Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN đang ở đâu?

ASEAN đang ở đâu?

Suốt mấy tháng qua căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang. Không chỉ có chuyện nóng ở Bãi Cỏ Mây và Scarborough mà còn nhiều sự kiện khác xảy ra trên trời và trên biển Đông, Biển Hoa Đông. Nhưng có điều thấy ASEAN im ắng quá.

Nhiều nhà nghiên cứu trong khu vực đã sốt ruột lên tiếng, rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) còn giữ được vai trò “trung tâm” hay không? Phải chăng một số thành viên vì lợi ích của đất nước mình và “sợ” Trung quốc nên chẳng hề có bất cứ động thái gì lên án hành động sai trái, phê phán cái xấu, cái ác đang diễn ra hằng ngày trên Biển Đông.

Chúng tôi xin nhắc lại, khái niệm “vai trò trung tâm” của ASEAN bắt đầu hình thành từ khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ 20, song phải đến khi Hiến chương ASEAN ra đời năm 2007 và có hiệu lực vào năm 2008, khái niệm này mới được pháp điển hóa trong Hiến chương. Mục tiêu chính của ASEAN được nêu trong Hiến chương là: “Duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như là động lực chính trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và bao trùm”.

Nếu thực hiện đúng quy định này thì ASEAN sẽ là lực lượng chính trong các thỏa thuận khu vực mà khối này khởi xướng và duy trì vai trò trung tâm của mình trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng”. Do giữu vai trò trung tâm cho nên ASEAN thường được ca ngợi với những mĩ từ: “người cầm lái”, “điểm tựa của các thể chế khu vực”, “người xây dựng đầu tiên” và “người triệu tập” đối với các thể chế đa phương ở châu Á, v.v..

Thế nhưng, dường như “người cầm lái” đang chệnh choạng (!)

Bây giờ chúng ta trở lại vùng biển nóng. Cần khẳng định, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang. Ở rất xa khu vực nhưng Washington bày tỏ mối quan ngại về các hành động “nguy hiểm và bất hợp pháp” của Trung Quốc trong thời gian qua.

Sự căng thẳng không chỉ xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines mà chính là căng thẳng giữa hai cường quốc. Chẳng lẽ đây là “món quà” dành cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào ngày 15 tháng 11/2023?

Choảng nhau dữ dội nhưng hôm 7/11, chính phủ Trung Quốc vẫn hoan nghênh “các kết quả tích cực” và “sự thành công” trong các cuộc thảo luận Trung- Mỹ trong những ngày qua tại California về hồ sơ khí hậu (chuẩn bị cho thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc COP28 ở Dubai).

Hồi tháng trước, hôm 18/10, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một loạt hình ảnh và video về vụ va chạm giữa phi công Trung Quốc và Mỹ trên không phận quốc tế. Đoạn phim này công bố 15 sự cố xảy ra ở biển Hoa Đông và biển Đông. Máy bay của quân đội Trung Quốc (PLA) đã áp sát máy bay của Mỹ trong phạm vi 6m.

Dịp này, ông Ely Ratner- Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – nói rằng có không dưới 180 vụ việc như vậy xảy ra trong hai năm qua. Con số đó vượt quá tổng số vụ việc tương tự xảy ra trong một thập niên. Ông Ratner nói: “Nếu tính cả số vụ PLA ngăn chặn mang tính hăm dọa và đầy rủi ro nhằm vào các quốc gia khác, con số này sẽ gia tăng lên 300 vụ nhắm vào máy bay của Mỹ, đồng minh và đối tác”.

Còn những rắc rối chung quanh Bãi Cỏ Mây vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí rắc rối xảy ra một ngày trước khi Trung Quốc và các nước ASEAN gặp nhau trong vòng đàm phán mới nhất về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đây là bộ quy tắc nhằm ngăn chặn những sự cố trên biển. Thật là hài hước!

Vì sao Manila dám đối đầu với Bắc Kinh? Phải chăng chính quyền nước này tin là Mỹ sẽ hết lòng ủng hộ họ ? trong trường hợp xảy ra đối đầu, và điều đó củng cố quyết tâm của họ. Nếu vậy thì một trận chiến trên biển có sự tham gia của lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ không còn nằm ngoài khả năng xảy ra nữa.

Cho dù cả Trung Quốc, Mỹ và đồng minh của Mỹ đều không mong muốn xảy ra chiến tranh, nhưng mọi hi vọng có vẻ như đang tắt ngóm. Cả Mỹ và Philippines vẫn đang tìm kiếm ủng hộ về ngoại giao. Và cuộc gặp vào tuần tới giữa hai ông Tập Cận Bình và Biden nhằm mục đích như thế.

Hiện tại, trang bị cho hải quân của Philippines đang từng bước được cải thiện. Mỹ vừa chuyển giao hai tàu tuần tra lớp Cyclone được tân trang lại cho Hải quân Philippines theo chương trình Các hạng mục phòng thủ quá hạn. Cuối năm 2023, Mỹ sẽ bàn giao thêm 4 tàu nữa.

Dự kiến đến cuối năm nay, Mỹ và Philippines sẽ thực hiện “các cuộc tuần tra chung”.

Cùng với Mỹ, các nước như Pháp, Anh, Ấn Độ cũng có những động thái sẵn sàng nhảy vào tham chiến. Mới đây Pháp đã cải tiến hệ thống chống ngư lôi trên tàu khu trục của Philippines mà trước đó đã được Hàn Quốc nâng cấp hệ thống quản lý chiến đấu. Còn Ấn Độ cung cấp tên lửa hành trình chống hạm phóng từ bờ biển.

Rõ là những động thái chuẩn bị cho chiến tranh. Và người ta chờ đợi phản ứng cùa ASEAN. Tại sao trước sự đối đầu căng thẳng trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, khối này vẫn giữ im lặng?

Nếu như ASEAN không thể tìm được tiếng nói chung trước các sự kiện căng thẳng này do các nước Campuchia, Lào không muốn tham gia bất kỳ tuyên bố chung nào quá cứng rắn đối với Trung Quốc thì phản ứng của ASEAN có thể được thể hiện dưới dạng tuyên bố từ quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch là Indonesia.

Thế nhưng Jakarta dường như đang “vướng”. Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa trở về từ diễn đàn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh. Ông được đón tiếp trọng thị, được ông Tập dành cho những lời có cánh, thoắt cái Widodo trở thành một nhân vật người hùng,chả kém gì Tổng thống Nga Putin.

Vì thế, ngài Widodo không dễ nặng lời với một vị chủ nhà vừa mới tung hô mình hết cỡ.

Đấy mới là chuyện của ông chủ nhà Indonesia. Chuyện lớn hơn của cả khối ASEAN thì không thể coi là chuyện trong nhà. Hãy gạt những sức ép cá nhân và quốc gia sang một bên. ASEAN phải thậ sự giữu vai trò trung tâm. Phải đứng lên với tư cách là một khối thống nhất. Còn nếu không nó chỉ là một tổ chức đa phương hữu danh vô thực.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới