Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội"Bật mí" các đặc điểm mới của thị trường tiêu dùng TQ...

“Bật mí” các đặc điểm mới của thị trường tiêu dùng TQ mà doanh nghiệp Việt ít biết

Động lực nội sinh đối với phát triển kinh tế Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Nắm bắt được đặc điểm mới của thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc tốt hơn nữa.

Ông Hứa Ninh Ninh – Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc – ASEAN chia sẻ trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp Việt về thị trường Trung Quốc.

Các đặc trưng nổi bật của thị trường tiêu dùng Trung Quốc

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ vừa qua, ông Hứa Ninh Ninh – Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc – ASEAN cho biết, động lực nội sinh đối với phát triển kinh tế Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Tiêu dùng đóng vai trò là nguồn động lực lớn nhất giúp cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Trong 3 quý đầu năm, tỷ lệ đóng góp của chi tiêu tiêu dùng vào tăng trưởng kinh tế tăng lên 83,2%. Trong đó, tỷ lệ đóng góp quý 3 tăng lên 94,8%.

Hội nghị thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 1/12 vừa qua đã chỉ ra rằng cần đẩy nhanh sự phát triển nhất thể hóa của thương mại trong và ngoài nước. Thị trường tiêu dùng Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về thực phẩm, quần áo, nhà ở, giao thông và văn hóa tinh thần.

Ông Ninh chia sẻ, nắm bắt được đặc điểm mới của thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc tốt hơn nữa.

Theo đó, xét từ góc độ cơ cấu vùng, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở khu vực miền Trung và miền Tây nhanh hơn so với khu vực phía Đông.

Xét từ góc độ đối tượng người tiêu dùng, giới trẻ đã trở thành lực lượng chính trên thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Nhóm người sinh vào những năm 1990, 2000 có yêu cầu cao hơn và sẵn sàng chi trả mạnh hơn cho sự mới mẻ, cá tính, chất lượng, trải nghiệm của sản phẩm.

Xét từ góc độ sản phẩm, người tiêu dùng đang tìm kiếm sự khác biệt và cá nhân hóa hơn. Người tiêu dùng cũng không còn coi tiêu dùng là một hành vi nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản mà còn tích hợp nó vào các bối cảnh cuộc sống và công việc khác nhau như du lịch, giáo dục, giải trí.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng, an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường và các thuộc tính khác của sản phẩm. Họ cũng chú ý nhiều hơn đến các yếu tố như sự tiện lợi, tính chuyên nghiệp, cá tính, trải nghiệm dịch vụ. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho cảm giác giá trị và hạnh phúc mà sản phẩm, dịch vụ có thể mang lại.

Thị trường tiêu dùng Trung Quốc đầy cạnh tranh, thường xuyên thay đổi

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn sản xuất theo truyền thống.

Nghĩa là cái sản phẩm nào tốt thì tập trung chăm chút để xuất khẩu. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp không tính tới thị hiếu người tiêu dùng.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, sản phẩm thực phẩm chế biến sâu là sản phẩm người tiêu dùng ăn ngay. Muốn người tiêu dùng ăn ngay thì phải hợp khẩu vị.

Cho nên việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu phải đi liền đầu tư cho nghiên cứu thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp phải có những phương thức quảng bá năng động để nhanh chóng đưa sản phẩm chế biến đến với người tiêu dùng cuối cùng.

Đồng tình, ông Hứa Ninh Ninh cho biết, thị trường tiêu dùng Trung Quốc nhiều cơ hội nhưng cũng đầy cạnh tranh và thường xuyên thay đổi. Doanh nghiệp cần tiếp cận và thích nghi nhanh những đổi thay của thị trường Trung Quốc.

Vì thế ông Ninh gợi ý, cần nâng cao khả năng tiếp cận và phát triển thị trường Trung Quốc để mở rộng kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt có thể xây dựng các điểm bán hàng và gian hàng tại các khu chợ tổng hợp, khu chợ chuyên ngành tại các thành phố ở Trung Quốc. Việc này có thể giúp phát triển hơn nữa thị trường Trung Quốc so với việc tham gia các Hội chợ, triển lãm.

Các doanh nghiệp nên dựa vào vai trò cầu nối của ngành, hiệp hội doanh nghiệp 2 nước để mở rộng nguồn thông tin, kênh kinh doanh và lựa chọn đối tác thương mại tin cậy.

“Trong bối cảnh Chính phủ 2 nước đang thực hiện nhận thức chung về hợp tác thương mại điện tử, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần tích cực tiến hành kết nối, thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước bằng các hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới mới”, ông Ninh gợi ý.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới