Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLời nói có đi đôi với hành động?

Lời nói có đi đôi với hành động?

Một lần nữa, câu hỏi nghi ngờ này trở lại với nhiều người quan tâm tình hình Biển Đông, trước diễn biến căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trong vài ngày vừa qua.

Philippines cáo buộc Trung Quốc đã dùng vòi rồng ngăn chặn một tàu tiếp tế của nước này, ngày 10/12/2023

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12-13/12 vừa qua, là một sự kiện ngoại giao quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Quan trọng bởi Trung Quốc là một siêu cường, nếu tính về thứ bậc, thời điểm này chỉ còn xếp sau Mỹ. Thứ nữa, với các nước ASEAN, Trung Quốc đã thành đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ tháng 10/2021, sau Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 24 (diễn ra với hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19). Thế nên, động thái ngoại giao của một nước thành viên (trong trường hợp này là Việt Nam) với một cường quốc, đều khiến các nước thành viên khác quan tâm, theo dõi.

Về mặt tâm thế, các nước ASEAN thảy đều mong kiến tạo, thiết lập được với Bắc Kinh mối quan hệ tích cực, tốt đẹp. Họ hiểu rằng, điều đó tối quan trọng cho việc giữ được ổn định, hòa bình khu vực. Do vậy, một điểm nóng trong khu vực bùng phát, không chỉ một quốc gia liên quan trực tiếp chịu hậu quả, mà ảnh hưởng tiêu cực có thể lan tỏa, tác động tới mọi nước thành viên.

Thế nên, khi chuyến công du Việt Nam của ông Tập kết thúc, toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc được công bố, dư luận các nước ASEAN đã cả mừng trước những ngôn từ lộng lẫy thể hiện tinh thần trách nhiệm và lạc quan của Hà Nội và Bắc Kinh vào mục tiêu, triển vọng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”, được nhấn mạnh là “có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.

Cái mừng càng như được nhân lên khi nhiều tờ báo chính thống của Hà Nội và Bắc Kinh cùng thể hiện sự hân hoan qua nhiều bài viết về kết quả vừa đạt được. Nhiều bỉnh bút các tờ báo lớn Trung Quốc và Việt Nam đã không ngần ngại gọi đây là “bước ngoặt” tích cực, tràn trề tương lai của mối bang giao giữa hai quốc gia láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” vốn nhiều ân oán này.

Các quốc gia bấy lâu nay thường bị Trung Quốc quấy nhiễu, gây hấn trên biển như Philippines, Malaysia, Indonesia càng hy vọng, việc hai bên cam kết “kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực…” thực sự xuất phát từ sự chân thành, thay vì chỉ là các diễn ngôn hào nhoáng.

Tuy nhiên, đúng thời điểm này, những gì diễn ra trên Biển Đông khiến những người lạc quan nhất cũng đang tắt đi niềm hy vọng. Ngày 9 và 10/12/2023, Philippines cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng, thậm chí “đâm vào” các tàu tiếp liệu của Philippines tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện Philippines kiểm soát), và bãi cạn Scarborough – điểm nóng dẫn tới vụ kiện Bắc Kinh đình đám của Manila tại Tòa trọng tài PCA năm 2013.

Va chạm, gây hấn của Trung Quốc với Philippines gia tăng trong thời gian gần đây – điều đó ai cũng biết. Tuy nhiên, giới truyền thông, trong đó có đài RFI, đã coi sự cố các ngày 10-12/12/2023 là những vụ “va chạm nghiêm trọng nhất” từ nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, nó lại “diễn ra chưa đầy một tháng sau cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn APEC tại Los Angeles, Hoa Kỳ”. Hàm ý của truyền thông ở đây là gì? Là ngay cả khi các nhà lãnh đạo cao nhất giữa các quốc gia nắm tay nhau nồng nhiệt, kèm theo đó những lời có cánh về sự thiện chí, cũng đừng có mà lấy đó làm niềm tin tuyệt đối rằng, những điều tích cực nhất định sẽ đến.

Trở lại câu chuyện “vòi rồng” xuất hiện trên Biển Đông nêu trên. Một cuộc đấu khẩu dữ dội đã lập tức diễn ra giữa hai bên. Trong một thông báo phát đi, Bộ Ngoại giao Philippines đã cáo buộc Trung Quốc “đe dọa hòa bình, trật tự và ổn định” trong khu vực; Bắc Kinh hành động “trái ngược với những cam kết trước đây…”. Thậm chí, nhà lãnh đạo cao nhất của Manila là ông Ferdinand Marcos Jr, đích thân lên tiếng quy hành động của Bắc Kinh là những hành vi hù dọa và uy hiếp ở vùng biển mà Manila cho là mình có chủ quyền “không thể chối cãi”. Trong khi đó, Bắc Kinh lên án Philippines cho tàu bè “xâm nhập trái phép hải phận” và gọi đó là “các hành vi khiêu khích”.

Một số cơ quan truyền thông phương Tây, nhân vụ này muốn kéo Mỹ vào cuộc bằng những bình luận “bơm đểu”, rằng: với các động thái trên, đối tượng Bắc Kinh nhằm vào là Washington – đồng minh từng thề sống chết với Philippines nếu nước này bị đe dọa – chứ chưa chưa hẳn đã là Manila. Nói cách khác, Trung Quốc muốn thử xem Mỹ có hành động nào khác hơn những động thái hùng hổ…miệng như lâu nay.

Cho dù nhằm vào Philippines hay ra bài test với Mỹ, những hành động gây căng thẳng mới nhất vừa diễn ra tại khu vực Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough, trùng thời điểm tại Hà Nội, ông Tập Cận Bình đưa ra những hứa hẹn đầy trách nhiệm về vấn đề Biển Đông, cho thấy, với Bắc Kinh, việc nhất quán giữa lời nói và việc làm mới khó làm sao.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới