Thế là đã tròn một tháng Phong trào Hồi Giáo cực đoan Palestine Hamas bất ngờ nổ súng tấn công Israel. Cuộc chiến đến nay vẫn chưa có lối thoát. Đúng vào thời điểm này Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: nhất định không ngừng bắn!
Tuyên bố của ông Benjamin Netanyahu như một trái bom khổng lồ không chỉ rung động Trung Đông mà khiến cho cả thế giới bàng hoàng. Vậy là máu vẫn đổ, đầu vẫn rơi. Con số hơn 10 nghìn người, chủ yếu là dân thường, trẻ em, chết tức tưởi vẫn chưa dừng lại ở đó.
Các sáng kiến hòa giải cuộc chiến đã được nêu lên ở nhiều Diễn đàn lớn, ở nhiều quốc gia, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Các nước lân cận trong khu vực, dù là thân Hamas hay thân Israen, cũng đều lên tiếng về việc tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh. Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề cập đến “khả năng ngưng bắn chiến thuật” trên dải Gaza để thường dân có thể lánh nạn, tránh các cuộc giao tranh.
Nhưng các phương án nêu ra đều bế tắc. Trong khi những người dân vô tội vẫn chế và bị thương, hàng triệu người dân Palestine phải sơ tán, Thủ tướng Israel vẫn lạnh lùng từ chối ngừng bắn. Ông còn cam kết đảm nhận “toàn bộ trách nhiệm về an ninh” cho dải Gaza khi chiến tranh chấm dứt.
Lý do mà Israel không ngừng bắn là vì hơn 240 người dân nước này bị bắt làm con tin và vẫn chưa được thả. Vì vậy Israel “thề tiêu diệt” quân Hamas, liên tục oanh kích vào Gaza, bao vây toàn diện nơi sinh sống chen chúc của hơn 2,4 triệu người dân nơi đây.
Từ ngày 27/10, quân đội Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào dải Gaza. Họ thông báo đã bao vây toàn bộ thành phố Gaza và đã cắt đôi vùng lãnh thổ này.
Theo các thông tin mới cập nhật, tính đến 7/11, các cuộc oanh kích của Israel trong vòng một tháng qua đã làm hơn 10 nghìn người thiệt mạng, trong đó có hơn 4.000 trẻ em.
Vì sao Israel quyết không ngừng bắn? Trả lời kênh truyền hình ABC News, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói: “ Chúng tôi sẽ không lệnh ngừng bắn, không có ngừng bắn toàn diện ở dải Gaza khi nào các con tin chưa được thả. Còn về những lệnh ngừng bắn chiến thuật, một giờ nơi này, một giờ nơi kia, chúng tôi đã làm rồi. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ đánh giá từng hoàn cảnh nhằm cho phép hàng hóa, hàng viện trợ nhân đạo đi vào hay từng cá nhân con tin đi ra”.
Khẳng định ý đồ chiến lược của chính quyền Israel, ông Netanyahu không giấu diếm: “Nếu ngừng bắn nghĩa là hưu chiến toàn diện. Điều đó sẽ cản trở nỗ lực của cuộc chiến, gây trở ngại cho nỗ lực giải cứu con tin của chúng tôi. Điều duy nhất có thể làm được đối với các tội ác của Hamas là gây áp lực quân sự”.
Vậy là ý đồ tốt đẹp của Liên hợp quốc và các quốc gia không được chấp nhận. Rất tiếc cho động thái tích cực của Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan. Ông đã sốt sắng gọi điện cho các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh và phương Tây, bao gồm cả việc nói chuyện với Ngoại trưởng Anh James Cleverly để tìm cách giảm leo thang, tiến tới chấm dứt cuộc chiến.
Saudi Arabia sau đó đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng nhau đáp ứng nguyện vọng của người dân Palestine anh em”. Tuyên bố của Saudi cho rằng, nguồn gốc thật sự của leo thang xung đột là do việc tiếp tục chiếm đóng và sự tước đoạt các quyền hợp pháp của người dân Palestine.
Còn Thái tử Saudi, ông Mohammed bin Salman đã gọi điện cho Tổng thống Palestine nói rằng: “Chúng tôi đang thực hiện mọi nỗ lực có thể để tham gia với tất cả các bên quốc tế và khu vực để ngăn chặn sự leo thang đang diễn ra và ngăn chặn sự lây lan thêm trong khu vực”.
Không chỉ có sự ủng hộ ngừng bắn từ Saudi, hàng loạt cuộc tuần hành đã nổ ra trong mấy ngày qua tại nhiều nước trên thế giới. Người biểu tình tại Mỹ hô vang các khẩu hiệu: “Đã đủ rồi. Cuộc xung đột không nên tiếp tục. Chúng tôi cần Chính phủ Mỹ lắng nghe”; “Một lệnh ngừng bắn cần phải đạt được”…Nhiều người biểu tình cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng hỗ trợ cho Israel. Theo kênh Al Jazeera ngày 8/11, hàng trăm người biểu tình ủng hộ Palestine đã tập hợp tại Cảng Tacoma để chặn một tàu tiếp tế quân sự mà họ cho rằng sẽ chở vũ khí từ Mỹ đến Israel.
Tại Đức, hàng chục nghìn người tại Berlin và Duesseldorf đã xuống đường tuần hành yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza. Cảnh sát đã bắt giữ 60 người bị tình nghi kích động thù ghét. Còn ở Pháp, cuộc tuần hành ở Thủ đô Paris đã thu hút khoảng 19.000 người tham gia sự kiện này. Những người tuần hành đã tập trung ở trung tâm thủ đô kêu gọi một lệnh ngừng bắn với khẩu hiệu “Chấm dứt vòng xoáy bạo lực” và “Không làm gì, không nói gì cũng là có tội”.
Tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Israel theo giới phân tích có thể khiến ông này mất chức. Lúc này tuy phe đối lập chưa lên tiếng đòi Netanyahu từ chức, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta sẽ an toàn.
Lịch sử Israel đã chỉ ra rằng mọi bất ngờ và khủng hoảng đều dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ. Đó là vào năm 1973, sau Chiến tranh Yom Kippur, với Thủ tướng Golda Meir; năm 1982 với Thủ tướng Menachem Begin trong Chiến tranh Liban lần thứ nhất; năm 2006 với ông Ehud Olmert trong Chiến tranh Liban lần thứ hai.
Thủ tướng bị phế bỏ là cần thiết và chỉ là câu chuyện của một cá nhân. Cái lớn hơn là chấm dứt chiến tranh, chấm dứt đổ máu. Hãy trả lại bình yên cho Gaza, cho Trung Đông!
H.Đ