Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTác động toàn cầu từ cuộc chiến Israel-Hamas

Tác động toàn cầu từ cuộc chiến Israel-Hamas

Cuộc chiến mới nhất ở Trung Đông sẽ có tác động địa chính trị lan rộng.

Liệu cuộc chiến mới nhất ở Gaza có gây ra hậu quả sâu rộng? Về mặt nguyên tắc, tôi nghĩ rằng những diễn biến địa chính trị bất lợi thường được cân bằng bởi các lực lượng đối kháng khác nhau, và các sự kiện ở một phần nhỏ của thế giới thường sẽ không gây ra tác động lan tỏa lớn ở những nơi khác. Khủng hoảng và chiến tranh vẫn xảy ra, nhưng những cái đầu lạnh thường chiếm ưu thế và theo đó hạn chế hậu quả của các cuộc chiến.

Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng đúng, và cuộc chiến hiện tại ở Gaza có thể là một trong những ngoại lệ. Không, tôi không nghĩ chúng ta đang ở trên bờ vực của Thế chiến III. Trên thực tế, tôi sẽ ngạc nhiên nếu cuộc giao tranh hiện tại dẫn đến xung đột lớn hơn trong khu vực. Tôi không loại trừ hoàn toàn khả năng đó, nhưng cho đến nay, không có bên thứ ba nào (Hezbollah, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, …) có vẻ sẵn sàng trực tiếp tham chiến và các quan chức Mỹ vẫn đang cố gắng kiềm chế xung đột. Bởi vì một xung đột khu vực lớn hơn sẽ còn tốn kém và nguy hiểm hơn, tất cả chúng ta nên hy vọng những nỗ lực này sẽ thành công. Nhưng ngay cả khi cuộc chiến chỉ giới hạn ở Gaza và sớm kết thúc, nó vẫn sẽ gây ra những hậu quả đáng kể trên toàn thế giới.

Để biết những tác động rộng lớn hơn có thể là gì, điều quan trọng là phải nhớ lại tình trạng địa chính trị chung ngay trước khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7/10. (Bạn có thể xem một phiên bản tóm tắt khá đầy đủ trong bài giảng gần đây của John Mearsheimer). Trước khi Hamas tấn công, Mỹ và các đồng minh NATO đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga ở Ukraine. Mục tiêu của họ là giúp Ukraine giành lại lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng sau tháng 2/2022, và làm suy yếu Nga đến mức nước này không thể thực hiện các hành động tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, tình hình đang không suôn sẻ: cuộc phản công mùa hè của Ukraine rơi vào đình trệ, cán cân sức mạnh quân sự dần dịch chuyển về phía Moscow, và hy vọng rằng Kyiv có thể lấy lại lãnh thổ đã mất bằng vũ lực hoặc thông qua đàm phán đang mờ dần.

Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại Trung Quốc, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh thống trị các lĩnh vực quan trọng như sản xuất chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Washington coi Trung Quốc là đối thủ chính về lâu dài của mình, mà theo lời Lầu Năm Góc là “mối đe dọa bền bỉ” (pacing threat). Chính quyền Biden cũng dự định sẽ chú ý nhiều hơn đến thách thức Trung Quốc. Các quan chức trong chính quyền mô tả các hạn chế kinh tế là có tính tập trung cao (“sân nhỏ và hàng rào cao”) và nhấn mạnh rằng họ vẫn muốn có các hình thức hợp tác khác với Trung Quốc. Tuy nhiên, “sân nhỏ” đang tiếp tục lớn dần, bất chấp sự hoài nghi ngày càng tăng về việc liệu hàng rào cao có thể ngăn Trung Quốc giành được chỗ đứng trong ít nhất một số lĩnh vực công nghệ quan trọng hay không.

Ở Trung Đông, chính quyền Biden đang cố gắng thực hiện một chiến thuật ngoại giao phức tạp: Họ tìm cách ngăn Ả Rập Saudi xích lại gần Trung Quốc bằng cách mở rộng một số hình thức bảo đảm an ninh chính thức cho Riyadh, và nhiều khả năng còn cho phép nước này tiếp cận công nghệ hạt nhân nhạy cảm, để đổi lấy việc Saudi bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận có được thực hiện hay không, và các nhà phê bình đã cảnh báo rằng việc phớt lờ vấn đề Palestine và nhắm mắt làm ngơ trước những hành động ngày càng tàn bạo của chính phủ Israel trên lãnh thổ Palestine chính là một quả bom nổ chậm.

Thế rồi sự kiện 7/10 xảy đến. Hơn 1.400 người Israel đã bị giết hại dã man, và tính đến nay, hơn 10.000 người ở Gaza—trong đó có 4.000 trẻ em—đã thiệt mạng vì các cuộc oanh tạc của Israel. Thảm kịch đang tiếp diễn này có những ý nghĩa nhất định đối với địa chính trị và chính sách đối ngoại của Mỹ.

Đầu tiên, cuộc chiến đã huỷ hoại nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel do Mỹ lãnh đạo (ngăn chặn nỗ lực này gần như chắc chắn là một trong những mục tiêu của Hamas). Tất nhiên, chiến tranh không thể ngăn cản nỗ lực bình thường hóa quan hệ mãi mãi, vì những động lực ban đầu đằng sau thỏa thuận này sẽ vẫn còn đó khi giao tranh kết thúc ở Gaza. Dù vậy, những trở ngại đối với thỏa thuận rõ ràng đã tăng lên và chúng sẽ tiếp tục gia tăng khi con số thương vong ngày càng cao.

Thứ hai, cuộc chiến sẽ cản trở nỗ lực của Mỹ nhằm dành ít thời gian và sự chú ý hơn vào Trung Đông, để chuyển hướng nỗ lực xa hơn về phía Đông Á. Trong một bài báo xuất bản trên tờ Foreign Affairs ngay trước khi Hamas tấn công, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố rằng: cách tiếp cận “có kỷ luật” của chính quyền đối với Trung Đông sẽ “giải phóng các nguồn lực cho các ưu tiên toàn cầu khác” và “giảm nguy cơ xảy ra xung đột mới ở Trung Đông.” Như các sự kiện vừa qua đã cho thấy, mọi chuyện không hẳn diễn ra đúng như vậy.

Vấn đề nằm ở khả năng: Chỉ có 24 giờ trong một ngày và bảy ngày trong một tuần, và Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, cũng như các quan chức hàng đầu khác của Mỹ không thể bay tới Israel và các nước Trung Đông vài ngày một lần mà vẫn dành đủ thời gian và công sức cho các nhiệm vụ khác. Việc đề cử chuyên gia châu Á Kurt Campbell làm thứ trưởng ngoại giao có thể phần nào giải quyết vấn đề này, nhưng cuộc khủng hoảng mới nhất ở Trung Đông vẫn có nghĩa là châu Á sẽ có ít nguồn lực ngoại giao và quân sự hơn trong ngắn hạn và trung hạn. Vụ bất đồng nội bộ âm ỉ trong Bộ Ngoại giao – khi các quan chức cấp trung khó chịu trước phản ứng một chiều của chính quyền đối với cuộc xung đột – sẽ càng khiến tình hình thêm khó khăn.

Tóm lại, cuộc chiến mới nhất ở Trung Đông không phải là tin tốt đối với Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, hay bất kỳ quốc gia nào khác đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc. Những khó khăn kinh tế của Bắc Kinh không khiến nước này giảm bớt các hành động hung hăng đối với Đài Loan hoặc ở Biển Đông. Một ví dụ là sự cố gần đây khi một máy bay đánh chặn của Trung Quốc được cho là đã bay cách máy bay B-52 của Mỹ đang tuần tra trong phạm vi 3m. Với hai tàu sân bay hiện được triển khai ở phía đông Địa Trung Hải và sự chú ý của Washington đổ dồn vào khu vực đó, khả năng ứng phó hiệu quả nếu tình hình xấu đi ở châu Á chắc chắn sẽ bị suy giảm.

Cũng cần nhớ rằng tôi đang giả định cuộc chiến ở Gaza không mở rộng sang Lebanon hay Iran, vốn có thể đẩy Mỹ và các nước khác vào một tình huống mới, nguy hiểm hơn, tiêu tốn nhiều thời gian, sự chú ý, và nguồn lực hơn.

Thứ ba, xung đột ở Gaza là một thảm họa đối với Ukraine. Cuộc chiến ở Gaza đang chiếm ưu thế trên báo chí và khiến việc kêu gọi ủng hộ gói viện trợ mới của Mỹ trở nên khó khăn hơn. Đảng Cộng hòa đã chùn bước tại Hạ viện, và một cuộc thăm dò của Gallup được thực hiện từ ngày 4 đến ngày 16 tháng 10 cho thấy: 41% người Mỹ hiện tin rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine, tăng từ mức 29% hồi tháng 6.

Tuy nhiên, vấn đề thậm chí còn lớn hơn thế. Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, và điều đó có nghĩa là pháo binh đang đóng vai trò trung tâm trên chiến trường. Tuy nhiên, từ trước đó, Mỹ và các đồng minh đã không thể sản xuất đủ vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, và buộc Washington phải sử dụng các kho dự trữ ở Hàn Quốc và Israel để hỗ trợ Kyiv trong cuộc chiến. Giờ đây, Israel đang có chiến tranh, nên nước này sẽ nhận được một lượng đạn pháo hoặc các loại vũ khí khác mà lẽ ra sẽ được chuyển đến Ukraine. Biden phải làm gì nếu Ukraine bắt đầu mất thêm lãnh thổ, hoặc thậm chí là quân đội của họ bắt đầu sụp đổ? Nhìn chung, những gì đang xảy ra ở Gaza không phải là tin tốt cho Kyiv.

Đó cũng là tin xấu cho Liên minh châu Âu. Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm gia tăng sự thống nhất ở châu Âu bất chấp vài xích mích nhỏ, và việc Đảng Luật pháp và Công lý chuyên quyền và hay gây rối mất phiếu trong cuộc bầu cử Ba Lan gần đây cũng là một dấu hiệu đáng khích lệ. Nhưng cuộc chiến ở Gaza lại khơi dậy sự chia rẽ ở châu Âu, khi một số quốc gia hoàn toàn ủng hộ Israel, còn những quốc gia khác tỏ ra thông cảm hơn với người Palestine (dù không ủng hộ Hamas). Một rạn nứt nghiêm trọng cũng đã xuất hiện giữa Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Cao uỷ Ngoại giao EU Josep Borrell, cùng khoảng 800 nhân viên EU được cho là đã ký một lá thư chỉ trích von der Leyen vì quá thiên vị đối với Israel. Chiến tranh càng kéo dài, những rạn nứt này sẽ càng lan rộng. Và chúng sẽ nhấn mạnh sự yếu kém về mặt ngoại giao của châu Âu, nếu không muốn nói là sự đánh mất vai trò, từ đó làm xói mòn mục tiêu rộng lớn hơn là đoàn kết các nền dân chủ trên thế giới thành một liên minh hùng mạnh và hiệu quả.

Tin xấu cho phương Tây nhưng lại là tin rất tốt cho Nga và Trung Quốc. Từ quan điểm của họ, bất cứ điều gì khiến Mỹ xao nhãng khỏi Ukraine hay Đông Á đều có lợi, đặc biệt là khi họ chỉ cần ngồi bên lề và nhìn thiệt hại chồng chất. Như tôi từng nói trong một bài viết trước, cuộc chiến Gaza cũng mang lại cho Moscow và Bắc Kinh một bằng chứng khác về trật tự thế giới đa cực mà họ từ lâu đã ủng hộ, thay cho một hệ thống do Mỹ lãnh đạo. Tất cả những gì họ cần làm là chỉ ra cho mọi người thấy rằng Mỹ là cường quốc hàng đầu quản lý Trung Đông trong 30 năm qua, nhưng kết quả lại là một cuộc chiến thảm khốc ở Iraq, khả năng hạt nhân tiềm ẩn của Iran, sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo, một thảm họa nhân đạo ở Yemen, tình trạng hỗn loạn ở Libya, và sự thất bại của tiến trình hòa bình Oslo. Họ còn có thể bổ sung rằng cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7/10 cho thấy Washington thậm chí không thể bảo vệ những người bạn thân nhất của mình khỏi những sự kiện khủng khiếp. Nhiều người có thể không đồng tình với những lời buộc tội này, nhưng Nga và Trung Quốc vẫn sẽ tìm được khán giả ủng hộ từ khắp mọi nơi. Không có gì bất giờ khi các chiến dịch truyền thông của hai nước này đã lợi dụng xung đột Gaza để ghi điểm chống lại quốc gia tự xưng là “quốc gia không thể thiếu.”

Nhìn xa hơn về tương lai, chiến tranh Israel-Hamas và phản ứng của Mỹ đối với nó sẽ là ‘chiếc cối xay’ tròng vào cổ các nhà ngoại giao Mỹ trong thời gian tới. Đã có một khoảng cách khá lớn giữa quan điểm của Mỹ và phương Tây về cuộc khủng hoảng Ukraine, với thái độ của các nước phương Nam toàn cầu, nơi các nhà lãnh đạo không thực sự ủng hộ cuộc xâm lược của Nga, nhưng lại tức giận vì những gì họ coi là tiêu chuẩn kép và sự chú ý có chọn lọc của giới tinh hoa phương Tây. Phản ứng dữ dội của Israel đối với các cuộc tấn công của Hamas đang nới rộng khoảng cách đó, một phần là vì có nhiều sự cảm thông hơn với hoàn cảnh chung của người Palestine ở phần còn lại của thế giới so với ở Mỹ hoặc châu Âu.

Sự cảm thông đó sẽ chỉ tăng lên khi giao tranh kéo dài và ngày càng có nhiều thường dân Palestine thiệt mạng, nhất là khi chính phủ Mỹ và một số chính trị gia hàng đầu ở châu Âu đang nghiêng hẳn về một bên. Như một nhà ngoại giao cấp cao của G-7 đã nói với Financial Times vào tháng trước, “Chúng ta chắc chắn đã thua trong trận chiến ở phương Nam toàn cầu. Tất cả những gì chúng ta đạt được ở phương nam [về vấn đề Ukraine] đã mất sạch … Hãy quên những quy tắc, luật lệ, và trật tự thế giới đi. Họ sẽ không bao giờ lắng nghe chúng ta nữa.” Quan điểm đó có thể hơi thái quá, nhưng không hề sai.

Hơn nữa, những người sống bên ngoài biên giới của cộng đồng xuyên Đại Tây Dương đang gặp rắc rối bởi những gì họ coi là sự chú ý có chọn lọc của phương Tây. Một cuộc chiến mới nổ ra ở Trung Đông, và các phương tiện truyền thông phương Tây đã hoàn toàn bị cuốn hút bởi nó. Các tờ báo dành vô số trang để đăng các câu chuyện và bài bình luận, trong khi các kênh truyền hình cáp dành hàng giờ phát sóng về những sự kiện này. Các chính trị gia thì cố gắng đưa ra quan điểm của mình về những gì nên làm. Nhưng trong cùng tuần lễ mà cuộc chiến nổ ra ở Gaza, Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng khoảng 7 triệu người hiện đang phải rời khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, nguyên nhân chủ yếu là do bạo loạn. Câu chuyện đó hầu như không được chú ý, dù số lượng người liên quan lớn gấp nhiều lần số nạn nhân ở Israel hoặc Gaza.

Hiệu ứng này cũng không nên bị phóng đại: Các quốc gia phương Nam vẫn sẽ theo đuổi lợi ích riêng của mình, và vẫn sẽ làm ăn với Mỹ và các nước khác bất chấp sự tức giận và khó chịu của họ trước thói đạo đức giả của phương Tây. Nhưng điều đó sẽ không làm cho họ dễ đối phó hơn chút nào, và họ sẽ chẳng buồn chú ý đến những lời lảm nhảm của người Mỹ về các chuẩn tắc, luật lệ, và nhân quyền. Đừng ngạc nhiên nếu nhiều quốc gia bắt đầu coi Trung Quốc là đối trọng hữu ích với Washington.

Cuối cùng, sự kiện không mấy vui vẻ này sẽ không giúp Mỹ đánh bóng danh tiếng về năng lực chính sách đối ngoại. Việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thất bại trong việc bảo vệ Israel có thể huỷ hoại danh tiếng của ông mãi mãi, nhưng giới ngoại giao của Mỹ cũng đã không lường trước sẽ xảy ra đổ máu và phản ứng của họ cho đến nay cũng không giúp ích được gì. Nếu thất bại mới nhất này đi kèm với một kết quả không mấy vui vẻ khác ở Ukraine, thì các nước khác sẽ bắt đầu đặt câu hỏi, không phải về uy tín của Mỹ, mà là về phán đoán của Mỹ. Và phán đoán mới là điều quan trọng nhất, vì các quốc gia khác có thể sẽ chú ý đến lời khuyên và đi theo sự dẫn dắt của Washington hơn nếu họ tin rằng các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra, biết cách ứng phó, và chí ít cũng chú ý đến những giá trị được tuyên xưng. Nếu không phải như vậy, thì tại sao người ta phải nghe theo lời khuyên của Mỹ về bất cứ điều gì?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới