Saturday, July 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVùng biển nóng và cơn mưa cuối chân trời

Vùng biển nóng và cơn mưa cuối chân trời

Tàu tuần duyên và dân quân biển của Trung Quốc thường xuyên đâm va vào tàu của Philippines và các nước khác trên Biển Đông là câu chuyện tưởng như nhàm chán. Thế nhưng nếu các nước không lên tiếng thì luật pháp quốc tế sẽ hóa tờ giấy lộn.

Nói “lên tiếng” là ngôn ngữ ngoại giao, kỳ thực đó là những bản tuyên bố, những phát ngôn, chỉ trích nặng nề, những cuộc triệu tập Đại sứ để phản đối, và cả…. hành động đối đầu trên thực địa.

Từ đầu năm đến cuối năm 2023, những vụ đâm và tàu đã lên đến con số vài chục vụ. Phía Philippines cho biết, họ đều có hình ảnh quay video, nghĩa là “nói có sách, mách có chứng”, chứ không phải là “ăn vạ” hay “vu cáo”.

Vụ việc mới nhất vừa xảy ra hôm 10/12 tại bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Đây là nơi Bắc Kinh và Manila tranh chấp chủ quyền. Tàu của Philippines và tàu tuần duyên Trung Quốc đã gần như lao vào nhau. Theo AFP: “Các tàu tuần duyên Trung Quốc và dân quân biển Trung Quốc đã quấy nhiễu, chặn các tàu tiếp liệu dân sự của Philippines và thực hiện các hoạt động nguy hiểm”.

Lực lượng quốc gia tại Biển Tây Philippines khẳng định, một trong hai tàu chở hàng tiếp liệu của Philippines đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm trực diện. Còn hai tàu tiếp liệu khác trong đoàn và một tàu hộ tống của Hải Cảnh Philippines bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, làm động cơ của một tàu tiếp liệu hỏng hóc nghiêm trọng.

Trước đó, hôm 9/12, tàu tuần duyên Trung Quốc uy hiếp 3 tàu của Philippines bằng vòi rồng tại bãi cạn Scarborough, cách đảo Luzon của 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 900 km. Điều đó chứng tỏ, lực lượng Hải quân trá hình của Trung Quốc đang mở “chiến dịch” tấn công Philippines trên biển.

Thế nhưng phía Trung Quốc lại tố cáo ngược lại. Rằng, tàu Philippines đã khiêu khích, “cố tình va chạm” với tàu tuần duyên của họ. Cụ thể, 4 tàu Philippines đã “xâm nhập bất hợp pháp” vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Họ còn miêu tả, một tàu Philippines “đã phớt lờ những cảnh báo nghiêm khắc mà chúng tôi nhiều lần đưa ra”; “đột ngột đổi hướng một cách thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm”.

Trước sự “phản đối” và đe dọa của Bắc Kinh, Đoàn tàu thuyền dân sự của Philippines buộc phải thay đổi kế hoạch. Đoàn tàu thuyền gồm khoảng 100 ngư dân Philippines dự kiến là sẽ đi qua bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), để tiếp liệu cho các tiền đồn xa hơn ngoài khơi nhân mùa Giáng Sinh. Thế nhưng sau khi có sự cố, mặc dù các nhà tổ chức thông báo tiếp tục đi theo hải trình đã định, nhưng cuối cùng đã phải thay đổi tuyến đi.

Không phải chỉ có Manila lên án mà nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã tỏ ra bất bình trước hành động ngang ngược của tàu dân quân biển Trung Quốc. Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông MaryKay Carlson, khẳng định Washington đứng về phía Manila, chỉ trích “các hành động bất hợp pháp và nguy hiểm lặp lại nhiều lần của Trung Quốc” nhắm vào tàu Philippines. Còn Đại sứ của Liên Âu tại Manila, Luc Véron, nhận định sự cố lần này là không thể chấp nhận, gây “lo ngại sâu sắc”.

Vì sao nói hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp? Cần phải lấy căn cứ là Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế Liên hợp quốc tại Lahaye, năm 2016. Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt hành vi quấy rối thường xuyên” tàu của các quốc gia liên quan khác trên Biển Đông. Lời kêu gọi được đưa ra nhân kỷ niệm 7 năm ngày Toà Trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” nuốt trọn Biển Đông.

Phán quyết của Toà là cơ sở pháp lý cao nhất, mang tính ràng buộc pháp lý, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế. Vậy thì, tàu thuyền Trung Quốc không có bất cứ lý do gì cản trở tàu của các nước khác hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Dịp này Nhà trắng cũng kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hành vi cản trở quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời chấm dứt sự can thiệp vào quyền tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực.

Mặc, “đường ai nấy đi”, Trung Quốc tiếp tục duy trì quan điểm không công nhận Phán quyết của Tòa, cũng như bất kỳ hành động nào dựa trên phán quyết đó. Họ cũng bác bỏ và phớt lờ hàng trăm phản đối ngoại giao của các nước khác, nhiều nhất là Philippines.

Cùng với Mỹ, nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Vương quốc Anh, Úc ủng hộ Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines đã ra mắt trang web đăng “thông tin chính thức” về chiến thắng pháp lý của Manila trước Bắc Kinh. “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực cố tình làm giảm hoặc làm suy yếu hiệu lực pháp lý của Phán quyết dựa trên luật pháp quốc tế. Phán quyết là cuối cùng, không còn có thể tranh cãi và hay thỏa hiệp”. – Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro phát biểu tại một Diễn đàn về Biển Đông.

Không chỉ có Philippines, các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc cũng thường xuyên phản đối hành động lấn lướt, bắt nạt của Bắc Kinh. Thế nhưng, cứ sau mỗi lần phản đối, các sự cố gia tăng căng thẳng lắng xuống đôi chút rồi lại bùng lên một cách mạnh mẽ hơn. Xung đột không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh luôn nói những điều hay ho về chủ trương hòa bình, hữu nghị, thực hiện chính sách “Ngoại giao láng giềng”, rồi xây dựng một “Cộng đồng chung vận mệnh”. Vậy thì, những căng thẳng trên biển là do đâu? Chẳng lẽ “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, cấp dưới cố tình làm sai chủ trương, đường lối của cấp trên? Điều này khiến các nước trong khu vực liên hệ đến việc thảo luận thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Có lẽ nó mãi chỉ cơn mưa thấp thoáng cuối chân trời. Và Biển Đông vẫn là vùng biển nóng.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới