Thursday, January 23, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiQuá khó khăn, hàng quán thi nhau đóng cửa, cho thuê lại...

Quá khó khăn, hàng quán thi nhau đóng cửa, cho thuê lại mặt bằng

Ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, hậu quả sau dịch Covid-19 kéo dài, những con phố từng sầm uất, tấp nập giờ lại đầy rẫy những biển hiệu cho thuê, rao bán.

Những cửa hàng nằm trên các con phố sầm uất “đắt khách” thuê trước đây giờ đồng loạt trong tình trạng đóng cửa

Biển quảng cáo cho thuê “mọc” khắp nơi

Ghi nhận của phóng viên ở nhiều tuyến phố Hà Nội , nhiều biển hiệu cho thuê lại mặt bằng kinh doanh treo nhan nhản. Thậm chí, những tuyến phố được xem là sầm uất, nơi “đẻ trứng vàng” của Thủ đô cũng không thoát khỏi tình trạng tương tự.

Là khu vực có giá thuê mặt bằng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội thế nhưng nhiều chủ nhà trên các tuyến phố cổ như Hàng Bông, Cầu Gỗ, Mã Mây… cũng đang phải “dài cổ” chờ đợi, treo biển tìm người thuê.

Hay dọc các con phố nổi tiếng về các mặt hàng thời trang, ăn uống như Cầu Giấy, Trần Thái Tông, Chùa Bộc… cũng treo biển cho thuê nhiều tháng nay.

Vừa sang nhượng xong quán cà phê do mình góp vốn chung, chị Trương Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chấp nhận sang nhượng để vớt vát số vốn đã đầu tư.

Chị Trương Trang cho biết: “Quán cà phê tôi mở được gần 1 năm, nửa năm đầu lượng khách ổn định. Cứ nghĩ chỉ cần 2 năm sẽ thu hồi được số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nửa năm trở lại đây, lượng khách ngày càng thưa thớt. Không riêng quán tôi, một số quán của bạn bè tôi cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Giá mặt bằng thuê quá lớn, cùng với các khoản chi phí khác ngày càng độn lên khiến tôi không thể gồng gánh thêm. Cuối cùng tôi bắt buộc sang nhượng quán trong sự tiếc nuối” .

Anh Lê Hoan (một môi giới bất động sản tại Hà Nội) cho biết, hiện nay sức mua giảm sút, chi phí mặt bằng ngốn hết lợi nhuận nên không ít doanh nghiệp phải ‘tháo chạy’ khỏi các mặt bằng cho thuê. Điều này dẫn tới sự thay đổi về mô hình sản xuất kinh doanh của nhiều cửa hàng lớn.

“Hiện nay, thị trường buôn bán online trên các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng. Nếu trước đây, các chủ kinh doanh thường tập trung vào các tuyến đường chính thì bây giờ họ có xu hướng rút lui về những mặt bằng vùng ven hoặc trong hẻm để tiết kiệm chi phí” – anh Hoan cho hay.

Cho thuê ế ẩm, giá bán vẫn cao ngất ngưởng

Mặc dù tình trạng cho thuê mặt bằng tràn lan, ế ẩm trên các tuyến phố, nhưng theo anh Hoan, giá cho thuê, giá bán mặt bằng kinh doanh không những hạ nhiệt mà còn cao ngất ngưởng.

Nguyên nhân được cho là giá cho thuê trong thời điểm hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2019 – trước đại dịch Covid-19. Do đó nhiều chủ nhà vẫn đang kỳ vọng và muốn tăng giá thuê, dẫn tới sự lệch pha trong kỳ vọng của chủ nhà và kế hoạch kinh doanh của những người đi thuê.

Khảo sát qua một số trang mua bán bất động sản cho thấy, giá nhà tại các tuyến phố như Hàng Bạc, Hàng Bông, Đinh Liệt, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… thuộc khu phố cổ đang được rao bán dao động 700-900 triệu đồng/m2.

Cá biệt giá nhà một số tuyến phố như Lý Thái Tổ, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng, xuất hiện những căn nhà phố đang có mức giá rao bán 2- 2,5 tỷ đồng/m2.

Hay những căn nhà mặt phố Thái Hà, Hoàng Cầu, Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch… được rao bán dao động 430-825 triệu đồng/m2. Một căn nhà có diện tích 40m2 ở phố Thái Hà đang được bán với mức giá 33 tỷ đồng, tương đương 825 triệu đồng/m2.

Cụ thể, tại khu vực Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), một căn nhà mặt phố đang được rao bán với giá 17,5 tỉ đồng, tương đương 309,74 triệu đồng/m2. Theo lời của môi giới, mức giá hiện tại đang được ưu đãi, chủ nhà đang muốn bán nhanh để cắt lỗ. Nhà thiết kế thông sàn, có 2 mặt tiền, 1 mặt tiền ngã tư 3,87m, 1 mặt ngõ ôtô vào nhà.

Không chỉ tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động thị trường bất động sản tăng trưởng âm (giảm 11,58%) so với cùng kỳ, tính riêng quý I giảm 16,2% trong khi doanh thu từ bất động sản giảm 8,3% so với cùng kỳ.

Viện Nghiên cứu kinh tế – tài chính – bất động sản Đất Xanh Services nhận định, thị trường bất động sản trong quý III/2023 và 9 tháng năm 2023 chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2023 vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn cung sơ cấp (từ chủ đầu tư) đạt khoảng 38.000 sản phẩm, trong đó 90% đến từ các dự án hiện hữu (hàng tồn), chỉ 10% là nguồn cung mới.

Batdongsan.com.vn cũng nhận định, lượng tin rao bán nhà đất và mức độ quan tâm năm 2023 đều tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, với loại hình đất nền, mức độ quan tâm tìm kiếm cũng như số lượng giao dịch giảm mạnh.

Còn thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra, 5 tháng đầu năm 2023, 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tiến trình phục hồi thị trường bất động sản Việt Nam quý III/2023 và dự báo tình hình thị trường quý IV/2023 của VARS nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi.

Bởi lẽ, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2023. Lãi suất vay ngân hàng có sự điều chỉnh giảm rõ rệt, dao động từ 6,7% đến 10%, tiệm cận về mức đầu năm 2022, giảm từ 0,4% đến 3,5% so với cuối quý 2/2023. Đây là mức lãi suất thuận lợi cho người mua nhà. Mua nhà để ở trong giai đoạn này sẽ tận dụng được tối ưu những lợi thế về tín dụng và mặt bằng giá cả.

Đồng thời, kết quả khảo sát gần đây của VARS với các hội viên là những nhà môi giới bất động sản đang hoạt động cho thấy, có khoảng 60% số người được hỏi cho biết khách hàng đã tham gia thị trường bất động sản trước đó sẽ đầu tư bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới