Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Chảo lửa" Trung Đông căng như dây đàn

“Chảo lửa” Trung Đông căng như dây đàn

Việc Mỹ liên tiếp triển khai binh sĩ và khí tài tới Trung Đông đã làm dấy lên khả năng can dự của Washington vào cuộc xung đột đang leo thang giữa Israel và Hamas.

Trong những tuần qua, tàu hải quân Mỹ chặn tên lửa do lực lượng Houthi phóng ở Yemen. Các căn cứ của Mỹ ở Syria bị tấn công dồn dập. Ở Iraq, máy bay không người lái và tên lửa đã bắn vào lực lượng Mỹ.

Dải Gaza có thể là nơi chứng kiến cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, nhưng trên khắp Trung Đông, “đèn cảnh báo về những rắc rối sắp xảy ra đang nhấp nháy màu đỏ”, nhà phân tích Ben Wedeman của CNN nhận định.

Mỹ cho rằng tình trạng gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào căn cứ Mỹ ở Trung Đông là do các lực lượng được Iran hậu thuẫn tiến hành. Washington ngay lập tức có động thái đáp trả, khi tiến hành các cuộc tấn công vào Syria, nhằm vào những vị trí mà Lầu Năm Góc cho rằng có liên quan đến Iran.

Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết họ đã ghi nhận ít nhất 46 vụ tấn công vào lực lượng Mỹ và đồng minh kể từ ngày 17/10. Kể từ đó đến nay, ít nhất 56 binh sĩ Mỹ bị thương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 31/10 đã cảnh báo các bên ngừng tấn công vào lực lượng Mỹ được triển khai ở Trung Đông. Ông cho rằng các cuộc tấn công này được thực hiện với sự hỗ trợ của Iran, đồng thời tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ có biện pháp đáp trả nếu những cuộc tấn công này vẫn tiếp diễn.

Lầu Năm Góc thông báo, theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, lực lượng quân sự Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công vào hai cơ sở ở miền đông Syria, nơi được cho là do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm liên kết sử dụng, vào cuối ngày 26/10.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thêm, Tổng thống Biden đã chỉ đạo hành động “để làm rõ rằng Mỹ sẽ không tha thứ cho những cuộc tấn công như vậy”, đồng thời sẽ bảo vệ người dân cũng như lợi ích của Mỹ.

Bộ trưởng Austin thừa nhận nguy cơ lực lượng Mỹ tại Trung Đông bị tấn công gia tăng sau khi Lầu Năm Góc điều thêm binh sĩ và khí tài tới “chảo lửa” này. Ông tuyên bố Mỹ “sẽ làm mọi điều cần thiết để đảm bảo quân đội Mỹ được bảo vệ tốt và có khả năng ứng phó với mọi tình huống”.

Mỹ ngày 21/10 tuyên bố triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa tới Trung Đông, bao gồm Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) và các tiểu đoàn phòng không Patriot, nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực.

Lầu Năm Góc cũng xác nhận Mỹ đã chuẩn bị khoảng 2.000 binh sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng cao độ, chờ lệnh triển khai tới khu vực làm nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đang có mặt trong khu vực. Tuần trước, một phi đội F-16 của Mỹ đã đến khu vực, bổ sung cho các phi đội máy bay chiến đấu khác đã được triển khai tại khu vực này. Có thể nói, kể từ sau các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Mỹ chưa từng triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn như vậy tại khu vực.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Pat Ryder cho biết, Mỹ sẽ gửi thêm 300 binh sĩ tới khu vực hoạt động thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm, bao gồm Trung Đông và một phần châu Phi, sau cuộc xung đột hiện tại giữa Israel và Hamas. Ông Ryder nói rằng những đội quân bổ sung này “sẽ cung cấp năng lực, xử lý vật liệu nổ, thông tin liên lạc và các phương tiện hỗ trợ khác cho các lực lượng đã hiện diện trong khu vực”.
Phản ứng thận trọng của Mỹ

Theo giới phân tích, Washington có sẵn hỏa lực khổng lồ ở khu vực Trung Đông, nhưng phản ứng quân sự của Mỹ nhằm đáp trả các cuộc tấn công vào căn cứ của nước này cho đến nay vẫn chỉ giới hạn ở đòn tập kích mà Lầu Năm Góc khẳng định không gây thương vong. Phản ứng này được cho là nằm trong nỗ lực tiềm tàng của Mỹ nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột có nguy cơ lan rộng hơn.

“Chúng tôi lo ngại rằng, tất cả thành phần trong mạng lưới đe dọa của Iran đang gia tăng các cuộc tấn công theo hướng có nguy cơ tính toán sai lầm hoặc đẩy khu vực vào chiến tranh”, AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm 30/10.

“Tất cả đều sẽ thua trong một cuộc chiến tranh khu vực, đó là lý do chúng tôi đang làm việc thông qua các đối tác, với các đồng minh nhằm thể hiện rõ mong muốn của chúng tôi về việc ngăn chặn xung đột lan ra toàn khu vực”, quan chức Mỹ cho biết thêm.

Mỹ tuyên bố các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân sự nước này ở Trung Đông tách biệt với cuộc xung đột Israel – Hamas đang diễn ra. Đầu tháng này, nhóm chiến binh Hamas đã mở cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có vào Israel khiến hàng nghìn người thiệt mạng và đẩy Dải Gaza rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Tuy nhiên, Iran hôm 31/10 tuyên bố các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ là kết quả của “những chính sách sai lầm của Mỹ”, bao gồm việc hỗ trợ Israel.
Hiện có khoảng 2.500 lính Mỹ đóng quân ở Iraq và khoảng 900 người ở Syria. Các lực lượng này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm từng chiếm giữ những vùng lãnh thổ quan trọng ở cả Iraq và Syria.

Cho đến nay, thiệt hại từ các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria vẫn ở mức hạn chế, trong đó 21 quân nhân Mỹ bị thương nhẹ và một nhà thầu thiệt mạng vì bệnh tim trong lúc đang trú ẩn khi có báo động giả. Tuy vậy, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới, khi cuộc xung đột Israel – Hamas nóng lên từng ngày.

“Có nguy cơ đáng kể về sự leo thang Mỹ – Iran do sự lan tỏa từ cuộc chiến Israel – Hamas theo chỉ đạo của Iran hoặc do các lực lượng ủy nhiệm của họ tự quyết định”, Jeffrey Martini, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND, cho biết.

Iran được cho là có lực lượng ủy nhiệm ở cả Iraq và Syria. Các lực lượng này đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào quân đội Mỹ trước đây.

Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng tình hình hiện tại khác với các cuộc tấn công trước đây vì “tất cả lực lượng ủy nhiệm của Iran dường như đang hành động cùng lúc”, làm gia tăng “khả năng xảy ra điều gì đó sai hướng”.

Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng họ muốn giữ cho cuộc chiến Israel – Hamas không trở thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn và Washington đã tăng cường lực lượng trong khu vực, bao gồm việc triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới Địa Trung Hải, trong nỗ lực thể hiện khả năng răn đe.

“Washington đang tìm cách kiềm chế, nhưng đồng thời thể hiện rõ rằng họ không cần phải làm vậy”, chuyên gia Alterman nói về phản ứng của Mỹ trước các cuộc tấn công vào quân đội nước này tại Trung Đông, đồng thời lưu ý rằng việc răn đe “đòi hỏi cả khả năng cũng như việc sẵn sàng gây ra nhiều thiệt hại hơn, mặc dù có thể quyết định không hành động”.

“Từ góc nhìn của Mỹ, thách thức đặt ra là nếu bạn không bao giờ gây ra thiệt hại, đối thủ sẽ nghi ngờ khả năng sẵn sàng của bạn, nhưng nếu bạn gây ra thiệt hại, bạn có thể bị mắc kẹt trong vòng xoáy leo thang”, chuyên gia Alterman nhận định.
Khả năng can dự trực tiếp?

Mỹ đang vận chuyển một lượng lớn đạn dược và khí tài quân sự để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Israel. Theo nhà phân tích Wedeman, Mỹ đang tiến gần hơn đến khả năng phải can dự trực tiếp vào một cuộc xung đột khu vực ở Trung Đông.

Chuyên gia chỉ ra rằng, các chiến dịch trước đây của Mỹ ở vùng Vịnh và Iraq vào năm 1991 và 2003 đều được lên kế hoạch và chuẩn bị trước nhiều tháng. Sau đó, Mỹ và các đồng minh xác định thời gian, địa điểm và quy mô tấn công.

“Còn ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang phải chật vật ứng phó với các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của họ”, ông Wedeman nhận định.

Trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ dễ bị tổn thương của quân đội Mỹ trên khắp Trung Đông ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Mỹ duy trì lực lượng quân sự ở đông bắc và đông nam Syria, nơi quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hezbollah đều đang hoạt động, ngoài ra còn có “tàn tích” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Israel thường xuyên ném bom các mục tiêu ở Syria, gần đây nhất được cho là nhằm vào các sân bay ở Aleppo và Damascus, với mục đích ngăn chặn Iran vận chuyển vũ khí và đạn dược.

Mỹ cũng có sự hiện diện quân sự ở Iraq, nơi có hàng loạt lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn được trang bị vũ khí mạnh và thiện chiến, hoạt động phần lớn độc lập với chính phủ ở Baghdad.

Một nhân tố đáng chú ý nữa là Iran. Bất chấp các lệnh trừng phạt hà khắc do Mỹ áp đặt trong nhiều thập niên, Iran đã thành công trong việc phát triển một loạt vũ khí tinh vi. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã tích lũy kinh nghiệm chiến đấu ở Syria và Iraq. Mỹ cho rằng Iran đã cung cấp vũ khí và huấn luyện cho nhiều nhóm đối đầu với Mỹ trong khu vực, bao gồm Houthis ở Yemen, Hezbollah ở Li Băng, Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo ở Gaza.

Mỹ có thể phải tốn hàng nghìn USD để đưa một binh sĩ hoặc lính thủy đánh bộ từ Mỹ đến Trung Đông, trong khi việc đưa một chiến binh của Iran đến Baghdad, Damascus hoặc Beirut chỉ mất một chuyến xe buýt. Mỹ có thể sở hữu lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, nhưng những bài học của Mỹ trong các trận chiến trước đây như ở Afghanistan cho thấy, Washington không dễ dàng chiến thắng đối thủ.
Trong các chuyến thăm Beirut, Damascus, Baghdad và Doha gần đây, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian liên tục cảnh báo nếu Israel tiếp tục tấn công vào Gaza, không thể loại trừ khả năng mở ra các mặt trận mới.

Mỹ còn gặp thách thức từ chính các nước trong khu vực nếu can dự vào cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Khi cuộc chiến ở Gaza bùng phát, Trung Đông trở nên sôi sục giận dữ. Ở Jordan, Lebanon, Libya, Yemen, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Ai Cập và các nơi khác, các cuộc biểu tình đã bùng phát nhằm phản đối Israel, nhưng phần lớn cơn thịnh nộ cũng nhắm vào Mỹ, nước ủng hộ Israel mạnh mẽ, kiên trì và hào phóng nhất.

Vua Abdullah của Jordan, đối tác Ả Rập chặt chẽ nhất của Washington, đã hủy cuộc gặp thượng đỉnh được lên kế hoạch từ trước với Tổng thống Mỹ Joe Biden sau vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các quan chức Palestine cáo buộc Israel tấn công bệnh viện, song Israel phủ nhận điều này.

Trong cuộc gặp ở Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Vua Abdullah đã đưa ra tuyên bố chung, cảnh báo “nếu chiến tranh không dừng lại và mở rộng, nó có nguy cơ đẩy toàn bộ khu vực vào thảm họa”.

Việc thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Israel có thể giúp ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực, trong đó có khả năng nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Li Băng mở mặt trận thứ hai nhắm vào Israel. Tuy nhiên, điều này cũng có thể kích động làn sóng chống Mỹ ở Trung Đông khi các nước láng giềng chứng kiến thương vong và sự tàn phá do lực lượng Israel gây ra ở Gaza.

Theo chuyên gia Michael Hanna của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, mối quan hệ chặt chẽ và sâu rộng giữa Mỹ và Israel khiến Mỹ “khó có thể tách khỏi các hoạt động quân sự của Israel dưới bất kỳ hình thức nào”.

“Tất cả mọi thứ hiện đã sẵn sàng để cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên giữa Israel và Palestine bùng nổ thành một thảm họa khu vực. Và Mỹ có thể bị cuốn vào cuộc xung đột này”, nhà phân tích Wedeman cảnh báo.
Mỹ có thể can dự thế nào?

Cựu đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren nói với Forward rằng, nếu hỏi liệu Tổng thống Biden có “bật đèn xanh” khai hỏa khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông hay không, câu trả lời của ông sẽ là “có”.

Theo ông Oren, thực tế cho thấy, Mỹ đã “bật đèn xanh”. Tàu khu trục USS Carney của Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ ngày 19/10 đã bắn hạ 3 tên lửa hành trình và khoảng 8 máy bay không người lái mà Lầu Năm Góc cho rằng nhắm tới các mục tiêu ở Israel. Mỹ cho biết các tên lửa và máy bay không người lái này được phóng bởi lực lượng Houthis do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Đây có thể coi là “phát súng mở màn” của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Oren cho rằng, việc can dự sâu hơn vào cuộc xung đột tại Trung Đông “chắc chắn không phải là mục tiêu của Mỹ”.

“Ngược lại, các hãng tin ở Israel và Mỹ đưa tin, Nhà Trắng đang gây áp lực buộc Israel phải kiềm chế tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Hezbollah và trì hoãn chiến dịch trên bộ của Lực lượng Phòng vệ Israel ở Gaza”, ông Oren cho biết.

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ nói rằng xung đột có khả năng leo thang, nhưng phản ứng của Washington trong khu vực cho đến nay vẫn được tính toán kỹ lưỡng.
Ngay từ khi xung đột Israel – Hamas bùng phát, Mỹ đã tuyên bố không có ý định triển khai quân tham chiến ở Israel. Mỹ đã cử một số chuyên gia tới Israel, nhưng chỉ có vai trò tham vấn cho Israel về cách giải thoát các con tin bị Hamas bắt giữ, đồng thời chia sẻ thông tin tình báo với Israel.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ được cho là đã thuyết phục Israel trì hoãn chiến dịch đổ bộ vào Dải Gaza, đồng thời Tổng thống Joe Biden cũng khuyên Israel không nên mù quáng vì cơn thịnh nộ và phạm các sai lầm như sau vụ khủng bố 11/9.

“Dù khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn phải tiếp tục theo đuổi hòa bình, chúng ta phải tiếp tục theo đuổi con đường để người dân Israel và Palestine đều có thể sống an toàn trong an ninh, phẩm giá và hòa bình. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là giải pháp hai nhà nước”, ông Biden nói trước khi rời Tel Aviv.

Shibley Telhami, giáo sư về hòa bình và phát triển tại Đại học Maryland, nhận định cả Mỹ và Iran dường như không muốn xảy ra một cuộc đối đầu quân sự rộng lớn hơn. “Tuy nhiên, tất cả họ đều có thể bị kéo vào chuyện này bởi một số tính toán sai lầm hoặc sự mở rộng quy mô lớn của cuộc chiến ở Gaza”, chuyên gia Telhami cho biết.

Mặc dù việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Israel là điều hiển nhiên, nhưng việc Washington sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông, đặc biệt là trong năm bầu cử, vẫn còn là vấn đề để ngỏ. Những lần can thiệp quân sự trước đây của Mỹ đều gây tổn thất về mặt chính trị, kinh tế và nhân đạo.

Tổng thống Joe Biden cũng phải đối mặt với “tối hậu thư” khi những người Mỹ theo đạo Hồi và một số nhà hoạt động của đảng Dân chủ cho biết, họ sẽ nỗ lực huy động hàng triệu cử tri Hồi giáo từ chối quyên góp và bỏ phiếu cho chiến dịch tái tranh cử của ông Biden vào năm 2024, nếu ông không thực hiện các bước ngay lập tức để đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza. Nhà Trắng cho đến nay vẫn phản đối lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, nói rằng lệnh này sẽ chỉ có lợi cho Hamas.

Cựu đại sứ Michael Oren cho rằng sự hiện diện của các tàu sân bay Mỹ trong khu vực báo hiệu sự sẵn sàng của Washington trong việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, Seth G. Jones, một chuyên gia an ninh, tin rằng việc can dự quân sự trực tiếp, đặc biệt là ở Gaza, sẽ là “phương án cuối cùng của Mỹ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới