Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Ngoại giao láng giềng” và “Ngoại giao cây tre”

“Ngoại giao láng giềng” và “Ngoại giao cây tre”

Tháng 8/2023, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự kiện này gây bất bình lớn đối với các nước trong khu vực, nhất là các nước có tranh chấp ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc công bố bản đồ nêu trên, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo cái bản đồ quái gở này, Trung Quốc đã thể hiện rõ cái gọi là “Đường chín đoạn”, phân định cái mà họ cho là biên giới trên biển, để yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Phiên bản năm 2023 còn bao gồm thêm đoạn thứ 10 ở phía đông Đài Loan. Mặc dù bản đồ có đường đứt đoạn hình chữ U yêu sách chủ quyền mơ hồ đã bị tòa án quốc tế tuyên bố là vô giá trị vào năm 2016, nhưng Bắc Kinh vẫn không thay đổi.

Trong nhiều năm qua, việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc vô cớ gọi là Tây Sa và Nam Sa) đang đứng trước những thách thức mới do tình hình thế giới cũng như khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Những thách thức đó có lúc lên đến đỉnh cao, thậm chí tưởng như sẽ xảy ra xung đột vũ trang.

Xung đột Nga – Ukraine tác động sâu sắc đến không chỉ phạm vi châu Âu mà còn tận đến các nước Đông Nam Á, đặc biệt với những quốc gia trong vùng tranh chấp Biển Đông. Các nước này quan ngại nguy cơ xung đột nước lớn tương tự xảy ra ở khu vực biển Đông đặc biệt là cạnh tranh Mỹ – Trung gay gắt và phức tạp.

Với chính sách “Ngoại giao láng giềng” (ngoại giao xung quanh) định hình từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền (2012) luôn khẳng định một thế cục ngoại giao ngoại vi với Việt Nam về vấn đề Biển Đông hòa bình, hữu nghị cùng phát triển.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 ( 2012) Tập Cận Bình nói: “Làm tốt công tác ngoại giao xung quanh là nhu cầu thực hiện mục tiêu phấn đấu hai mục tiêu 100 năm, thực hiện phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, phải phấn đấu thúc đẩy ngoại giao xung quanh, tạo môi trường xung quanh tốt cho phát triển của nước ta, tranh thủ, làm cho phát triển của nước ta lan tỏa đến các nước xung quanh, thực hiện cùng phát triển”.

Đấy là về lý thuyết, còn trên thực tế đã diễn ra nhiều hành động gây căng thẳng từ phía chính quyền Bắc Kinh chung quanh cơ sở pháp lý “đường chín đoạn” và nhiều vụ việc căng thẳng khác, khiến cho Bộ Ngoại giao hai bên nhiều lần phải “đấu khẩu”, và bên nào cũng khẳng định chân lý thuộc về mình (!).

Theo các nguồn tin,tháng 12 tới, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam. Nhân dịp này, Hà Nội một lần có dịp bày tỏ với nhà lãnh đạo cao nhất của chính quyền Bắc Kinh về chủ trương vừa hợp tác vừa đấu tranh.

Có bốn vấn đề nổi lên:

Một là, vận dụng những thành quả trong đối ngoại hai Đảng, hai Nhà nước qua bao chặng đường dựa trên phương châm “16 chữ vàng” và “4 tốt”. Cùng chính sách “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam và chính sách “Ngoại giao láng giềng” của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, định vị đúng vai trò nước lớn Trung Quốc cam kết giúp đỡ các dân tộc khác phát triển.

Hai là, hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong thế độc lập về chủ quyền tự chủ về công việc nội bộ. Thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tinh thần“lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền, độc lập nước sở tại và luật pháp quốc tế.

Ba là, chú trọng củng cố, xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, bao gồm ổn định về chính trị, phát triển nhanh và bền vững về kinh tế, nâng cao dân trí, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Tăng cường trao đổi thông tin về biên giới đất liền, trên biển. Chủ động đấu tranh với những hành động tổn hại đến lợi ích đôi bên.

Bốn là, duy trì được đường biên giới đất liền hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Trên biển, luôn đảm bảo vùng biển Việt Nam là vùng biển an toàn, hữu nghị, hợp tác, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán chính đáng dựa trên các nguyên tắc và công ước quốc tế. Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của bạn bè thế giới trên cơ sở chủ trương thêm bạn, bớt thù; khai thác triệt để mặt đối tác, nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài và chắc chắn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thái độ như thế của Hà Nội, chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ hồ hởi đón nhận. Bởi vì nó sòng phẳng, minh bạch. Bởi vì nó phù hợp với chính sách “Ngoại giao láng giềng” của Bắc Kinh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới