Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines: “Nhất Mỹ nhị Nhật”

Philippines: “Nhất Mỹ nhị Nhật”

Nhật Bản và Philippines đang khởi động đàm phán về Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) để tăng cường hợp tác quân sự. Nếu mọi việc hanh thông, suôn sẻ, Tokyo sẽ được phép triển khai quân, tiếp cận các căn cứ quân sự và vận chuyển thiết bị cho Philippines.

Nhật Bản từng viện trợ cho Philippines tàu tuần tra đóng mới, dài 15m

Chữ “nếu” đặt ra ở đây chỉ là một cách nói thận trọng thôi. Còn trong thực tế dư luận, hiếm có người nghĩ về một cái kết tiêu cực. Nói cách khác, kiểu gì RAA cũng sẽ đạt được giữa hai quốc gia không chỉ cùng là đồng minh quan trọng của Mỹ, mà còn cùng có một đối thủ chung là Trung Quốc, cho dù không nói ra lời.

Vậy, RAA là gì? Theo giới phân tích chính trị quốc tế, RAA có thể hiểu từa tựa như Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) ký với với Manila năm 1998. Nếu RAA đạt được, cũng như Mỹ, Nhật Bản sẽ được phép triển khai quân, tiếp cận các căn cứ quân sự và vận chuyển thiết bị cho Philippines. Nhiều người nhấn mạnh một thực tế: tới nay, chỉ Mỹ mới được hưởng quy chế như vậy với Philippines (và với Mỹ, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng), nhằm khẳng định ý nghĩa của RAA một khi nó thành sự thật.

Trở lại câu chuyện đối thủ. Trung Quốc hiện thời có thể coi là đối thủ của cả Nhật Bản và Philippines. Với Nhật Bản, Bắc Kinh thành đối thủ do những nguyên nhân cả trong lịch sử và hiện đại.

Nguyên nhân lịch sử, đó là tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo về chủ quyền đối với quần đảo có tên là Senkaku/Điếu Ngư – theo cách gọi là của người Nhật và người Trung Quốc. Hiện thời, Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát. Nhưng càng về gần đây, phía Trung Quốc càng như làm căng thẳng hơn, quyết đoán hơn việc đòi chủ quyền đối với quần đảo mà họ cho là của mình. Đấu khẩu chưa đủ, cả hai bên thi thoảng lại chạm nhau trên thực địa với việc cho các tàu tuần tra đến khu vực tranh chấp này. Tình trạng diễn ra nhiều khi y như trên Biển Đông. Hai bên cũng gườm nhau, cũng chạy cắt mặt, cũng khẩu chiến, đe nẹt, cáo buộc…

Trong chiều ngược lại, người Trung Quốc cũng chưa thể gác lại nỗi hờn căm về tội ác quân đội Thiên hoàng gây ra, trong đó có vụ “Thảm sát Nam Kinh” hồi chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945). Chính sự kiện đẫm máu đó là nguyên nhân khiến quân đội của Mao Trạch Đông và quân đội của Tưởng Giới Thạch cay cú, thù địch nhau tới thế mà cũng gác lại thù riêng thực hiện “Quốc-Cộng hợp tác”, tạm thời đứng chung chiến hào chống Nhật.

Thời hiện đại, việc một Trung Quốc vươn vai, trong vài chục năm soán ngôi của Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là cú giáng mạnh, gây tổn thương lớn cho niềm tự hào của “đất nước mặt trời mọc” – một mỹ từ thiên hạ dành cho Nhật Bản. Thậm chí, có thể nói, nó góp phần kích động và nuôi dưỡng bền bỉ tâm lý “bài Hoa” trong không ít người dân xứ sở này.

Còn Philippines? Đảo quốc nơi đầu sóng luôn phải hứng chịu trước nhất những cơn bão hình thành trên Biển Đông này, bỗng trở thành “quốc gia đầu sóng” trước những hành động quấy nhiễu, gây hấn nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.

Không kể quả đắng bị mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc năm 2012 – sự kiện ví như “giọt nước tràn ly” dẫn đến vụ kiện Biển Đông vô tiền khoáng hậu của Philippines với Trung Quốc – các vụ gây hấn ngang ngược của Bắc Kinh như: dùng tàu hải cảnh “chiếu lase quân sự” vào một tàu của của Philippines; thường xuyên ngăn cản, dùng tàu hải cảnh “xịt vòi rồng” chặn đường tàu tiếp tế Philippines ở bãi Cỏ Mây; “hàng rào nổi” ngăn cản ngư dân Philippines vào đánh bắt trong khu vực bãi cạn Scaboroughl… đã khiến tâm lý “bài Hoa” vốn âm ỉ trong người dân Philippines luôn sẵn sàng bùng nổ. Một khi điều đó xảy ra, chẳng ai dám chắc sẽ không dẫn đến các vụ việc căng thẳng như vụ đốt cờ Trung Quốc ở Manila khi tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 6/2019 và bỏ mặc khiến 22 người Philippines suýt mất mạng – sự kiện thường được gọi là “vụ Cỏ Rong”, vì xảy ra ở khu vực bãi cạn này.

Nên nhớ rằng, quá 2/3 nhiệm kỳ, tổng thống Philippines là ông Duterte từng chủ trương theo đuổi đường lối đối ngoại “thân” Trung Quốc. Tới mức, vì nó, có trường hợp, ông Duterte đã lảng tránh sự thật để ông Tập Cận Bình và Bắc Kinh không mếch lòng. Như vụ “Cỏ Rong” nêu trên chẳng hạn, biết là nghiêm trọng, ông Duterte vẫn lạnh lùng diễn ngôn thành “sự cố hàng hải”; chính cái sự lạnh lùng, vô cảm đó đã thành mồi lửa kích động sự nóng giận của người dân Philippines…

Tất cả những điều trên nói lên điều gì?

Nói lên rằng lịch sử cũng như bối cảnh hiện thời hóa ra thành tác nhân khách quan cho sự xích lại gần nhau giữa Nhật Bản và Philippines. Tới mức, Trung Quốc càng gây hấn, càng tỏ ra nguy hiểm và liều lĩnh, hai ông bạn đồng minh của Mỹ là Nhật bản và Philippines càng như muốn tiến nhanh, tiến gần và nắm chặt tay nhau hơn.

Với suy đoán đó, nhiều người cho rằng, cùng với đạt được thỏa thuận đối tác của nhau trong Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA), ngay sau đó, Philippines nhận được từ Nhật Bản Hệ thống radar giám sát tầm xa trị giá 600 triệu yen, khởi động đàm phán về RAA rất có thể chưa phải là cái sự kiện cuối cùng – điều mà Bắc Kinh không những khó chịu mà còn lo lắng.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới