Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhả năng vỡ nợ của Campuchia cao nhất Đông Nam Á

Khả năng vỡ nợ của Campuchia cao nhất Đông Nam Á

Dạo một vòng quanh những thành phố lớn của Campuchia như Phnom Penh hay Sihanoukville, chúng ta sẽ không khó để bắt gặp những tòa nhà cao tầng, khách sạn hay nhà hàng được xây dựng vô cùng xa hoa lộng lẫy. Cùng với đó là những tụ điểm giải trí hay sòng bài mọc lên như nấm, lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Tất cả những công trình trên đều ra đời từ những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc.

Thế nhưng, đằng sau diện mạo hào nhoáng và bóng bảy ấy là một thực trạng đáng lo ngại khi cuộc sống của người dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ việc mất chỗ ở, không có việc làm, bị bóc lột và chèn ép ngay trên chính quê hương của mình. Trầm trọng hơn, nhiều chuyên gia còn nhận định rằng việc Trung Quốc hào phóng rót hàng chục tỷ đô la vào Campuchia không thực sự đơn giản mà có thể nó còn nhằm thực hiện vào một mục đích chiến lược còn to lớn hơn. Kết quả rõ ràng nhất là việc Campuchia có xu hướng phải trả nợ liên tục cho Bắc Kinh trong nhiều năm. Điều này khiến Campuchia trở thành một trong những quốc gia có khả năng vỡ nợ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu như nguy cơ này xảy ra thì bên nào được lợi nhiều nhất từ việc này? Liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia, theo Ngân hàng Thế giới, sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn vào cuối năm 2021. Nền kinh tế Campuchia từ đó tiếp tục hồi phục khá vững chắc với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 5,2% vào năm 2023.

Sự phục hồi mạnh mẽ trong các ngành may mặc và dịch vụ, đặc biệt là thương mại và du lịch đã giúp Campuchia trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19, với lượng du khách nước ngoài tăng nhanh khi quốc gia này đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 và Đại hội Thể thao Người Khuyết Tật Đông Nam Á lần thứ 12. Nhìn chung, đây là những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Campuchia sau một thời gian dài bị lũng đoạn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức bên ngoài bao gồm những bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu và tác động của xung đột Nga – Ukraine khiến lạm phát đạt đỉnh 5,3% vào năm 2022.

Trong năm 2021, Trung Quốc là nhà đầu tư đứng đầu về vốn FDI đã được duyệt, chiếm 48,2% tổng dòng vốn FDI chảy vào Campuchia. Singapore và Hàn Quốc là quốc gia xếp thứ hai và thứ ba với tỷ trọng lần lượt là 8,3% và 8,1%. Ngoài ra Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Vương quốc Anh, Mỹ và Việt Nam cũng nằm trong số những nhà đầu tư hàng đầu tại quốc gia này.

Chỉ tính riêng Trung Quốc, trong giai đoạn 1994 – 2021, tổng giá trị đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã lên đến 17,3 tỷ đô la. Họ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chính là nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hạ tầng cơ sở, dịch vụ và du lịch. Các tổ chức của Campuchia xử lý số liệu thống kê đã gọi Trung Quốc là khu vực Trung Hoa Đại Lục bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và cả Đài Loan. Nhưng do những vấn đề chính trị cho nên những khoản đầu tư của Đài Loan vào Campuchia là không đáng kể. FDI của Trung Quốc phần lớn là đến từ các công ty nhà nước hoặc công ty liên kết và nó đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng ở Campuchia, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng.

Các doanh nghiệp Trung Quốc trong đó có nhiều doanh nghiệp nhà nước không phải tuân theo các luật như là Đạo luật Chống Tham Nhũng ở nước ngoài của Hoa Kỳ. Theo Hội đồng Phát triển của Campuchia vào năm 2022, Campuchia ghi nhận dòng vốn FDI đạt 1,2 tỷ đô la với khoảng 80% được cho là đến từ Trung Quốc.

Với các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, số lượng casino được cấp phép ở Campuchia đã tăng lên từ 57 lên 150 trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019. Riêng thành phố Sihanoukville có gần 100 sòng bạc.

Đi cùng với sự đầu tư ồ ạt của Trung Quốc đã kéo theo hàng chục nghìn người từ quốc gia tỷ dân hiện diện ở Campuchia trong vai trò công nhân lao động và khách du lịch. Trong khi Chính phủ xứ sở chùa tháp thông qua các dự án đầu tư của nước ngoài mong muốn có thể phần nào giải quyết được vấn đề thất nghiệp của người dân, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ muốn sử dụng lao động người Trung vì vừa dễ dàng về mặt ngôn ngữ lại vừa giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp cũng đang rất nghiêm trọng ở ngay trong chính Đại lục.

Bên cạnh đó, những khách du lịch chủ yếu là những người chơi bài được thoải mái sát phạt mà không cần lo ngại về việc vi phạm luật tại Trung Quốc. Đó là còn chưa kể sự quản lý lỏng lẻo của một số địa phương và cũng từ đây các tệ nạn như là rửa tiền, buôn người, buôn bán động vật quý hiếm…. đã có rất nhiều diễn biến phức tạp khiến cho tình hình an ninh ở Campuchia trở nên bất ổn hơn.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, những vụ bạo lực và xả súng tại Sihanoukville cũng như các thị trấn khác của Campuchia liên quan đến người Trung Quốc đã có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì thủ phạm thậm chí còn được thả ra và chỉ kèm theo lời nhắc nhở từ cảnh sát khu vực.

Điều gì sẽ xảy ra khi Campuchia vỡ nợ?

Trong những năm gần đây, Campuchia đã trải qua thâm hụt ngân sách liên miên dẫn đến việc tích lũy nợ công khá lớn và gia tăng căng thẳng trong nguồn ngân sách. Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ công của nước này đã lên tới gần 10 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 GDP quốc gia, mà trong đó 43% số nợ đều thuộc về Trung Quốc.

Có thể thấy được, ngoài việc là một người bạn giúp đỡ nhau trên mọi mặt trận, Bắc Kinh cũng chính là chủ nợ lớn nhất của Phnom Penh. Nhìn chung không thể phủ nhận rằng sự đầu tư mạnh mẽ cùng các khoản vay trị giá hàng chục tỷ USD đến từ Bắc Kinh đã phần nào giúp cho Phnom Penh lột xác ngoạn mục như hiện nay. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt, với tình hình phụ thuộc trên nhiều lĩnh vực hiện nay, thì trong tương lai Campuchia có nguy cơ trở thành quốc gia đứng đầu trong sổ nợ của Trung Quốc.

Chắc hẳn chúng ta đã nghe nói nhiều về sáng kiến Vành Đai và Con Đường. Và bất kỳ quốc gia nào cũng dễ đồng ý với dự án này, đây là những tin mừng đối với Trung Quốc. Sở dĩ nó là tin mừng vì gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của sáng kiến đó đều là nguồn tài trợ của Trung Quốc. Thế nhưng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới hoặc bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều không dễ dàng thực hiện.
Trung Quốc đang tài trợ cho các dự án này bởi vì các công ty của họ đang tham gia xây dựng chúng. Do đó, tất cả số tiền mà Campuchia chi trả cho những dự án sẽ trở thành thu nhập cho các công ty Trung Quốc ngay lập tức. Các công ty sau đó sẽ sử dụng số tiền kiếm được để trả lương cho công nhân, mà phần lớn là công nhân người Trung Quốc. Từ đó làm tăng sự giàu có và chi tiêu của người dân nước họ và chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thu hồi một phần chi tiêu này thông qua việc thu thuế từ công ty và người lao động.

Của thiên trả địa

Thực tế cho thấy, sáng kiến Vành Đai và Con Đường trong nhiều năm qua đã luôn đối mặt với nhiều tranh cãi, bao gồm cả nghi vấn gài bẫy nợ cho các nước nghèo và cáo buộc đất nước tỷ dân sử dụng nó để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Bởi vì khi một quốc gia đã quyết định xây dựng các dự án, họ sẽ tự khắc thấy mình đang mắc nợ Trung Quốc rất nhiều.

Nếu các dự án được tài trợ khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế của quốc gia vay mượn, họ hoàn toàn có thể thanh toán những khoản vay cho Trung Quốc theo thỏa thuận ban đầu. Trong trường hợp này, chúng thực sự mang lại giá trị cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu các dự án được tài trợ không có sự bền vững hoặc là giới cầm quyền có tư tưởng nhắm mắt ký bừa, thì nó sẽ lấy đi nguồn ngoại tệ mà hoạt động xuất khẩu tạo ra.

Đây là lý do vì sao mà các quốc gia như Pakistan lại đang gặp khủng hoảng ngoại hối vì Trung Quốc sẽ không chấp nhận hoàn trả bằng đồng nội tệ.

Tồi tệ hơn, nếu quốc gia này không trả được nợ nó có thể sẽ phải tuyên bố vỡ nợ theo định nghĩa của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì vỡ nợ được hiểu theo một cách đơn giản là thất hứa hoặc vi phạm thỏa thuận. Một chính phủ vay tiền từ các chủ nợ trong và ngoài nước thì họ có nghĩa vụ phải trả lãi trên các khoản vay đó. Vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không có khả năng hoặc không muốn thực hiện một số hay toàn bộ nghĩa vụ nợ đối với người cho vay. Mà trong đó, nền kinh tế suy yếu và chi tiêu không có kế hoạch là 2 trong số những yếu tố có thể dẫn đến vỡ nợ.

Từ đây, chủ nợ trong trường hợp giả định là Trung Quốc, họ sẽ tiếp quản tài sản đã được tài trợ và bắt đầu tính tiền cho việc sử dụng tài sản đó. Tóm lại, quá trình này chắc chắn sẽ có lợi cho Trung Quốc, trong khi nó có thể là thảm họa đối với các quốc gia đang sở hữu.

Bẫy nợ ở Campuchia gia tăng

Ở thời điểm hiện tại, tình hình tài chính ở Campuchia không hề xấu. Điều này là do tỷ lệ nợ trên GDP của Campuchia ở mức 40%, con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ trên GDP của nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn như cường quốc số 1 thế giới là Hoa Kỳ khi quốc gia này có tỷ lệ nợ trên GDP là 105%. Hay nợ công của Nhật Bản năm 2022 lên tới 264% GDP, Singapore là 141% GDP.

Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng mừng vì thực tế là tình hình bẫy nợ tại Campuchia đã tăng lên với tốc độ đáng kể trong 10 năm qua. Điều này gây ra mối lo ngại không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai khi chính quyền xứ sở Chùa Tháp vẫn sẽ xúc tiến hàng loạt các dự án quy mô khủng có vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Bên cạnh các khoản nợ lớn đến từ Trung Quốc, Campuchia cũng đã phải gánh thêm các khoản nợ nhỏ khi nhiều người dân Campuchia đang phải vật lộn để trả các khoản vay mà họ đã vay từ các công ty tài chính Bibo.

Ở thời điểm hiện tại, hơn 10% dân số Campuchia nợ nhiều tiền hơn mức họ có thể trả được. Chắc chắn khi nghe qua thì chúng ta sẽ thấy có ít sự liên quan. Tuy nhiên, nó lại liên quan rất mật thiết vì nếu một quốc gia không trả được nợ thì quốc gia đó sẽ bắt đầu đánh thuế công dân nhiều hơn để chịu nhiều thuế hơn thì công dân nước đó bắt buộc phải có đủ nguồn tài chính.

Tuy nhiên, ở Campuchia người dân lại không có điều kiện tài chính tốt. Do đó, nếu có tình huống xấu xảy ra thì nước này không thể thu được gì từ người dân.

Trong viễn cảnh vỡ nợ xảy ra, việc là chủ nợ lớn nhất sẽ là cơ sở cho Trung Quốc gây áp lực đối với Campuchia bằng cách yêu cầu nước này gán lại các cơ sở hạ tầng chiến lược như điều tương tự đã xảy ra ở Sri Lanka. Cơ sở hạ tầng hàng đầu mà Bắc Kinh nhắm tới không đâu khác là cảng nước sâu Sihanoukville, một cảng có vị trí chiến lược quan trọng và Quân Cảng Ream, nơi Trung Quốc đang giúp xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nếu Trung Quốc có quyền kiểm soát hoàn toàn hai cảng biển này và đưa lực lượng hải quân đến đây thì có thể gây ảnh hưởng lên Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca. Điều này chắc chắn sẽ gây ra không ít những lo ngại về an ninh và chủ quyền trên vùng biển của nhiều quốc gia lân cận.

Nhìn chung, đây chỉ là giả thuyết, vì về mặt toán học thì Campuchia hiện đang không gặp vấn đề to lớn về nợ nần. Tuy nhiên, thực tế là tình hình nợ tại quốc gia này lại đang tăng ở mức đáng báo động và tất cả số nợ đó đều thuộc về người bạn thân thiết nhất, đó là Trung Quốc.

Liệu ASEAN và Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Trong nhiều năm qua, Nguyên thủ Campuchia là ông Hun Sen liên tục bảo vệ mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Ông gọi những ý kiến chỉ trích Campuchia xích lại với Trung Quốc là phi lý. Đi kèm với những tuyên bố dứt khoát thì chính quyền Xứ sở Chùa Tháp luôn có nhiều động thái để làm vui lòng người bạn của mình khi nhiều lần thể hiện sự ủng hộ Trung Quốc trên lập trường chính trị.

Vào năm 2009, nước này đã tuyên bố trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc bất chấp sự phản đối từ quốc tế. Đến năm 2016, Campuchia tiếp tục trục xuất về đại lục 13 người thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan là các đối tượng bị truy nã vì cáo buộc lừa đảo. Vụ việc này sau đó đã bị chính quyền Đài Bắc phản ứng mạnh cho rằng Bắc Kinh đã bắt cóc công dân của họ.

Năm 2012, khi giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia cũng đã ngăn ASEAN ra thông báo chung về hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hiện nay, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một số nước thuộc khối ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia. Bắc Kinh hiểu rất rõ nếu phải đối diện với một hiệp hội ASEAN thống nhất, nước này sẽ khó có khả năng đạt được mong muốn ở Biển Đông.

Những toan tính của Trung Quốc thể hiện rõ ràng khi họ muốn phân nhỏ các mối quan hệ để có thể giải quyết những cuộc tranh chấp của mình một cách riêng lẻ với từng thành viên ASEAN. Để làm được điều đó, Bắc Kinh đã tìm đến những điểm huyệt yếu của tổ chức này và Campuchia chính là con át chủ bài mà Trung Quốc muốn thông qua đó để có thể kiểm soát những vấn đề trong khu vực, đặc biệt là về Biển Đông.

Bên cạnh đó, khi Trung Quốc thâm nhập sâu vào Campuchia, quan hệ Trung Quốc – Campuchia ngày càng mật thiết thì quan hệ Việt Nam – Campuchia có thể bị ảnh hưởng. Ngoài những vấn đề về chính trị và an ninh, thì quan hệ kinh tế hai bên cũng sẽ chịu tác động tiêu cực và Việt Nam có thể bị đẩy dần ra khỏi thị trường Campuchia.

Ngoài ra, trong trường hợp Campuchia vỡ nợ và Trung Quốc với lợi thế của mình có thể triển khai lực lượng quân sự ở Dara Sakor hay căn cứ Ream của Campuchia, giống như cách mà nước này đang làm ở căn cứ hải quân của Trung Quốc tại Djibouti. Từ đây, Bắc Kinh có thể kết hợp các cơ sở trên cùng với các cơ sở xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để hình thành một mạng lưới căn cứ quân sự. Nếu điều này xảy ra thì sẽ rất bất lợi cho khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Cuối cùng, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang xoay trục và tạo sức ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc Campuchia có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng sẽ là bàn đạp giúp Trung Quốc tiến sâu, gia tăng ảnh hưởng và loại dần ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực này. Từ đây, “con hổ” Trung Quốc lớn có thể có nhiều tiếng nói hơn và nghiễm nhiên sẽ trở thành đối trọng trực tiếp với Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới