Friday, January 24, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTại sao TQ vẫn chưa thể vượt Mỹ?

Tại sao TQ vẫn chưa thể vượt Mỹ?

Năm 2010, tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản. Bắc Kinh trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Washington, tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn cả Mỹ. Người Trung Quốc khi đó vô cùng hoan hỉ trước những dự báo về kinh tế Trung Quốc sẽ soán ngôi số 1 của Mỹ.

Mấy năm nay, dư luận Trung Quốc ngày càng bàn thảo sôi nổi về chiến lược kinh tế xã hội vượt qua Mỹ. Dường như, từ sau ngày Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc càng hăng hái đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh sức mạnh của họ trên một số mặt đã vượt Mỹ từ rất sớm. Những công bố đó làm nức lòng dân chúng trong nước, hình thành “thuyết” Trung Quốc vượt Mỹ.

Điều quan trọng nhất khi đánh giá sức mạnh của một quốc gia

Thứ khiến nhiều người lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc là quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, cùng với rất nhiều thống kê khác, bao gồm sản lượng công nghiệp và sản xuất, dòng chảy thương mại và tài chính, chi tiêu cho quân sự, nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở hạ tầng.

Chính phủ Trung Quốc cũng nắm lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với hơn 3.000 tỷ đô. Và Trung Quốc cũng hơn hẳn Mỹ về kim ngạch thương mại. Mặc dù GDP danh nghĩa Trung Quốc vẫn đang thua Mỹ, nhưng GDP tính theo sức mua tương đương (PPP), vốn thường được dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống, Trung Quốc đang ở vị trí đầu bảng trong số 180 quốc gia mà cả hai nước cùng giao thương. Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn hơn Mỹ ở 124 nước, bao gồm cả những đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng của Mỹ. Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu trở thành nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thiết bị và tín dụng trong cộng đồng các quốc gia đang phát triển phần lớn ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh, khi mà giờ đây, đều phụ thuộc vào Trung Quốc về chính trị và kinh tế.

Thế nhưng, những số liệu tốt về kinh tế vĩ mô không nói lên tất cả, không đồng nghĩa rằng Trung Quốc sẽ chiếm vị thế bá chủ của Mỹ. Trong cuốn sách “Tại sao Mỹ sẽ vẫn là siêu cường duy nhất của thế giới”, nhà chính trị học Michael Beckley đã tổng kết về sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc trong hơn 200 năm qua. Ông đã chứng minh rằng, việc xác định kẻ thắng người thua trong những cuộc tranh chấp và chiến tranh quốc tế không hoàn toàn căn cứ vào những chỉ số trên. Trên thực tế, nếu dựa theo những đánh giá bằng những chỉ số trên, Trung Quốc đã từng đứng đầu thế giới một lần trước đây.

Đó là vào thế kỷ thứ 19, Trung Quốc có nền kinh tế và quân đội lớn nhất thế giới. Họ cũng là nước nắm thặng dư thương mại với nhiều cường quốc. Tuy nhiên, nhiều công dân Trung Quốc ngày nay nghĩ về thời đại đó như một thế kỷ nhục nhã, khi mà đất nước của họ bị mất một phần lãnh thổ rộng lớn và hầu hết chủ quyền vào tay của các quốc gia nhỏ hơn, đặc biệt là Anh và Nhật Bản.

Tương tự như vậy, nước Nga thế kỷ 19 có GDP và quân sự lớn nhất châu Âu, nhưng nước này cũng đã thất bại nặng nề trước Anh, Pháp và Đức, kết thúc bằng sự sụp đổ của Đế chế Nga vào năm 1917.

Trong thế kỷ 20, Liên Xô từng vượt xa Hoa Kỳ khi cộng lại các chỉ số bao gồm cả sản lượng công nghiệp, chi tiêu quân sự, nghiên cứu phát triển, số lượng binh sĩ, vũ khí hạt nhân, các nhà khoa học và kỹ sư. Thế nhưng hãy cùng nhìn xem điều gì đã xảy ra? Liên Xô vẫn thua trong Chiến tranh Lạnh, những điều này và hàng trăm trường hợp khác đã minh họa một điều quan trọng, Tổng hợp các chỉ số như GDP và chi tiêu quân sự đã phóng đại sức mạnh của nhiều quốc gia đông dân, bởi họ chỉ tính đến lợi ích của việc có một lực lượng lao động dồi dào và một quân đội lớn. Thế nhưng không tính tới các chi phí nhằm đảm bảo cuộc sống của một lượng dân số lớn như vậy, cũng như chi phí cho các cảnh sát và các quân nhân…

Về lâu dài, có ba yếu tố quyết định tới tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế. Đầu tiên là quy mô của lực lượng lao động. Sau đó là nguồn vốn, mọi thứ từ nhà máy cho tới cơ sở hạ tầng giao thông hay mạng lưới liên lạc. Cuối cùng là năng suất hoặc mức độ hiệu quả của sự kết hợp hai yếu tố trên. Trong mỗi tiêu chí này, Trung Quốc đều đối diện với một tương lai không hề chắc chắn.

Sức mạnh của một quốc gia bắt nguồn không phải từ tổng số tài nguyên, mà là từ tài nguyên ròng của nó, tức là các nguồn lực còn lại sau khi trừ đi các chi phí tạo ra chúng. Các chi phí đó bao gồm chi phí sản xuất, cũng như những hệ quả của quá trình phát triển, như ô nhiễm môi trường là một ví dụ. Hay chi phí phúc lợi: Xây dựng đường giao thông, trợ cấp thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và an sinh xã hội. Cuối cùng cũng phải chi phí cho việc nâng cấp sức mạnh quân đội nhằm giữ ổn định an ninh trong và ngoài nước. Không cần phải nói quá nhiều, khi cộng tất cả những chi phí này lại, chúng ta sẽ thấy chúng thường tiêu thụ phần lớn tài nguyên của một quốc gia.

Để có được cảm nhận chính xác về sức mạnh tổng thể của một quốc gia, các nhà phân tích đã theo dõi các chi phí này và các nhà phân tích đã tập trung vào ba lĩnh vực. Đó là vốn sản xuất vật phẩm nhân tạo như máy móc, nhà xưởng, máy bay chiến đấu và phần mềm. Thứ hai là vốn nhân lực, trong đó có giáo dục, kỹ năng và tuổi thọ lao động, vốn tự nhiên, đó là những loại tài nguyên như nước, tài nguyên năng lượng và đất canh tác.

Từ đó, họ vẽ lên cùng một bức tranh, đó là kho tài nguyên ròng của Mỹ có kích thước gấp rất nhiều lần Trung Quốc, doanh thu của Mỹ tăng lên mỗi năm, có năm lên đến hàng nghìn tỷ đô la.

Mối quan hệ địa chính trị giữa Trung Quốc và các nước láng giềng hiện vẫn rất căng thẳng do mối quan hệ thù địch từ trong quá khứ và sự chênh lệch về cán cân sức mạnh. Bắc Kinh rất khó có thể khiến các nước láng giềng tin tưởng rằng sự lớn mạnh về quân sự của nước này là hòa bình, chứ không mang tính đe dọa, hậu quả là các quốc gia khu vực Đông Á nhỏ hơn sẽ đứng về phía Mỹ trong sự lớn mạnh của Trung Quốc. Điều quan trọng đó là nhiều quốc gia trong số này đã phát triển khả năng không quân, hải quân và tên lửa tiên tiến để có thể ngăn chặn Trung Quốc thiết lập kiểm soát trên các vùng biển hoặc vùng trời ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong tương quan đó, Hoa Kỳ hiện đang duy trì một vị trí lãnh đạo kinh tế và quân sự khổng lồ. Nó vẫn lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Để bắt kịp, Trung Quốc cần phải phát triển nguồn lực nhanh hơn. Tuy nhiên, đây thực sự là một quá trình rất dài, với không chỉ các khoản nợ khổng lồ, tài nguyên cạn kiệt và tham nhũng tràn lan, mà còn vì lực lượng lao động bị suy giảm. Tỷ lệ sinh thấp đồng nghĩa với việc là dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt tới mức đỉnh. Nếu tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giữ xu hướng này, thì số lao động dự kiến sẽ giảm hơn 260 triệu người trong ba thập kỷ tới, tương đương với 28%. Trong khi số người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn gấp ba. Do đó, tỷ lệ lao động Trung Quốc về hưu hiện nay đang là 1/7 sẽ giảm xuống mức cứ hai người thì sẽ có một người về hưu.

Thế nhưng cũng trong cùng thời gian đó, lực lượng lao động tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 30% và tỷ lệ dao động nghỉ hưu của Mỹ vẫn sẽ được giữ ổn định. Nhận thức được những rủi ro này, Trung Quốc đã thay đổi hướng đi. Thời gian gần đây, các biện pháp kiểm soát về việc sinh đẻ đã được nới lỏng. Năm 2016, giới chức nước này đã khuyến khích rằng mỗi gia đình sẽ được sinh hai con. Đến năm 2021, Bắc Kinh đã thông báo rằng họ cho phép mỗi gia đình có thể sinh ba con. Trong khi đó, kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ giúp giữ người lao động lớn tuổi làm việc lâu hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi cải cách thành công, Trung Quốc cũng khó có thể bù đắp được tác động từ sự cản trở của vấn đề nhân khẩu. Bởi vậy, họ có thể sẽ không thành công.

Cụ thể là trong khi giới chức khuyến khích sinh thêm con, thì các cặp vợ chồng lại có quan điểm ngược lại. Họ cho rằng nuôi con cực kỳ tốn kém, chi phí giáo dục, nhà ở là cực kỳ cao ở Trung Quốc. Khi lực lượng lao động được dự báo là sẽ sụt giảm và chi tiêu thì vốn đã ở mức quá cao, năng suất chính là chìa khóa cho tăng trưởng tương lai của Trung Quốc.

Để làm được điều này, Trung Quốc cần phải cải tiến hệ thống hộ khẩu cứng nhắc, thứ đang hạn chế sự tiếp cận của những người lao động nhập cư với các dịch vụ xã hội và ngăn cản họ chi tiêu. Đồng thời, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các công ty quốc doanh và tư nhân. Cùng với đó là giảm bớt rào cản cho các công ty nước ngoài trong việc tiếp cận với nền kinh tế và hệ thống tài chính. Khi hiệu quả của việc kết hợp lao động và chi tiêu vốn của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 50% so với Mỹ, quốc gia này vẫn cần phải rất nhiều cải thiện. Khi năng suất của Trung Quốc đạt tới mức 70% của Mỹ, thì đại lục có thể sẽ trở thành quốc gia có trình độ phát triển tương đương xứ sở Cờ Hoa. Còn nói tới việc vượt qua Mỹ, có lẽ vẫn còn là một chặng đường dài.

Bài toán sức mạnh mềm

Trước khi nói tới bất kỳ điều gì về sức mạnh mềm giữa hai quốc gia này, chúng tôi có ba câu hỏi dành cho bạn. Ba câu hỏi đó là: Thứ nhất, đến bao giờ mới có chuyện giới tinh hoa, phần lớn các nước trên thế giới sẽ gửi con em họ sang Trung Quốc học, chứ không phải là gửi sang Mỹ hoặc Châu Âu? Thứ hai, đến bao giờ mới có chuyện phần lớn nhân dân các nước, nhất là giới trẻ, đều xem phim của Trung Quốc, nghe nhạc Trung Quốc và đọc sách của Trung Quốc? Thứ ba, đến bao giờ những người tiêu dùng trên toàn cầu khi mua hàng sẽ mặc định là chọn hàng Trung Quốc, chứ không phải là hàng của Mỹ hay Châu Âu?

Ba vấn đề này đánh trúng chỗ hở sườn trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Chỉ cho đến bao giờ nền kinh tế Trung Quốc phối hợp được với sức mạnh mềm với sức mạnh cứng, Bắc Kinh mới thực sự có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Rõ ràng, sức mạnh mềm của nước này hiện nay chưa theo kịp sức mạnh cứng, cho nên Trung Quốc đuổi kịp hoặc vượt Mỹ vẫn là chuyện khá xa vời.

Dễ thấy được, sức mạnh hay sức thu hút của Trung Quốc trong các lĩnh vực như giáo dục, hình ảnh, nhất là về văn hóa, vẫn còn khá yếu so với Mỹ. Không một quốc gia nào có thể nắm quyền kiểm soát thế giới nếu không có sự thống trị về văn hóa. Hiện tại, các sản phẩm văn hóa của Hoa Kỳ đang ở một đẳng cấp rất riêng, lưu hành khắp thế giới. Ngay cả trong thế kỷ 21, văn hóa Hoa Kỳ vẫn là một điều có sức ảnh hưởng lớn đối với toàn cầu.

Hoa Kỳ có những xu hướng thời trang gây sốt khắp hành tinh, có những bộ phim công phá phòng vé của cả thế giới. Còn Trung Quốc, dù có một nền tảng lịch sử lâu đời và một kho tàng truyền thống đậm đà bản sắc, thế nhưng dường như sức lan tỏa của văn hóa Trung Quốc vẫn còn khá hạn chế và hầu như chỉ quanh quẩn ở mấy nước châu Á. Thậm chí, sức lan tỏa văn hóa của Trung Hoa còn có phần thua kém hai người đồng hương là Hàn Quốc và Nhật Bản. Âm nhạc, phim ảnh của Hàn Quốc được xếp vào hàng đẳng cấp thế giới. Hoạt hình, truyện tranh Nhật Bản cũng có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Trong khi đó, quá trình hội nhập văn hóa của Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn sơ khai mà thôi.

Trung Quốc rõ ràng là sở hữu một nền văn hóa phong phú và sống động. Thế nhưng, vấn đề của chính phủ Tập Cận Bình đó là họ chưa quan tâm nhiều tới việc khuyến khích hoặc nâng cao hoạt động văn hóa ở phạm vi bên ngoài biên giới của mình. Thế giới vẫn còn cảm thấy xa lạ với truyền thống văn hóa của Trung Quốc, mà đại diện là nhân vật Khổng Tử cùng những bộ tiểu thuyết cổ như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, Thủy Hử…. y học cổ truyền của Trung Quốc, các học thuyết tư tưởng như Khổng Mạnh, Lão Tử, Mạc Tử… của họ không có mấy tác động tới sự tiến bộ của loài người. Văn học, kể cả là văn học truyền thống và văn học đương đại của họ, đều chưa có sức hút tương xứng trên thế giới.

Trung Quốc đưa Khổng Tử làm nhân vật tượng trưng cho văn hóa nước mình. Nhưng họ cũng từng vùi dập vị thánh nhân đó trong quá khứ. Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn một phần dòng sản phẩm văn hóa nước ngoài tràn vào nội địa của họ. Đương nhiên, đổi lại văn hóa của Trung Quốc cũng sẽ có ít cơ hội được toàn cầu hóa. Việc Trung Quốc khăng khăng làm mọi việc theo cách của Trung Quốc đã khiến quyền lực mềm của nước này suy yếu. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới sự suy giảm khả năng cạnh tranh của Trung Quốc so với Hoa Kỳ.

Lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu từng nói: “Có một thứ mà Trung Quốc không bao giờ đuổi kịp Mỹ, đó là tiếng Anh”. Người Mỹ dùng tiếng Anh, thế giới dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai. Mà tiếng Anh lại là thứ ngôn ngữ chủ yếu dùng trong giao dịch kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật. Vì thế mà từ thập niên 1960, ông Lý đã thực thi chủ trương Công dân Singapore phải biết tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Mới đầu, nhiều người phản đối chủ trương này của ông Lý Quang Diệu. Thế nhưng đến bây giờ thì cả thế giới ai cũng khen ông có tầm nhìn. Nhờ đó mà Singapore mới có thể tiến bộ nhanh như vậy.

Tiếng Trung cũng là một trong những ngôn ngữ được ưa chuộng trên thế giới. Thế nhưng để tiếng Trung trở thành ngôn ngữ chung của thế giới khá là khó. Để chữ Hán trở thành phổ biến như chữ Latin còn khó hơn. Chữ Hán được coi là biểu trưng của văn hóa Trung Hoa, cũng bị chính người Trung Quốc phê phán thậm tệ và bị cải cách lên cải cách xuống trong cả trăm năm. Tiếng Trung cho dù được dạy miễn phí trên toàn cầu đi nữa, e rằng cũng rất khó học và khó dùng, cũng như khó lòng giành được vai trò ngôn ngữ thông dụng toàn cầu của tiếng Anh.

Một nhược điểm nữa của Trung Quốc là đang thiếu người tài so với Mỹ. Mặc dù Trung Quốc đứng nhất thế giới về ngoại tệ dự trữ với hơn 3.000 tỷ đô, chưa kể là đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ đô trái phiếu của chính phủ Mỹ, thế nhưng Trung Quốc chẳng khác gì một bà già được con cháu gửi cho nhiều tiền mà chưa biết cách dùng tiền ấy để đầu tư vào đâu. Bà lão ấy không biết chơi chứng khoán, cũng chẳng biết kinh doanh nhà đất, lại chưa biết buôn ngoại tệ. Cuối cùng, đem gửi tất cả tiền vào ngân hàng, dù biết rằng làm thế chỉ thiệt cho mình về lâu về dài và lợi cho người.

Trung Quốc hiện nay đem số ngoại tệ tương đương hơn 1/3 lượng ngoại tệ dự trữ của nước mình đi mua công trái phiếu Mỹ để hưởng lãi suất vài phần trăm một năm, tất cả chỉ có lợi cho Mỹ, vì Mỹ đang thiếu tiền lại được Trung Quốc chủ động cho vay. Tại sao Trung Quốc cứ khư khư ôm bọc tiền mà không đầu tư vào những vụ kinh doanh ê hề trên thị trường tài chính quốc tế? Nhất là những vụ mua lại các công ty lớn sắp bị phá sản?

Hiện nay không ít các công ty của Trung Quốc đang sử dụng Giám đốc điều hành (CEO) hoặc Giám đốc tài chính (CFO) là người phương Tây. Chẳng hạn như Tập đoàn máy tính lớn nhất Trung Quốc Lenovo Group. Năm 2005, Lenovo mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân toàn cầu của công ty IBM của Mỹ và trở thành nhà chế tạo máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. Năm 2020 có doanh số hơn 50 tỷ đô. Năm 2005 Lenovo từng thuê một người Mỹ là Stephen Ward, người của IBM, làm CEO. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khá nhiều công ty của Trung Quốc đã sang Mỹ tìm kiếm các chuyên gia tài chính đang bị thất nghiệp.

Trung Quốc không thể giữ trữ ngoại tệ bằng đồng Euro hoặc đồng đô la Úc vì như vậy rất mạo hiểm. Ai cũng biết rằng nền kinh tế Mỹ ổn định nhất thế giới. Đầu tư tiền rảnh rỗi vào trái phiếu của Mỹ là cách đầu tư chắc ăn nhất. Tiền lãi hàng năm được thanh toán sòng phẳng. Người Nhật từng đi trước người Trung Quốc về khoản đầu tư này. Thế nhưng, từng có đại biểu Quốc hội Trung Quốc thấy tình thế nghe có vẻ bí quá, bèn đề nghị đem số ngoại tệ dự trữ đó chia đều cho toàn dân. Còn người dân thì chẳng biết dùng đô la để làm gì? lại cất vào két sắt mà thôi.

Việc thiếu các chuyên gia tài chính giỏi tầm cỡ quốc tế là một nhược điểm lớn của Trung Quốc. Ngược lại Mỹ lại có rất nhiều nhân tài như vậy, chưa kể về khoa học công nghệ, Mỹ cũng có khả năng sáng tạo, đổi mới cực kỳ mạnh. Vì thế, trong cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008 cho tới nay, nền kinh tế thực của Mỹ chưa bị thiệt hại gì đáng kể, trong khi kinh tế châu Âu lao đao mãi không thôi.

Tóm lại, Trung Quốc nhận rõ, họ còn phải phấn đấu rất lâu dài nữa trên tất cả các mặt trận trong cuộc đua với Mỹ. Có thể nói rằng, nỗi lo sợ của Mỹ về kinh tế Trung Quốc cũng tương tự như nỗi sợ của Mỹ về sự trỗi dậy của kinh tế Nhật Bản ở giai đoạn từ thập niên 70 đến thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, nền kinh tế Nhật Bản từng tỏ ra có sức cạnh tranh lớn. Hàng hóa Nhật tràn ngập khắp thị trường Mỹ với ô tô rẻ hơn, tivi hiện đại hơn. Các doanh nhân Nhật Bản khi đó còn sáp nhập cả thị trường bất động sản của Mỹ. Người ta từng dự đoán rằng Nhật Bản sẽ nhanh chóng vượt qua Mỹ và độc chiếm lấy ngôi vương. Nhưng rồi thì điều gì đã xảy ra? Dân số Nhật Bản bước vào giai đoạn già hóa và hệ thống tài chính của nước này cũng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.

Tất cả cuối cùng cũng chỉ là một giấc mộng viển vông. Còn với Trung Quốc, liệu kết quả sẽ đi về đâu? Trung Quốc sẽ vượt qua được Mỹ và trở thành cường quốc số một thế giới hay không? Hay là đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống và nước này không thể nào cất cánh?

Căn cứ vào những thuận lợi và thách thức hiện tại của Trung Quốc, rõ ràng vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo dứt khoát về triển vọng của đất nước tỷ dân. Chẳng một chuyên gia nào có thể viết được kịch bản chính xác cho cuộc đua quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới