Nhiều vấn đề dân sinh nóng bỏng vừa được các đại biểu Quốc hội đặt lên bàn nghị sự trong các phiên thảo luận về kinh tế – xã hội. Nổi bật trong số đó là những bất cập trong việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế thời gian qua, nhất là vật tư tiêu hao; vẫn còn tình trạng hàng trúng thầu giá rẻ, khó mua được hàng có chất lượng…
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay khó khăn lớn nhất của đơn vị hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Lý do là việc cấp phép nhập khẩu cho phép sử dụng các dụng cụ mới tại Việt Nam bị bế tắc nhiều năm nay, khiến số hồ sơ đợi cấp phép xếp chồng ngày càng cao mà đầu ra vẫn nhỏ giọt.
“Hiện nay, tôi vẫn phải mang bệnh nhân Việt Nam sang nước ngoài can thiệp vì không thể nhập được dụng cụ phù hợp cho từng trường hợp về nước một cách dễ dàng”, ông Hiếu nói.
Theo ông, những công ty lớn khi nhìn vào dãy thủ tục và thời gian trung bình để được cấp phép đều lắc đầu ngao ngán.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thì đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm trang bị cho 2 trung tâm xạ trị proton ở Hà Nội và TPHCM để người dân Việt Nam có thể hưởng thụ được các kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới”. Theo ông, nếu được đầu tư, chỉ cần 6 tháng đào tạo ở nước ngoài về, các bác sĩ trong ngành xạ trị ở 2 thành phố lớn này hoàn toàn có thể tiếp cận kỹ thuật mới.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội Ung thư Thế giới, bác sĩ Nguyễn Tri Thức đơn cử vào năm 2020 Việt Nam có trên 182.000 ca mới mắc ung thư, 60% có chỉ định xạ trị. Nhưng khoảng 100 triệu dân số cả nước chỉ có 84 máy xạ trị bình thường, đáp ứng khoảng 60-70%, đặc biệt chưa có máy xạ trị proton là kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất hiện nay, giúp giảm tối thiểu tổn thương mô lành xung quanh. Nếu Hà Nội và TPHCM được đầu tư hai trung tâm xạ trị proton thì sẽ thu hút bệnh nhân ung thư điều trị trong nước, không phải đi nước ngoài, tiết kiệm chi phí ngoại tệ.
Ai cũng hiểu, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy không hẳn đề nghị trích ngân sách mua thiết bị cho bệnh viện, dẫu đó có là bệnh viện công đầu ngành của đất nước. Điều mà ông cần là cơ chế. Phải có cơ chế phù hợp, thì các bệnh viện mới có thể mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đúng thứ mà mình cần.
Câu chuyện hai vị đại biểu Quốc hội, hai bác sĩ nổi tiếng của ngành y mang lên nghị trường gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Trước hết cần khẳng định rằng, nhờ sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hàng loạt văn bản đã được ban hành giúp khắc phục bước đầu tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đưa hoạt động khám chữa bệnh dần trở lại bình thường sau những cơn “địa chấn” của ngành y tế. Tuy nhiên như các phát biểu nêu trên thì rõ ràng đây đó vẫn còn “cục máu đông” về thủ tục khiến những người làm việc trong ngành y trăn trở.
Không trăn trở sao được khi theo ước tính của Bộ Y tế, năm 2018 có khoảng 60.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, Singapore đã tiếp nhận hơn 30.000 lượt người Việt Nam đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh trong tổng số 400.000 lượt khách quốc tế. Thái Lan cũng đang là “vùng đất hứa” của người Việt tìm đến với hơn 17.000 người/năm.
Làm gì để dần hạn chế tình trạng trên? “Hãy giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước bệnh nhân và pháp luật”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.
Cần thấy rằng Luật Khám – Chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào đầu năm nay đã quy định lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý là thiết kế cơ chế thích hợp, hành lang pháp lý rõ ràng để giúp nâng cao khả năng tiếp cận, quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ điều trị và bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân tự nguyện chi trả khi điều trị một số bệnh hiểm nghèo (hiện khoảng 30% biệt dược gốc được dùng cho những bệnh nhân này).
Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) ở Việt Nam hiện chiếm 92% dân số. Tuy nhiên, không phải cứ có bảo hiểm là muốn dùng thuốc nào cũng được. Nhiều cử tri và cả đại biểu Quốc hội (đơn cử ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan) đã phản ánh việc cập nhật danh mục thuốc được phép sử dụng cho bệnh nhân BHYT ở Việt Nam còn chậm so với các nước khác. Các nước chỉ từ 15 – 18 tháng, có nước chỉ 3 tháng, còn ở ta là 2 – 4 năm.
Việc chậm cập nhật thuốc mới vào danh mục thuốc được sử dụng ở các cơ sở y tế công lập, không chỉ khiến đội ngũ bác sĩ đánh mất cơ hội được tiếp cận những thành tựu khoa học, thông tin lâm sàng của các loại biệt dược gốc và các phương pháp điều trị tiên tiến nhất, mà người bệnh cũng khó có cơ hội được điều trị bằng thuốc tốt, kể cả người có điều kiện tự chi trả. Đó là lý do ngày càng nhiều người có điều kiện, ra nước ngoài điều trị.
Một giải pháp cũng cần được nghiên cứu và sớm triển khai nếu xét thấy có tính khả thi cao. Đó là đề xuất triển khai gói bảo hiểm y tế bổ sung (BHYT thương mại) để có khung pháp lý về tài chính và tiếp cận dịch vụ bảo vệ người dân. Theo đó, người có BHYT bổ sung sẽ có thêm quyền lợi thông qua việc chi trả những dịch vụ nằm ngoài khả năng chi trả của Quỹ BHYT hiện nay.
Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển mạnh ngành dược phẩm trong nước, nhằm đạt mục tiêu đóng góp từ 26,8- 93,3 tỉ USD vào GDP của đất nước năm 2045.
Thiết nghĩ trên đây là những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài không chỉ để hạn chế tình trạng người Việt phải ra nước ngoài chữa bệnh, mà còn hướng tới xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch chữa bệnh như một số nước phát triển đang làm. Nhất là khi chúng ta là quốc gia ven biển, tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa vô cùng phong phú.
T.P