Trong khi hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc tăng cường các hoạt động ngoại giao, họ vẫn đặc biệt quan tâm đến tình hình Biển Đông. Đây là khu vực nóng bỏng, nhạy cảm, liên quan đến sự tranh giành ảnh hưởng, sự “phân chia thế giới” trong thập niên thứ ba, thế kỷ XXI.
Đương nhiên, can dự vào cuộc chiến âm thầm, quyết liệt này không chỉ có hai “Ông lớn”. Các đồng minh của Mỹ, những người bạn hữu hảo của Trung Quốc luôn sát cánh, cùng chia lửa với Wasinghton và Bắc Kinh. Còn các nước Đông Nam Á, nhất là những nước đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông thì chủ động cao nhất cho đấu tranh ngoại giao, kinh tế và quốc phòng, với phương châm muốn ngăn chặn chiến tranh thì phải chuẩn bị cao nhất, tốt nhất cho chiến tranh.
Năm 2023, “Nhóm A5” (bao gồm: Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam) – khu vực được cho là chồng lấn giữa EEZ của các nước A5 với “Đường 9 đoạn phi pháp” của Bắc Kinh, đã có nhiều động thái tích cực ngăn chặn chiến thuật “vùng xám”, cùng các hành động gia tăng quân sự trên biển của Trung Quốc.
Philippines liên tục phản đối Trung Quốc vì các hành động xâm lấn, gây rối ở các khu vực mà nước này cho rằng chủ quyền thuộc về họ. Hôm 3/12, Manila thông báo, hơn 135 tàu Trung Quốc tràn xuống khu vực Bãi đá ngầm trên Biển Đông, đây là sự kiện “đáng báo động”. “Các tàu dân quân biển Trung Quốc đã không có phản hồi khi cảnh sát biển Philippines đưa ra cảnh báo. Sự hiện diện của các tàu thuyền này là nguy hiểm và bất hợp pháp” – Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết.
Cụ thể, các tàu Trung Quốc đã “tràn vào” rạn san hô ở bãi đá ngầm Ba Đầu. Bãi này nằm trên cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ba Đầu cách thị trấn Bataraza, tỉnh Palawan, miền Tây Philippines, khoảng 324km về phía Tây.
Trước đó, hồi giữa tháng 11 có tới 111 “tàu dân quân biển” của Trung Quốc cũng đã ngang nhiên tràn vào khu vực này. Còn cách đây hai năm, năm 2021, hơn 200 tàu Trung Quốc bất ngờ neo đậu, ăn vạ ở Bãi đá san hô này. Mặc cho Manila chỉ trích việc tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Quốc bác bỏ và nói rằng, những tàu đánh cá chỉ đang tìm, đang trú tạm khi thời tiết xấu. Không ai có quyền ngăn cản.
Sự kiện mới nhất là, hôm 1/12 Philippines thông báo, nước này thành lập một trạm bảo vệ bờ biển trên đảo Thị Tứ, nhằm tăng cường hoạt động giám sát với các tàu Trung Quốc. Trạm bảo vệ bờ biển sẽ được trang bị các “hệ thống tiên tiến”, bao gồm radar, thông tin vệ tinh, camera ven biển và quản lý giao thông tàu thuyền.
Rõ ràng, căng thẳng vẫn đang gia tăng và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Cái phao cứu sinh là Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOC-1982) cùng Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, LHQ, tại Lahaye vào năm 2016 đã hoàn toàn mất tác dụng.
Tại sao nói căng thẳng gia tăng? Bạn đọc có thể thấy rõ điều này qua chiến lược, chiến thuật “tằm ăn dâu” và các bước đi bài bản, khôn khéo của Trung Quốc. Gần đây dưới cái ô lớn “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, Bắc Kinh đã khôn khéo kéo các quốc gia vào cùng núp dưới cái ô ấy, vì mục đích… hòa bình.
Trên Biển Đông, họ tổ chức ra 5 lực lượng phối hợp. Thực ra là họ đang thực hiện thế trận “vây lấn”. Thế trận này mang tính phức hợp, liên hoàn và được triển khai đồng loạt ở nhiều vị trí chiến lược. Họ đã huy động đến 5 lực lượng tham gia với những nhiệm vụ cụ thể: “Vây”, “lấn” và “tấn”. Các lực lượng đó bao gồm: dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và cuối cùng là các tàu khảo sát hàng hải.
Sự phân nhiệm giữa các lực lượng này nhằm thực hiện định hướng “bình thường hóa” các cuộc đối đầu trong phạm vi “đường 9 đoạn”.
Họ “bình thường hóa” bằng cách: Đưa lực lượng dân binh tham gia, giữ vai trò thường trực ở cả hai chức năng trong công tác “vây”. Chức năng thứ nhất là phong tỏa các thực thể chưa có người ở khu vực trung tâm “đường 9 đoạn”. Kế đến là bảo vệ vòng trong cùng khi hộ tống các tàu khảo sát hàng hải hoặc các khu vực do Trung Quốc kiểm soát trái phép.
Sự kiện 8 tàu dân binh Trung Quốc được phát hiện di chuyển cắt ngang đội hình các tàu hải quân của ASEAN và Ấn Độ, trong khuôn khổ diễn tập AIME-23 vào tháng 5/2023, là minh chứng điển hình cho chức năng này.
Họ “bình thường hóa” bằng cách, với chức năng chấp pháp, cho lực lượng hỉa cảnh thực hiện công tác “lấn” một cách chủ động, nhằm hỗ trợ lực lượng dân binh Trung Quốc ở trên đối trọng với các tàu chấp pháp của ASEAN. Điển hình là sự túc trực thường xuyên của hai tàu hải cảnh Trung Quốc 4303 và 5305 hộ tống tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam từ giữa tháng 5/2023.
Họ “bình thường hóa” bằng cách đưa lực lượng hải quân góp mặt ở vòng ngoài, không can dự trực tiếp vào thế trận do dân binh – hải cảnh thực hiện. Trung Quốc tuyên bố tự tập trận ở một số khu vực trên Biển Đông và tiến hành tập trận song phương tại vùng biển quốc tế sát mũi phía nam của Biển Đông Mục đích tập trận của Trung Quốc nhằm “thúc đẩy sự cởi mở và hiểu biết lẫn nhau” . Xem ra, chả ai “khôn” bằng Trung Quốc.
Ngoài ra, cũng có ghi nhận về hiện diện không rõ chủ ý của tàu hải quân Trung Quốc, quanh khu vực đảo Thị Tứ (của Việt Nam nhưng phía Philippines chiếm đóng trái phép) vào ngày 23-4 trong động thái hỗ trợ công tác “tấn” của hải cảnh Trung Quốc.
Hai lực lượng còn lại là nhóm tàu khảo sát hàng hải và tàu hải tuần. Mặc dù hai nhóm tàu này xuất hiện đơn lẻ nhưng lại có sự phối hợp hoạt động rất tinh vi. Chẳng hạn, Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 hiện diện trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, nhưng vẫn còn hai tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 14 và Hướng Dương Hồng 31 được xác định vẫn đang hiện diện trong khu vực quanh cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc hiểu hơn ai hết nơi đây là “mỏ vàng”, bởi có trữ lượng dầu mỏ lớn, cùng những ngư trường dồi dào trên Biển Đông, đặc biệt là bãi Tư Chính (ước tính có đến 5 tỉ tấn dầu).
Sức hấp dẫn của Biển Đông về giao thông, khoáng sản, hải sản… là rất lớn. Có nhà bình luận nói rằng, quốc gia nào chiếm được Biển Đông, quốc gia đó sẽ có cả thế giới. Chiến lược “vây”, “lấn” và “tấn” – thế trận phức hợp trên Biển Đông- nằm trong âm mưu lâu dài bá chủ thế giới của Bắc Kinh. Đương nhiên, đó là đại chiến lược, là mục tiêu lâu dài. Muốn thực hiện đại chiến lược thì phải vận dụng nghệ thuật chiến tranh “biết thắng từng bước”.
H.Đ