Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVJA đang đặt mua thêm 300 máy bay?

VJA đang đặt mua thêm 300 máy bay?

Hãng có lượng máy bay đang đặt hàng lớn nhất trong số các hãng hàng không, có cơ hội tốt để mở rộng thị phần trên thị trường hàng không nội địa và quốc tế.

Được thành lập vào năm 2007, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đã triển khai chuyến bay thương mại nội địa đầu tiên vào ngày 24/12/2011 và khai thác chuyến bay quốc tế đầu tiên vào năm 2013.

Ngay từ khi thành lập, VJC đã xác định là hãng hàng không giá rẻ (LCC), mục tiêu của doanh nghiệp là tập trung vào các chuyến bay ngắn với hiệu quả chi phí cao như mật độ hành khách và hiệu suất sử dụng máy bay cao…; điều này cho phép VJC đưa ra mức giá vé hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Kể từ đó, VJC nhanh chóng giành được thị phần và lần lượt chiếm 41% và 23% thị phần nội địa và quốc tế trong năm 2022.

Khách quốc tế trở lại, cơ hội lớn cho Vietjet
Theo thống kê, trong quý 3/2023, Việt Nam đón khoảng 9,1 triệu khách quốc tế (tăng 85,5% so với cùng kỳ) đạt 92% mức trước dịch, nhờ chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng cho khách quốc tế, và sự trở lại của du khách Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại hồi tháng 3/2023.

Trong khi nhiều thị trường quốc tế gần như hồi phục, thậm chí vượt mức trước đại dịch như Mỹ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc (đạt 90 – 105% so với năm 2019) thì lượng khách Trung Quốc chỉ đạt tương ứng 38% so với mức trước dịch. Tuy nhiên, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có sự cải thiện mạnh mẽ qua từng quý, trong quý 3 vừa qua tăng 32% so với quý trước.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VnDirect, số lượng hành khách của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt tới 80% mức trước dịch vào cuối năm 2024, và phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2025. Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng chính giúp Việt Nam phục hồi giao thông quốc tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho các hãng hàng không (lượng khách Trung Quốc chiếm 32% tổng lượng khách quốc tế trong năm 2019).

Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không quốc tế gần đây, VJC đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới đường bay mới đến Trung Quốc, Úc, Kazakhstan, Ấn Độ…

Trong quý 3, VJC đã mở thêm 7 đường bay quốc tế mới để nắm bắt nhu cầu phục hồi, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay (45 đường bay nội địa và 80 đường bay quốc tế). Việc tập trung vào thị trường quốc tế sẽ giúp VJC cải thiện biên lợi nhuận gộp vì hành khách quốc tế thường đóng góp vào doanh thu phụ trợ nhiều hơn so với hành khách nội địa do thời gian bay dài hơn.

VJC đã khai thác 36.000 chuyến bay và vận chuyển 6,8 triệu hành khách trong đó có 2,3 triệu khách quốc tế (tăng 127% so với cùng kỳ, tương đương 110% so với năm 2019). ASK (công suất ghế luân chuyển) đã cải thiện 37% lên 13.136 triệu ghế-km, nhờ sự tăng trưởng mạnh của ASK quốc tế (tăng 118% so với cùng kỳ), bù đắp mức giảm 19% so với cùng kỳ của ASK nội địa.

Chỉ số khách luân chuyển (RPK) tăng 56% so với cùng kỳ lên 10.723 triệu khách-km nhờ lượng khách luân chuyển quốc tế tăng lên 6.139 triệu khách-km (tăng 134% so với cùng kỳ) bù đắp cho mức giảm 16% so với cùng kỳ của thị trường nội địa. Theo đó, hệ số lấp đầy tăng lên 86,47% so với mức 73,96% trong quý 3/2022.

“Chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế của VJC sẽ tăng 260% so với cùng kỳ, lên 7,88 triệu khách trong năm 2023 (tương đương mức 98% trước dịch) và có thể tiếp tục tăng 12%/15% so với cùng kỳ lên 8,82 triệu/10,14 triệu khách trong giai đoạn 2024 – 2025 (tương đương 110%/126% mức trước dịch).

Nhờ sự phục hồi từ lượng khách quốc tế, chúng tôi kỳ vọng tổng công suất ghế luân chuyển (ASK) sẽ tăng 56,2%/11,4%/15% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023 – 2025″, báo cáo phân tích vừa công bố của Công ty chứng khoán VnDirect nhận định.

VJC có lượng máy bay đang đặt hàng lớn nhất trong số các hãng hàng không
Giai đoạn 2018 – 2022, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 38% – 45% giá vốn hàng bán của VJC (không bao gồm giá vốn giao dịch tàu bay). Trong năm 2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 đạt mức cao nhất kể từ năm 2015, gây tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận gộp của các hãng hàng không.

Tính đến cuối tháng 10/2023, giá nhiên liệu Jet A1 đã giảm 12% so với đầu năm từ mức 126,5 USD/thùng xuống còn 111,4 USD/thùng. Nhìn chung, giá nhiên liệu máy bay trung bình trong 10 tháng của năm 2023 đã giảm 14% so với cùng kỳ. Giá nhiên liệu khó có thể đạt mức như năm 2022 nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao vào năm 2024, trung bình khoảng 110 USD/thùng (tăng 4% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân do nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trong khi đó, nguồn cung dầu bị thắt chặt chủ yếu do OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng; căng thẳng địa chính trị toàn cầu; vànhu cầu mua dầu để lấp đầy kho Dự trữ dầu khí chiến lược của Mỹ.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu hiện tại, ước tính chi phí nhiên liệu/ASK của VJC có thể giảm 15% so với cùng kỳ vào năm 2023, và duy trì đi ngang trong năm 2024, thấp hơn mức tăng của giá nhiên liệu Jet A1 toàn cầu nhờ việc VJC đưa vào sử dụng thêm nhiều tàu bay mới loại A321NEO, mẫu máy bay có khả năng tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với đội bay hiện tại.

Ngoài ra, chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế dựa trên mẫu máy bay mới A330 cũng sẽ giúp VJC chống lại xu hướng tăng giá nhiên liệu do các hãng hàng không có thể áp dụng phụ thu phí nhiên liệu lên vé máy bay quốc tế để ứng phó với việc tăng giá nhiên liệu tăng mạnh trong khi không thể áp dụng phụ phí đối này với hành khách nội địa.

Công suất sân bay của Việt Nam dự kiến tăng gần gấp ba lần vào 2030, với 30 sân bay, trong đó có 14 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa với sức chứa 294,5 triệu khách/năm.

VJC, với lượng máy bay đang đặt hàng lớn nhất trong số các hãng hàng không (hơn 300 máy bay), có cơ hội tốt để mở rộng thị phần trên thị trường hàng không nội địa và quốc tế đang tăng trưởng của Việt Nam, do các doanh nghiệp cùng ngành có năng lực tăng trưởng hạn chế hơn.

Bamboo Airways không còn khai thác các chuyến bay đường dài và đang thu hẹp mạng đường bay nội địa trong thời kỳ tái cơ cấu. Vietnam Airlines vừa bổ sung thêm 50 máy bay vào danh sách đặt hàng nhưng sẽ không có máy bay nào được nhận trước năm 2027, khiến khả năng mở rộng của hãng trong trung hạn bị hạn chế.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, VnDirect nhận định tăng dự báo doanh thu cốt lõi năm 2023 thêm 4,3% dựa trên sự gia tăng đóng góp của doanh thu vé quốc tế và doanh thu dịch vụ phụ trợ, phù hợp với kết quả 9 tháng đầu năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần của hãng hàng không này sẽ rơi vào khoảng 61.124 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 6.088 tỷ đồng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới