Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiFitch Ratings: Dòng vốn FDI TQ vào Việt Nam không ngừng tăng...

Fitch Ratings: Dòng vốn FDI TQ vào Việt Nam không ngừng tăng trong thập kỷ qua

Fitch Ratings cho rằng dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam đã không ngừng tăng trong thập kỷ vừa qua. Có bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang định vị lại chiến lược của họ, đặc biệt có thể nhìn vào những khoản đầu tư của họ ở Mexico và Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 12-13/12/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Thống kê của VCCI cho thấy nếu như vào năm 2020, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, năm 2021 là 2,92 tỷ USD, năm 2022 là 2,5 tỷ USD và nay, sau bảy tháng đầu năm 2023, con số đã xấp xỉ mức trong cả năm của những năm trước đó.

Thậm chí, nếu xét về số lượng dự án mới thì Trung Quốc xếp hạng nhất, với 325 dự án. Đấy là chưa kể luồng vốn ngầm đầu tư qua các kênh khác mà cơ quan thống kê không thể quan sát, theo phân tích của VCCI.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và Việt Nam có những lợi thế gì để thu hút dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới.

Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 12-13/12/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia thuộc bộ phận xếp hạng tín nhiệm quốc gia & doanh nghiệp thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings.

Mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới đang trải qua nhiều thay đổi, đặc biệt mối quan hệ kinh tế. Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc đồng thời cũng trải qua những ảnh hưởng. Vậy ông dự báo ra sao về quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong tương lai?

Làn sóng đầu tư mở rộng địa điểm sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai trong bối cảnh rào cản thương mại và rủi ro địa chính trị gia tăng.

Trung Quốc hiện vẫn có lực lượng lao động lớn với trình độ tay nghề tốt, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, chi phí lao động leo thang đã làm giảm đi sức cạnh tranh của lực lượng lao động. Những xu thế này đã hình thành và trở nên rõ nét kể cả từ trước khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng, đồng thời nó góp phần dẫn đến việc dịch chuyển của hoạt động sản xuất một số loại mặt hàng có giá trị gia tăng thấp sang một số nước lân cận trong đó có Việt Nam.

Các nước thành viên ASEAN là điểm đến quan trọng nhất. Các nước ASEAN thu hút vốn đầu tư từ cả các doanh nghiệp sản xuất truyền thống cũng như doanh nghiệp sản xuất thiết bị đi lại sử dụng điện. Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những nước nhận đầu tư nhiều nhất từ doanh nghiệp Trung Quốc.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dòng vốn đầu tư vào Indonesia đã tăng mạnh. Vốn FDI vào Indonesia từ Trung Quốc trong năm 2021 tăng gấp đôi so với năm 2020 sau khi Indonesia sửa đổi luật đầu tư.

Tương tự như vậy, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam không ngừng trong xu thế tăng suốt thập kỷ qua bởi chi phí lao động thấp và môi trường đầu tư thân thiện.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao cũng như năng lượng sạch của Trung Quốc đã không ngừng tăng cường mở rộng hoạt động tại các thị trường nước ngoài nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng cũng như tránh các rào cản thương mại vốn thường có những ưu tiên cho các doanh nghiệp tại địa bàn.

Từ năm 2016 cho đến nay, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Việt Nam có những lợi thế gì trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc cũng đồng thời gia nhập nhiều hiệp định kinh tế hoặc hiệp định thương mại đa phương. Điều này sẽ giúp gì cho quan hệ thương mại trong tương lai?

Trong các nước ASEAN, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia nhận nhiều nhất đầu tư từ Trung Quốc. Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp và môi trường đầu tư thân thiện.

Chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao đã khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong các ngành thâm dụng lao động, đặc biệt là da giày và dệt may, dịch chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ đầu thập niên 2000. Quá trình này diễn ra nhanh hơn, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp phát triển theo định hướng xuất khẩu. Một yếu tố khác đằng sau sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư này chính là sự lên giá của đồng Nhân dân tệ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ví dụ điển hình có thể kể đến chính là việc một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời đã dịch chuyển sản xuất sang khu vực Đông Nam Á từ năm 2015. Tính đến cuối năm 2022, trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Malaysia đã đón nhận phần lớn dòng vốn đầu tư của năm doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến điện mặt trời lớn nhất tại Trung Quốc.

Biểu đồ trên đây cho thấy Việt Nam đón nhận lượng vốn lớn đầu tư vào các sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời và là nước tiếp nhận vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất pin tại khu vực Đông Nam Á, tính đến cuối năm 2022.

Hoạt động tự do hóa thương mại đóng góp quan trọng cho mô hình xuất khẩu thành công của Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giúp tăng cường đầu tư từ các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc từ năm 2016. Khi gia nhập TPP, thuế áp dụng với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được điều chỉnh giảm. Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp cận được với nhiều thị trường hơn.

Không chỉ vậy, việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng giúp mang đến thêm thị trường mới trong khu vực châu Á.

Theo quan điểm của chuyên gia, ảnh hưởng của dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam là gì? Chuyên gia dự đoán ra sao về diễn biến dòng vốn này trong thời gian tới? Những lĩnh vực nào sẽ đón vốn FDI nhiều nhất và Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt nhất cơ hội từ dòng vốn FDI này?

Dòng vốn FDI Trung Quốc đã không ngừng tăng trong thập kỷ vừa qua. Có bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang định vị lại chiến lược của họ, đặc biệt có thể nhìn vào những khoản đầu tư của họ ở Mexico và Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Tuy nhiên cùng lúc đó, sự điều chỉnh này cũng phản ánh quy mô lớn dần của doanh nghiệp Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của họ trên quy mô toàn cầu.

Việt Nam đang đặt mục tiêu ưu tiên thu hút vốn FDI và đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài. Việc Việt Nam đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian trước cũng đã giúp Việt Nam định vị tốt để có thể đón nhận lượng FDI vào sản xuất ở cấp độ cao. Việt Nam đã đưa ra khung chính sách thu hút đầu tư gần tương tự Trung Quốc, theo đó dựa vào FDI để đặt nền móng cho ngành sản xuất. Kết quả, FDI đã tăng ấn tượng trong thập kỷ qua.

Việt Nam có lực lượng lao động chi phí thấp và tay nghề cao. Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong phát triển nguồn nhân lực trong thập kỷ vừa qua, thành công này thể hiện ở việc học sinh Việt Nam nâng hạng trong các kỳ thi đánh giá trình độ giáo dục quốc tế. Những thành tựu giáo dục cao như vậy đã giúp cho Việt Nam dễ dàng dịch chuyển lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Chi phí lao động tại Việt Nam dù đã tăng trong thời gian qua nhưng so với các nước khác trong khu vực vẫn ở mức thấp.

Cám ơn các chuyên gia!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới