Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam - con hổ kinh tế mới của châu Á

Việt Nam – con hổ kinh tế mới của châu Á

Chỉ hai thập kỷ trước, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng “con hổ mới của châu Á” này hiện là một trung tâm khu vực thịnh vượng với tiềm năng phát triển nhanh chóng hơn nữa – báo chí thế giới nhận định.

Công nhân một doanh nghiệp FDI Nhật Bản ở tỉnh Hòa Bình chuyên sản xuất thấu kính.

Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam

Theo trang phân tích tài chính Moneyweek của Anh, thương mại là chìa khóa tăng trưởng của Việt Nam, và tăng trưởng của Việt Nam dựa vào xuất khẩu, được thúc đẩy bởi một loạt các thỏa thuận thương mại.

Năm 1986, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm chưa đến 7% GDP của Việt Nam; đến năm 2021 con số đó đã tăng lên 93%. Chỉ trong một thế hệ, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người tăng 3,6 lần trong hai thập kỷ sau năm 2002.

Trong giai đoạn đó, Việt Nam đã trải qua ba đợt bùng nổ rõ rệt về đầu tư nước ngoài – theo tờ Nikkei Asia. Đợt đầu tiên bắt đầu vào giữa những năm 1990 khi Honda Motor của Nhật Bản bắt đầu “sản xuất xe hai bánh tại địa phương” và các thương hiệu quần áo thể thao toàn cầu chuyển đến thành lập các nhà máy địa phương.

Sau đó, đầu những năm 2000 chứng kiến các công ty công nghệ ở châu Á thiết lập dây chuyền sản xuất các thiết bị điện tử đơn giản tại Việt Nam. Cuối cùng, vào giữa những năm 2010, thu nhập địa phương ngày càng tăng bắt đầu thu hút các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, chẳng hạn như “gã khổng lồ mua sắm” Aeon của Nhật Bản.

Hiệu quả tổng thể là tạo ra một cường quốc xuất khẩu. Tờ Mail on Sunday chỉ ra, “hơn một nửa số giày của Nike và 60% số điện thoại của Samsung được sản xuất tại Việt Nam”. Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam năm ngoái gấp 6 lần Ấn Độ – Bloomberg cho hay.

Theo tờ Business Korea, Samsung tuyển dụng hơn 100.000 lao động ở Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu 65 tỉ USD của Samsung từ Việt Nam năm 2022 chiếm tới 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam – có thể báo trước một làn sóng đầu tư thứ tư đang nổi lên.

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam từng bị hạn chế hơn so với đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, sẽ bật đèn xanh để tăng cường đầu tư từ các công ty Mỹ vào Việt Nam.

Thách thức với Việt Nam

Nền kinh tế đang bùng nổ của Việt Nam vẫn nằm ngoài tầm chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vì một lý do đơn giản: Việt Nam vẫn chưa được tổ chức xếp hạng thị trường MSCI phân loại là thị trường mới nổi, mà vẫn là thị trường cận biên.

Việc nâng cấp lên trạng thái thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy dòng vốn lớn từ các quỹ nước ngoài cũng như thúc đẩy cho cổ phiếu địa phương ước tính khoảng 5-8 tỉ USD. Chứng khoán Việt Nam là thành phần lớn nhất trong khu vực thị trường cận biên và các nhà đầu tư nước ngoài đã dành những năm gần đây đánh cược rằng việc nâng hạng đối với một nền kinh tế mới nổi năng động như vậy chỉ là vấn đề thời gian.

Việt Nam được mệnh danh là con hổ châu Á mới, gợi nhớ đến sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore trong nửa sau thế kỷ 20.

Tuy nhiên, thực tế như các nền kinh tế láng giềng gần gũi ở Đông Nam Á đã cho thấy, con đường dẫn đến thịnh vượng không chỉ toàn hoa hồng.

Báo cáo năm 2019 của tổ chức tư vấn Mỹ Brookings lưu ý rằng “để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình ít nhất 7% trong 25 năm tới”. Điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn khi thành quả chuyển “từ nền nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất năng suất cao hơn” được chọn. Mức lương thấp của Việt Nam là điểm thu hút chính đối với đầu tư trong nước, nhưng lợi thế đó không thể tồn tại mãi nếu mục tiêu cuối cùng là một xã hội giàu có hơn.

Tuy nhiên, cũng có những lý do để lạc quan. GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức 4.000 USD. Con số này chưa bằng 1/3 mức trung bình toàn cầu, do đó vẫn còn rất nhiều nỗ lực “bắt kịp” tăng trưởng trước khi bẫy thu nhập trung bình có nguy cơ xảy ra.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới