Có thể nói năm 2023 là năm đại thắng lợi về ngoại giao của Việt Nam. Phương pháp/hình thức “ngoại giao cây tre” của Hà Nội đang thuận buồm xuôi gió. Nhiều quốc gia “có máu mặt” trên thế giới muốn kết bạn sâu hơn với đất nước của con cháu của Vua Hùng.
Sau khi cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam vào tháng 9/2023, thì tháng 11 vừa qua ViệtNam và Nhật Bản chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hoà bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Tại cuộc Hội đàm vào ngày 27/11, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Với việc nâng cấp quan hệ, hai bên khẳng định, cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.
Vậy là đến nay Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 6 quốc gia là: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Đúng như nhận định của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tin vui lớn đến với Hà Nội là một số quốc gia khác đang mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Trong đó Úc có thể trở thành người bạn lớn, tin cậy trong thời gian không xa. Cụ thể, bên lề Thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 17/11/2023, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese trao đổi ý kiến về sự kiện vô cùng quan trọng này.
Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ mong muốn “quan hệ với Việt Nam tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng của hai bên”. Theo ông, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập bang giao giữa Canberra và Hà Nội, được coi là thời điểm “chín muồi” để hai nước nâng quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Úc là Đối tác chiến lược của Việt Nam từ năm 2018, và đã thiết lập bang giao với Hà Nội từ cách đây tròn nửa thế kỷ (trước thời điểm kết thúc chiến tranh Việt Nam vào tháng 4/1975).
Điều đáng ghi nhận là, trong thời gian Việt Nam bị Mỹ cấm vận, Úc chính là quốc gia đã tích cực giúp Việt Nam thoát khỏi sự cô lập. Ngoại trưởng Úc Bill Haydon đầu thập niên 1980 đã tranh thủ các diễn đàn vận động để Việt Nam bớt bị cô lập và có thể gia nhập lại môi trường bang giao thế giới.
Tiếp đó, năm 1999, Úc là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thương thuyết và chấp nhận với Việt Nam trao đổi tùy viên quân lực giữa hai bên.
Bang giao song phương giữa Việt Nam và Úc sẽ được nâng lên mức cao nhất, có thể vào đầu năm 2024. Cuộc gặp mới đây giữa Chủ tịch Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Anthony Albanese nhân thượng đỉnh APEC tại San Francisco là một dấu hiện tích cực.
Đương nhiên, việc ký kết nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ có nhiều phương án/lựa chọn xảy ra để đạt kết quả tối ưu nhất.
Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Úc lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào lúc này sẽ có lợi cho cả hai nước, trong đó lợi thế lớn nhất là tăng cường quan hệ về An ninh – quốc phòng. Hai bên sẽ có một mẫu số chung là: Giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Úc ủng hộ lập trường của Việt Nam: Biển Đông phải được giữ nguyên trạng, không được quân sự hóa và phải được tự do lưu thông hàng hải, hàng không. Sự đe dọa của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ, gia tăng quân sự trên Biển Đông được Canberra xem là một sự đe dọa với chính nước Úc.
Tăng cường hợp tác sẽ là cơ hội để Úc giúp đỡ Việt Nam thông qua các viện trợ phát triển chính thức ODA. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác quốc phòng. Chẳng hạn, những năm qua Việt Nam tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên thế giới (như tại Nam Sudan), phần lớn là do được Úc huấn luyện. Ngoài sự giúp đỡ về Anh ngữ là các lĩnh vực khác, như cách hành xử khi tham gia các chiến dịch bảo vệ hòa bình. Điều này được đưa vào các chương trình đào tạo tại các học viện quân sự của Úc, mà nhiều sinh viên sĩ quan Việt Nam đang học.
Về lĩnh vực an ninh-quốc phòng có hai nội dung quan trọng mà Úc có thể tăng cường giúp đỡ Việt Nam. Đó là, huấn luyện đơn vị quân đội Việt Nam tham gia bảo vệ hòa bình theo chương trình của Liên hợp quốc. Úc cũng sẽ chia sẻ, ủng hộ một cách tích cực hơn quan điểm của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông; không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Từ bước chuẩn bị cho việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận ở cấp cao mỗi năm, hỗ trợ thường xuyên và có hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và thế giới.
Bên lề thượng đỉnh APEC, Thủ tướng Úc Albanese đã khẳng định với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rằng nước Úc coi Việt Nam là Đối tác Chiến lược hàng đầu trên thế giới. Vậy là, tuy chưa chưa ký hợp tác chính thức nhưng hai bên coi như đã đàm phán xong. Người Việt thường có câu lẩy Kiều “Tình trong như đã bên ngoài còn e”.
So với Mỹ thì nước Úc không phải là một đại cường quốc. Cho nên sự nâng cấp quan hệ ngoại giao sẽ dễ dàng được thực hiện, không phải đề phòng, né tránh sự “lườm nguýt” của lân bang.
H.Đ