Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGấu trúc “tái xuất”

Gấu trúc “tái xuất”

Một lần nữa, gấu trúc được kỳ vọng thành con tàu phá “băng ngoại giao” giữa hai cường quốc hàng đầu Mỹ và Trung Quốc.

Gấu trúc Ya Ya tiều tụy khi ở Sở thú Memphis – Mỹ, đầu năm 2023.

Chuyện bắt đầu từ gợi ý của ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc – khi tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á–Thái Bình Dương (APEC) 2023 đang diễn ra tại San Francisco (Mỹ). Trong một bài phát biểu, nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc đã nói rằng: “Tôi được biết Sở thú San Diego và người dân California rất mong chờ gấu trúc quay lại. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ trong việc bảo tồn gấu trúc, đồng thời đáp ứng mong muốn của người dân California nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước”.

Nhận định về lời phát biểu trên, một số người cho rằng, tới thời điểm này, chẳng mình Washington, Bắc Kinh cũng đang sốt ruột làm thế nào để cải thiện mối quan hệ với Mỹ vốn đã xấu tới mức không thể xấu hơn hiện thời.

Gấu trúc, ai cũng biết, là loài động vật quý, hiếm, được coi là “quốc bảo”, cũng là một trong những biểu tượng của văn hóa Trung Hoa. Hình ảnh gấu trúc in nhan nhản trên các sản phẩm hàng hóa Trung Quốc xuất đi khắp thế giới. Thế vận hội Olympic mùa Đông 2022 – sự kiện thể thao hoành tráng do Trung Quốc đăng cai, gấu Trúc “Băng Đôn Đôn” (tiếng Anh là Bing Dwen Dwen), được chọn làm linh vật.

Về mặt ngoại giao, gần như ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Bắc Kinh đã coi gấu trúc như biểu tượng của tình bạn. Họ tặng gấu trúc cho các quốc gia trong những dịp đặc biệt, với hàm ý thân thiện, hữu nghị và hợp tác. Thuật ngữ “ngoại giao gấu trúc” xuất hiện cũng vì lẽ đó.

Liên quan ứng xử biểu tượng này, người ta hay nhắc tới sự kiện Bắc Kinh tặng Moscow một cá thể gấu trúc mang tên Ping Ping để cảm ơn việc Liên Xô là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Với Mỹ, “ngoại giao gấu trúc” còn tỏ ra hiệu quả hơn. Bằng chứng là tháng 1/1972, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tặng Tổng thống Mỹ Richard Nixon cặp gấu trúc, khi ông chủ Nhà trắng có chuyến công du lịch sử tới Bắc Kinh sau thời gian dài hậm hực vì bị Trung Quốc thóa mạ đủ điều, lại còn ví như “hổ giấy”. Không ngoa: cặp gấu trúc đã góp phần mở ra một chương mới trong quan hệ Trung – Mỹ. Chỉ hai tháng sau sự kiện đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiện diện ở Washington – một điều trước đó, người mơ mộng đến mấy cũng khó có thể tưởng tượng.

Mỹ không phải là trường hợp độc nhất. Cùng với Mỹ, Trung Quốc còn dùng những chú gấu trúc để “kết thân” với nhiều quốc gia khác, như Pháp, Đức, Anh, Tây ban nha, Canada…

Sau cặp gấu trúc đầu tiên tới Mỹ năm 1972, Bắc Kinh còn gửi tới Mỹ một số chú gấu trúc với hình thức tặng, sau này là cho mượn (do số lượng cá thể gấu trúc giảm mạnh, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng).

Tuy nhiên, số phận những chú gấu trúc trên đất Mỹ vẻ như không được hanh thông như những nơi khác. Đầu năm 2023 này, cá thể gấu trúc có tên là Le Le, được đưa tới Mỹ 20 năm trước, theo hình thức cho mượn, đã qua đời tại Sở thú Memphis. Sự việc khiến nhiều người Trung Quốc bức xúc. Chuyện càng nghiêm trọng hơn, đẩy bức xúc của dư luận Trung Quốc thành phẫn nộ, khi ngay sau đó, cá thể gấu trúc tên là Ya Ya, cũng tới Mỹ cùng chuyến với cá thể Le Le, bị giới truyền thông tung hình ảnh gầy gò, xơ xác, trái ngược với vẻ ngoài mũm mĩm cùng bộ lông dày mượt ban đầu.

Nhiều người Trung Quốc hô hoán rằng: Gấu trúc Trung Quốc bị Sở thú Memphis “ngược đãi”. Một số người thậm chí kích động: “Ngược đãi” gấu trúc là chủ trương của người Mỹ. Đây là đòn đánh bồi, cùng với những đòn thương mại, công nghệ mà Washington đang cấp tập nhằm vào Trung Quốc một cách thù địch.

Trong khi dư luận sôi sục, tờ Thời báo Hoàn cầu – ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo – cơ quan của Đảng CSTQ – còn “mang xăng dập lửa” qua việc tô đậm thông tin “nhóm chuyên gia Trung Quốc đã được cử tới Mỹ tìm hiểu nguyên nhân Le Le chết và kiểm tra tình trạng sức khỏe của Ya Ya…”. Tới tháng 4, cá thể gấu trúc Ya Ya lên chuyến bay trở về Trung Quốc cùng với xác Le Le, kết thúc hợp đồng cho mượn 20 năm giữa Trung Quốc với Mỹ. Một số người vin vào sự kiện tang thương đó để so sánh, ví von về sự thê thảm mối bang giao giữa hai siêu cường.

Ngỡ sau vụ việc này, “ngoại giao gấu trúc” sẽ là ngôn từ quên lãng, không bao giờ có cơ hội trở lại với cả Bắc Kinh và Washington. Thì bất ngờ, trong chuyến công du quan trọng tham dự APEC 2023, ông Tập Cận Bình bỗng chủ động lục lại con bài cũ mà ông Mao Trạch Đông từng sử dụng thành công để lấp đầy cái hố sâu thăm thẳm bang giao Mỹ – Trung từng tồn tại dằng dặc thời gian trước đó.

Câu hỏi đặt ra là: có cơ hội tái xuất, những chú gấu trúc liệu có gánh vác nổi sứ mệnh lớn lao làm ấm lại mối bang giao Trung – Mỹ hay không?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới