lục này.
Trạm nghiên cứu mới cũng nằm ở vị trí có thể thu thập tín hiệu tình báo từ Úc và New Zealand, và dữ liệu từ xa của tên lửa phóng từ Trung tâm Không gian Arnhem của Úc. Trung Quốc đã bác bỏ gợi ý cho rằng các trạm nghiên cứu này được dùng cho mục đích do thám.
Nhiệm vụ của đội tàu sẽ kéo dài 5 tháng, trong đó gồm việc khảo sát tác động của biến đổi khí hậu. Hai tàu phá băng sẽ thực hiện cuộc khảo sát môi trường tại vịnh Prydez, biển Astronaut ở đông nam Nam Cực và tại biển Ross và biển Amundsen ở phía tây.
Đây là nhiệm vụ thứ 40 của Trung Quốc tại châu Nam Cực và Bắc Kinh sẽ hợp tác với các nước Mỹ, Anh, Nga trong việc tiếp tế hậu cần.
T.P