Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới5 yếu địa TQ sẽ phải giữ bằng được nếu có chiến...

5 yếu địa TQ sẽ phải giữ bằng được nếu có chiến tranh

Lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn, nếu chiến tranh xảy ra, họ có chiều sâu chiến lược để phòng ngự. Tuy nhiên, bất kỳ một nước nào cũng có những chỗ được gọi là yếu địa, cần phải giữ vững mới có hy vọng dựa vào đó để đẩy lui quân thù. Vậy, những yếu địa của Trung Quốc sẽ là những nơi nào?

Theo phân tích của một tác giả trên trang Thấu Théo, Trung Quốc có bốn tỉnh và một thành phố mà họ sẽ phải quyết tâm giữ vững. Tỉnh số một là Tứ Xuyên, nằm ở phía Tây Nam có nhiều tài nguyên và nhân lực. Thành phố Thành Đô của Tứ Xuyên được mệnh danh là “Thiên Phủ Chi Quốc”.

Nếu xảy ra chiến tranh, việc bảo đảm lương thực cho nhân dân và quân đội là một vấn đề quan trọng. Căn cứ theo báo chí ở Tứ Xuyên đưa tin, năm 2022, tổng sản lượng lương thực của tỉnh này đạt 70,2 triệu tấn, liên tục 3 năm duy trì sản lượng trên 70 triệu tấn.

Ngoài nông nghiệp, năng lực công nghiệp của Tứ Xuyên cũng rất hùng mạnh. Tỉnh này hiện có hơn 14.000 doanh nghiệp, trong đó nổi bật nhất là Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô. Doanh nghiệp này là nhà sản xuất của các loại máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Trung Quốc, như J-10, J-20. Bởi vì có nông nghiệp phát triển, đóng góp sản lượng lương thực lớn và cơ sở công nghiệp quan trọng cho quốc phòng, nên Tứ Xuyên được xếp là yếu địa số một cần bảo vệ trong chiến tranh.

Tỉnh thứ hai là Hắc Long Giang. Tương tự như Tứ Xuyên. Hắc Long Giang có nông nghiệp phát triển, thậm chí còn chuyên môn hóa và quy mô lớn hơn. Hắc Long Giang nằm ở đông bắc Trung Quốc, phía bắc và phía đông của tỉnh này giáp nước Nga, phía tây giáp khu tự trị Nội Mông, phía nam giáp tỉnh Cát Lâm. Hắc Long Giang là một tỉnh có điều kiện độc đáo, xét về diện tích cây lương thực, diện tích canh tác bình quân mỗi người, đều xếp thứ nhất toàn quốc. Trước đây, nơi này có vị trí xa xôi, nên bị gọi là vùng Bắc Đại Hoang, nhưng hiện nay đã trở thành vùng cơ sở lương thực của Trung Quốc.

Đất đen được xem là phì nhiêu nhất thế giới, mà đất đen ở Trung Quốc lại tập trung chủ yếu ở tỉnh Hắc Long Giang. Do đó, đất đen ở Hắc Long Giang được ví von là một lạng đất, hai lạng dầu. Do đất đai màu mỡ cho nên ở vùng này ruộng lúa bất tận, cây trái hoa màu phồn thịnh. Người ta ví von rằng, cứ chín bát cơm của người Trung Quốc ăn thì có một bát đến từ Hắc Long Giang. Do là vùng cung cấp lương thực quan trọng cho nên Hắc Long Giang là yếu địa số hai cần phải bảo vệ, để bảo đảm vấn đề ăn mặc của nhân dân và bộ đội.

Yếu địa thứ ba là Tân Cương, nằm ở miền tây bắc Trung Quốc. Năm 60 trước Công nguyên, nhà Tây Hán đã thiết lập Tây Vực Đô Hộ Phủ ở nơi mà ngày nay thuộc về đất Tân Cương. Kể từ đó, Tân Cương bị sáp nhập vào Trung Quốc. Tân Cương là một cửa ngõ giao lưu của Trung Quốc với Trung Á và Tây Á. Tỉnh này giáp tới tám nước, gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Pakistan, Mông Cổ, Ấn Độ và Afghanistan. Vì vị trí địa lý đặc thù, lại là khu vực biên giới tây bắc của Trung Quốc và là hậu phương lớn nên Tân Cương có vị trí chiến lược rất quan trọng.

Trong lịch sử, Tân Cương từng là một phần quan trọng trong Con đường tơ lụa cổ đại giữa Trung Quốc với các nước Trung Á và Tây Á. Hiện nay, Tân Cương cũng là cây cầu thứ hai của đại lục châu Á phải vượt qua là một mắt xích trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, vị trí chiến lược trọng yếu. Nếu Tân Cương thất thủ thì chiến lược Vành đai và Con đường cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Tân Cương còn có tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Địa hình, địa mạo Tân Cương toàn là sa mạc, nhưng bên dưới tài nguyên như dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá, quặng kim loại. Dầu mỏ và khí thiên nhiên của Tân Cương có trữ lượng chiếm 1/4 tổng chữ lượng toàn quốc. Về khoáng sản, trong số 162 loại khoáng sản đã phát hiện được trong toàn Trung Quốc, Tân Cương có đến 122 loại, có chín loại có trữ lượng đứng đầu toàn quốc, trữ lượng than ở Tân Cương ước tính 2,2 tỷ tấn, chiếm 40% toàn Trung Quốc.

Cải cách mở cửa của Trung Quốc đã qua hơn 40 năm, dải duyên hải Đông Nam Trung Quốc ở những nơi còn có thể phát triển và mở cửa là không nhiều tình trạng đã gần như bão hòa. Kinh tế tuy vẫn phát triển, nhưng tốc độ đã không còn như trước. Do vậy, người ta cho rằng trong tương lai không lâu nữa cần phải tìm đến các điểm tăng trưởng kinh tế mới. Tân Cương là tỉnh tiếp giáp tới tám nước tiền đồ phát triển rất khả quan, cho nên, nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc cần phải bảo vệ tốt cho Tân Cương.

Thứ tư là tỉnh Quảng Đông. Ở trên đã nói, chiến tranh hiện đại không thể tách rời công nghệ cao. Nếu chiến tranh xảy ra, nhu cầu không chỉ là lương thực dự trữ sung túc, mà còn cần sự hỗ trợ công nghệ cao. Hiện nay đã không còn là thời kỳ chiến tranh binh khí lạnh như xưa nên chiến tranh phụ thuộc rất nhiều vào khoa học kỹ thuật. Sự phát triển khoa học kỹ thuật của Quảng Đông có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quân đội về khoa học kỹ thuật.

Quảng Đông là khu vực kinh tế phát triển ở phía Nam Trung Quốc. Từ sau cải cách mở cửa, tỉnh này đã thành trận địa tiền duyên của cải cách và là một cửa ngõ quan trọng thu hút kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật phương Tây. Từ năm 1989, GDP tỉnh Quảng Đông đã luôn đứng đầu toàn quốc, trở thành tỉnh mạnh nhất về kinh tế, chiếm 1/8 GDP cả nước. Sở dĩ kinh tế Quảng Đông phát triển tốt như vậy, nguyên nhân chủ yếu là có liên quan đến trình độ khoa học kỹ thuật. Quảng Đông có nhiều cơ sở sản xuất điện tử quy mô lớn. Từ thiết bị điện tử đến các loại linh kiện, Quảng Đông đều sản xuất được. Các công ty quen thuộc với mọi người như Huawei, Tencent, Alibaba đều có trung tâm sản xuất ở Quảng Đông. Những công ty lớn này có sự phối hợp bổ sung lẫn nhau với tỉnh Quảng Đông về khoa học kỹ thuật, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển. Nếu chiến tranh ở Trung Quốc xảy ra, những lực lượng khoa học kỹ thuật này đều sẽ trở thành sự hỗ trợ quan trọng cho quân đội, cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho quân đội.

Cuối cùng là thủ đô Bắc Kinh. Bắc Kinh không phải là tỉnh, mà là một thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng là thủ đô, nên địa vị của nó đặc biệt. Nếu chiến tranh xảy ra Bắc Kinh tất nhiên sẽ thành đô thị trọng tâm. Bất luận kẻ địch là nước nào, mục đích cuối cùng của họ tất nhiên cũng là đánh tới Bắc Kinh. Nếu Bắc Kinh thất thủ, lòng tin của nhân dân toàn quốc cũng sẽ bị tan vỡ,lòng quân cũng dao động.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới