Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Băng tan” thành “băng giá”

“Băng tan” thành “băng giá”

“Quan hệ Trung Quốc-Australia “hiện bước vào con đường cải thiện và phát triển đúng đắn”;“Quan hệ với Trung Quốc- Austraylia đang được sưởi ấm”; “Trung Quốc và Australia nỗ lực hàn gắn quan hệ”… Đương lúc truyền thông ồ ạt tung ra những ngôn từ lạc quan đó, thì bỗng…

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón Thủ tướng Australia Anthony Albanese ở Bắc Kinh ngày 6/11.

“Thì bỗng”, cũng cánh truyền thông quốc tế ném ra những cái tít “nặng như đá tảng”, chặn dòng thác ngôn từ kỳ vọng vào thời kỳ nồng ấm mới trong bang giao Trung Quốc – Australia: “Sự cố tàu chiến nguy cơ dội nước lạnh vào quan hệ Trung Quốc – Australia”; “Úc và Trung Quốc tranh cãi về sự cố tàu chiến”; “Australia lên tiếng về sự cố liên quan tàu chiến”…

Chẳng thể trách giới truyền thông trước đó đã “lạc quan tếu”. Mong muốn cải thiện quan hệ là có thật. Những nỗ lực của Bắc Kinh và Canberra cho việc đó cũng là có thật.

Không thế sao được, khi Trung Quốc và Australia là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Với Australia, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất trong suốt hơn 1 thập kỷ, từ năm 2010 tới năm 2020. Giá trị thương mại hai bên đạt đỉnh gần 210 tỷ USD năm 2020. Australia xuất sang Trung Quốc các mặt hàng chính gồm quặng kim loại, khoáng sản, thịt, đá quý, len, gỗ…, trong đó, ngành thép của Trung Quốc phụ thuộc lớn vào quặng sắt của Australia. Chiều ngược lại, Australia là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 13 của Trung Quốc với các sản phẩm hàng hóa thủy sản, đồ gia dụng, văn phòng…

Quan hệ hai nước bắt đầu rạn nứt với việc bắt đầu từ năm 2018, Australia chặn cửa công nghệ 5G của Huawei và ra luật mới chống can thiệp và tình báo nước ngoài, trong đó, Trung Quốc được cho là đối tượng nhắm tới.

Hố ngăn cách thương mại chính thức “toang” năm 2020. Thời điểm đó, chính phủ Australia tấn công Trung Quốc bằng việc kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 khi Bắc Kinh đang căng mình chống đại dịch. Tiếp theo, việc Trung Quốc trả đũa bằng một loạt loạt các hạn chế thương mại với hàng xuất khẩu của Australia, như: than đá, ngũ cốc, rượu vang, gỗ; cảnh báo du lịch đến Australia, đồng thời đình chỉ toàn bộ các trao đổi chính trị song phương từ giữa năm 2021.

Các biện pháp trả đũa cực đoan về thương mại lập tức gây hậu quả. Con số này, về phía Australia là khoảng 20 tỷ USD. Phía Trung Quốc, tuy không nêu cụ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng, thiệt hại là không nhỏ do đứt gãy nguồn cung cấp từ Australia các nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến thép, sản xuất pin ô tô điện…

5 năm đã trôi qua, kể từ những rạn nứt ban đầu. Cả hai như cùng cảm thấy bải hoải vì “ngấm đòn” thiệt hại. Chính vì vậy, thay vì đối đầu, bắt đầu từ đầu năm nay, Bắc Kinh và Canberra cùng tỏ ra dịu giọng.

Mọi sự như bừng sáng khi trong các ngày 4-7/11, Thủ tướng Australia-ông Anthony Albanese đã thực hiện chuyến công du Trung Quốc. Sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Australia với ông Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc đã hoan hỷ tung ra những mỹ từ: Quan hệ của Trung Quốc với Australia đang ở “điểm khởi đầu mới”; Bắc Kinh và Canberra đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ từng trải qua thời kỳ “băng giá”.

Đặc biệt, ông Tập Cận Bình còn đích thân tuyên bố rằng: Quan hệ Trung Quốc-Australia “hiện bước vào con đường cải thiện và phát triển đúng đắn”. Chiều ngược lại, ông Anthony Albanese cho biết ông thấy “có những dấu hiệu đầy hứa hẹn” trong mối quan hệ song phương…

Câu chuyện lạc quan tới mức, nhà nghiên cứu Trần Hồng – Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) – cho rằng: chuyến thăm của Thủ tướng Albanese là “chuyến đi phá băng và chuyến đi của sự hy vọng”.

Trong khi tuyên bố lạc quan của hai nhà lãnh đạo còn vang vọng; dư luận đang chờ đợi những ngày “tan băng”, thì đúng hai tuần sau, ngày 18/11, có thông tin phát ra từ chính phủ Australia về “sự tương tác “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu hải quân Australia”.

Cụ thể, hãng tin Reuters đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết: một sự cố đã xảy ra khi tàu khu trục tầm xa HMAS Toowoomba của Australia đang thực hiện hoạt động lặn trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản hôm 14/11 để gỡ lưới đánh cá khỏi chân vịt, thì tàu khu trục PLA-N (DDG-139) của Trung Quốc, hoạt động ở khu vực lân cận, đã tiến về phía HMAS Toowoomba”.

Phía Australia cho biết: dù tàu Australia đã thông báo cho tàu Trung Quốc về hoạt động lặn và yêu cầu giữ khoảng cách, nhưng tàu Trung Quốc vẫn tiếp cận “ở cự ly gần hơn”, và bật hệ thống sóng âm, buộc các thợ lặn phải rời khỏi mặt nước. Bộ trưởng Marles cho biết các đánh giá y tế cho thấy các thợ lặn bị thương nhẹ, có thể do sóng siêu âm của tàu khu trục gây ra…

Thông tin lập tức khiến dư luận Australia nổi giận. Một số người không thể không liên hệ sự việc với những cú “cắt mặt, cắt mũi” của máy bay, tàu chiến Trung Quốc với máy bay, tàu chiến Mỹ trên không, trên biển – những sự việc từng khiến Mỹ lo lắng. Chuyện càng trầm trọng thêm khi Ủy ban Cố vấn Y khoa về Lặn, cơ quan độc lập có trụ sở tại Anh, cảnh báo sóng âm từ thiết bị sonar có thể khiến thợ lặn dưới nước bị choáng, hỏng thính lực và tổn thương nội tạng…

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Australia đưa ra những “cáo buộc liều lĩnh và vô trách nhiệm”.

Rõ một điều, cách ứng xử cùng lời đáp của phía Trung Quốc không phải là điều dư luận Australia chờ đợi. Nhiều người dân “xứ sở chuột túi” đã không ngần ngại cho rằng: Tảng băng trong quan hệ Trung – Australia vừa tan được vài mảnh vụn, cú “tương tác không an toàn” của tàu khu trục Trung Quốc chẳng khác gì việc dội một “gáo nước lạnh”. Với cú dội nước không đúng thời điểm này, nguy cơ đẩy quan hệ Bắc Kinh và Canberra trở lại “thời băng giá” hoàn toàn có thể là sự thật.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới