Thursday, December 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửThành cổ Long Biên

Thành cổ Long Biên

Dựa trên các thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc cùng các khảo cứu thực địa, hầu hết các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam đều xác định Luy Lâu (Liên Lâu) và Long Biên là hai huyện lớn thuộc Quận Giao Chỉ (sau đổi là Giao Châu) trong thời kỳ Bắc thuộc. Trị sở của quận Giao Chỉ từng thay nhau đóng ở hai huyện này, mãi tới nửa đầu thế kỷ IX, mới chuyển về Tống Bình, Đại La (tức Thăng Long – Hà Nội sau này).

Đền thờ thái thú Sĩ Nhiếp trong khu thành cổ Luy Lâu, nay thuộc thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Phòng Văn Hóa và Thông Tin huyện Thuận Thành.

Trong khi thành Luy Lâu không những được ghi chép rõ trong thư tịch cổ mà còn được khẳng định bằng các di tích khảo cổ học, thì thông tin và chứng tích về thành Long Biên lại rất hiếm hoi; thậm chí còn có quan điểm cho rằng Luy Lâu và Long Biên là một. Nhiều giả thuyết cũng được đưa ra về vị trí chính xác của thành cổ Long Biên, tuy nhiên đều thống nhất ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới độc giả bài viết của tác giả Đặng Văn Lung đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 160 tháng 2/1975, với nhiều thông tin tham khảo giá trị về thành cổ Long Biên.

Trong ký ức của bất kỳ một ai có quan tâm đến lịch sử nước nhà thì đều nhớ đến một trung tâm cũ của nước ta là Long Biên. Nhưng cái địa điểm quan trọng ấy, cái nơi góp phần làm nên lịch sử văn hiến nước ta ấy, bây giờ là đâu? Từ khi “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi chép nhầm Long Biên là thành Đông Quan, Hà Nội thì nhiều người yên tâm như vậy. Đầu thế kỷ này, Madrolle[1] nghiên cứu “Bắc kỳ thời cổ” qua thư tịch Trung Quốc thì ông phát hiện ra sự vô lý ấy. Ý kiến này được nhiều nhà sử học nước ta công nhận, và việc đi tìm Long Biên đang làm cho nhiều người quan tâm. Đối với chúng ta, việc tìm ra ngôi thành cổ này sẽ góp phần thiết thực vào việc tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu nền văn hiến nước ta ở một giai đoạn khá xa xưa, nó còn góp phần làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử cũ chưa minh giải được.

Trước hết dựa vào thư tịch Trung Quốc và nước ta, kết hợp với các tài liệu văn học dân gian như thần tích, thần phả, thơ ca, vè… chúng tôi xin tóm lược mấy nét về ngôi thành này.

Từ thời Hán (111 trước công lịch), Long Biên là một bộ phận thuộc quận Giao Chỉ. Quân trị lúc này là ở Phiên Ngung. Long Biên chỉ là một đồn trại nhỏ.

Đời Quang Vũ Đế nhà Hậu Hán, Tô Định làm thái thú Giao Châu. Hắn tham tàn bạo ngược quá đỗi, lòng người oán giận. Năm thứ 16 Kiến Vũ (tức 40 công lịch), Hai Bà Trưng đã “ầm ầm binh mã tới thành Long Biên”, đuổi Tô Định thu 65 thành, tự lập làm Vương đóng ở Mê Linh.

Năm 128 đời Thuận Đế, Chu Xưởng được làm thái thú Giao Chỉ. Năm 136, Chu Xưởng xin đổi Giao Chỉ thành Giao Châu. Triều đình không cho nhưng thăng Xưởng làm thứ sử. Năm 141 Xưởng dời thủ phủ từ Luy Lâu sang Long Biên. Xưởng đã tu bổ và mở rộng thành trại cũ thành một nơi đẹp đẽ, sơn thủy hữu tình, trên bến dưới thuyền, đi lại thảnh thơi.

187 Sĩ Nhiếp lại dời thủ phủ về Luy Lâu.

Sau đó, không rõ năm nào, nhà Ngô lại dời thủ phủ Giao Chỉ trở lại Long Biên.

Năm thứ 3 hiệu Thái Thụy (267) đời Tấn Vũ Đế, Đào Hoàng chuyển Long Biên đi 14 dặm về phía tây xây dựng một thủ phủ mới nhưng vẫn gọi là Long Biên vì nó vẫn nằm trong vùng đất Long Biên.

306, nhà Ngô lại chuyển Long Biên đi 10 dặm nữa về phía Tây. Madrolle chép là Lư Tuấn chuyển. Nhưng xem qua một số bộ sử thì không có ai là Lư Tuấn cả. Chỉ có Lưu Tuấn thì làm thứ sử Giao Chỉ trước Đào Hoàng và có một tên nữa là Lư Tuần thì làm thái thú Vĩnh Gia, có đánh Hợp Phố và đi tắt xuống Giao Châu trị. Tuệ Độ có đánh nhau với Tuần ở Long Biên. Tuệ Độ chém được Tuần, năm ấy là 411.

541 Lý Bí đánh đuổi Tiêu Tư thứ sử, tôn thất nhà Lương. Tiêu Tư đem vàng bạc đút lót cho tỳ tướng của Lý Bí chạy thoát chết về Quảng Châu. Lý Bí vào thành Long Biên sửa sang lại thành trì, xưng Đế (Nam Việt Đế) đặt quốc hiệu Vạn Xuân.

602 Lý Phật Tử khởi nghĩa, giao cho con người anh là Đại Quyền giữ thành Long Biên.

621 Long Biên không giữ vị trí thủ phủ nữa mà trở thành trị sở Long Châu.

Đến năm 627 lại trở thành huyện lỵ.

767 Trương Bá Nghi chuyển thủ phủ về La Thành (Hà Nội), từ đây Long Biên không còn vai trò quan trọng trong sử sách nữa.

Xem vậy, sử sách cổ có ghi đến 3 thành Long Biên. Madrolle căn cứ vào những sự miêu tả trong sách cổ, đoán định ba nơi: Đông Yên, Tiêu Sơn, Lũng Sơn. Đào Duy Anh cho rằng Long Biên ở phía bắc thị xã Bắc Ninh hoặc chính thị xã Bắc Ninh. Trần Quốc Vượng cũng tính đến khả năng tìm Long Biên ở thị xã Bắc Ninh.

Vừa qua, đi khảo sát thực địa ở vùng Hà Bắc, tôi và Trần Đức Các đã cố gắng tìm hiểu các địa điểm đã được chỉ định và thấy rằng có một địa điểm rất đáng chú ý. Đó là làng Tiêu Sơn. Chúng tôi xin miêu tả lại điều mắt thấy tai nghe tại nơi này. Trước khi kể lại điều này chúng tôi cũng không quên ghi lời cảm ơn đồng chí Khổng Đức Thiêm, cán bộ khảo cổ Ty văn hóa Hà Bắc đã giúp cho chúng tôi những tài liệu và những ý kiến tốt.

Huyện Long Biên (trước gọi là Long Uyên) phía Tây có dãy núi Tiên Du và Phong Khê, phía Đông có huyện Khúc Dương, phía Bắc có sông Cầu và phía Nam là sông Đuống. Trị sở Long Biên về sau là thủ phủ nằm trên bờ sông và cách thành Đại La 75 dặm về phía Bắc (10 dặm = ± 3km).

Làng Tiêu Sơn cũng đúng như thế. Làng Tiêu nằm trên dòng sông Nương([2]) (Tương Giang) cách Hà Nội 22km về phía Bắc, và nằm trên con đường Ba Cầu là con đường “đi sứ” ngày xưa (đường chính đi từ Giao Châu sang Trung Quốc).

Làng Tiêu Sơn rộng 3km2 gồm 5 thôn:

– Long (chữ long này có liên quan gì đến các tên Long Uyên, Long Biên, Long Châu không?)

– Niềm (trước đó đã từng là đồn trại của một viên thủ lĩnh quân sự tên là Súy (có thể là biến âm Sủi = Thủy, đọc theo âm Mân Việt).

– Rút

– Tê

– Thương (thôn này có chùa Tiêu và chùa La([3]) là những chùa tương truyền rất cổ, thờ bà Ả Nương([4])).

Những dấu hiệu trên đây báo ra rằng Tiêu Sơn đã là nơi sớm trở thành một trị sở.

Hiện nơi đây còn có những tên đất, tên đồng như sau:

  1. Vườn Trại: nay là một xóm, cư dân đông đúc, tương truyền rằng đây là khu trại lính thuở xưa.
  2. Vườn Thành: nay là một cánh đồng mầu, cao hơn các ruộng lân cận, rộng độ ba mẫu. Nhân dân đã đào được ở đây nhiều gạch mang đặc trưng văn hóa Hán (gạch có hoa văn trám đơn, dài 39cm, rộng 19cm, dày 7cm) và một số đồ gốm cũng vào niên đại này.
  3. Vườn Quan: nay là một thửa đất rộng 3 sào ở sát Vườn Thành.
  4. Vườn Đồn: ở bên kia sông Nương thuộc thôn Rút.
  5. Ao Dinh: Nay chỉ là một cái hố con nằm trong vườn Đồn.
  6. Cửa Phủ: Trước là một thửa ruộng nay nhân dân đã xây dựng ở đây một lò gạch. Các xã viên Tiêu Thượng cũng đào được một cái hố lấy hàng trăm viên gạch Hán.
  7. Bãi Bằng: còn có tên là Sau Mả, tương truyền đây là bãi tập binh bị. Khu này rất kín được bao bọc bởi sông Nương, rừng Niềm và Vườn Trại.
  8. Mả Viềng: có lẽ là mả thủ lĩnh nhưng không phải mả ông Súy (Sủi), ông này không có mả mà thờ chung chỗ với Mả Mái tức mả Ả Nương trong rừng Niềm.
  9. Mả Đường.
  10. Mả Đánh.
  11. Mả Rộc.
  12. Gò giữa: Chỗ ngày xưa cắm cây đinh liệu, trên có quấn giẻ tẩm dầu, đốt làm hiệu lệnh báo động.
  13. Gò Bầu Bí, Gò Mả Mái: Hai nơi thờ cúng.
  14. Cầu Quý, cầu Bà Sơ: không hiểu được nghĩa của những tên gọi này, nhưng ở đây đã đào thấy móng thành. Các hố đào không sâu (40-50cm) đã thấy gạch móng.
  15. Hào Bàng: Hào ven thành, nay hãy còn một quãng độ 7-8m. Đây là loại hào đắp nổi cả hai bên.

Trong vùng này, rải rác, nhân dân còn nhặt được nhiều hiện vật đồ gốm, đồ đồng khác. Có những hiện vật gốm chỉ có thể thấy tại chỗ, còn nhặt lên thì vỡ nát hết.

Để khẳng định thêm ngôi thành cổ này, đồng chí Khổng Đức Thiêm còn cho chúng tôi đọc thần tích của các tướng Hai Bà Trưng đánh thành Long Biên được thờ ở các thôn lân cận. So với thần tích thì địa điểm này cũng khá phù hợp. Ví dụ: Đầu này sông Nương là làng Cẩm Giang thờ công chúa Diệu Tiên, đầu kia sông Nương là Lũng Sơn thờ công chúa Liễu Giáp. Hai tướng này tấn công vào Long Biên bằng đường thủy, một bên đánh ngược lên, một bên đánh xuôi xuống. Và hai ông: Tam Ngọ thờ ở Bình Hạ (Sặt nhỏ) và Tam Quang thờ ở Hồi Quan thì tập hậu bằng đường bộ.

Căn cứ vào những tài liệu vừa được sơ bộ trình bày, chúng tôi đi đến chỗ đoán định rằng vùng đất làng Tiêu Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc hiện nay[5] là một mảnh đất lịch sử quan trọng và đã từng có lúc là một trung tâm cũ của nước ta. Một trong những ngôi thành mang tên Long Biên ở buổi đầu Công nguyên có thể đã tồn tại ở đây.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới