Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Niềm tin chính trị” và sự kỳ vọng

“Niềm tin chính trị” và sự kỳ vọng

Nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình cùng “bà xã” Bành Lệ Viên đã trở lại quê nhà, sau chuyến thăm ngắn ngủi tới Việt Nam. Tuy vậy, dư âm sự kiện ngoại giao quan trọng này vẫn còn ì ầm trong dư luận quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình dự tiệc trà.

Bằng vào những gì diễn ra trên mặt báo, chương trình phát thanh, truyền hình, cả Trung Quốc và Việt Nam dường như vẫn lấy làm hân hoan về thành công của sự kiện ngoại giao lớn nhất, được coi là “khép lại môt năm thành công của hoạt động ngoại giao Việt Nam” trong năm 2023 này.

Thành công bởi, với sự hiện diện của ông Tập Cận Bình tại Hà Nội, Việt Nam là nước duy nhất thế giới, trong năm 2023, đón nguyên thủ cả hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc tới thăm. “Mình có thế nào, người ta mới thế chứ” – là câu mà nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói một cách tự hào khi muốn thuyết phục người dân và dư luận tin rằng, đất nước hình chữ S giàu truyền thống này, thời điểm hiện tại, đang có một vị thế và cơ đồ chưa từng thấy.

Thành công bởi, trong chuyến thăm này, không nâng thêm nữa quan hệ bang giao “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (bởi sát trần cái khung thứ bậc ngoại giao của Hà Nội rồi), nhưng việc hai bên nhất trí về cái gọi là xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, gắn với đó là câu mang tính điều kiện chặt chẽ, nhiều người đoán là từ đề xuất một cách cảnh giác của Hà Nội: “Mục tiêu là vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.

Thành công nữa, là số lượng các văn kiện được hai bên ký kết. Những 36 văn kiện – nhiều hơn bất ký một lần các nhà lãnh đạo hai bên gặp gỡ, hội đàm, đàm phán với nhau; trong số đó, có 4 thỏa thuận về chính trị – ngoại giao, 4 thỏa thuận về an ninh – quốc phòng, 24 thỏa thuận liên quan đến kinh tế – đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng…và 4 thỏa thuận giữa các địa phương. Bình luận về con số này, một nhà ngoại giao Việt Nam, nhiều năm từng nằm vùng tại Trung Quốc, hiểu rõ những thăng trầm của quan hệ hai nước, cho rằng: Điều đó thể hiện lòng tin chiến lược và hai bên quyết tâm thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển. Cũng ông này còn nói thêm: Cấp cao đã thỏa thuận như vậy thì cấp dưới sẽ biết việc mình phải làm là gì.

Liên quan cái gọi là “lòng tin chiến lược” này, với vấn đề nhạy cảm bậc nhất, là vấn đề Biển Đông, trong nội dung Tuyên bố chung mà độ dài chưa từng có trong lịch sử, tới 8 nghìn chữ, có thể coi là một khía cạnh thành công của sự kiện, cùng với khẳng định coi mỗi bên là “hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng”, đã có riêng phần 4.1. Tin cậy chính trị cao hơn, nêu rõ: “Để tập trung nắm bắt phương hướng phát triển của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị.”. Và v.v…

Biển Đông là câu chuyện nhạy cảm. Những người theo dõi câu chuyện Biển Đông lâu nay, do vậy, cũng tỏ ra nhạy cảm trước diễn ngôn này trong văn kiện nêu trên. Và họ tràn trề hy vọng, trong đó, hy vọng lớn nhất với cụm từ “tin cậy chính trị” trên, là chân thành thật sự, trung thực thật sự. Bởi chỉ có thể, nó mới có thể được hiện thực hóa… giúp giải quyết vấn đề Biển Đông hanh thông trong tương lai. Tất nhiên, bên cạnh đó, phải gắn với với những nỗ lực, giải pháp đồng bộ liên quan khác giữa “5 nước 6 bên”, đặc biệt là “bộ tứ” Việt Nam, Philippines, Malaysia vốn là những quốc gia bị chèn ép, gây gổ bấy nay, với Trung Quốc.

Khi bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc đang vang lên một cách hào hứng, khiến nhiều người cảm kích xúc động, thì bỗng, chẳng ít người ngược đường thời gian, nhớ lại phát biểu của nhà lãnh đạo Việt Nam hàng “tứ trụ” là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với Hãng tin AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hồi tháng 5/2014. Vị thủ tướng Việt Nam đã nói gì? Ông đã nói rằng: Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Cùng trong cuộc phỏng vấn này, nhà lãnh đạo Việt Nam còn chua chát rằng: “Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.

Trở lại những tuyên ngôn hùng hồn, hào sảng hết mực vang lên trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Hà Nội, kỳ vọng quá đi rằng: nó xuất phát từ sự chân thành, trung thực, nó không viển vông, để góp phần đưa bang giao Việt – Trung tới “điểm khởi đầu của lịch sử mới”.

Nhưng điều đó có là thật hay không, chỉ thời gian mới trả lời được.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới