Liệu có một liên minh bền vững hay chỉ là những liên kết nhất thời giữa Nga và Trung Quốc? Quan hệ giữa hai cường quốc sẽ ra sao trong năm 2024? Hà Nội ở đâu trong cái bắt tay thắm thiết giữa Moscow và Bắc Kinh?
Trong năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều sự kiện và hoạt động được tổ chức nhằm kỷ niệm 75 năm mối quan hệ truyền thống Nga – Trung (1949-2024). Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bắc Kinh ngày 16/10/2023: “Hai nước nên lên kế hoạch tổ chức các sự kiện kỷ niệm nhằm làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Lavrov cũng bày tỏ mong muốn duy trì liên lạc chiến lược chặt chẽ với Trung Quốc và tăng cường hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực.
Đầu năm nay,trong chuyến thăm Moscow, hồi tháng 3, của ông Tập Cận Bình, hai bên đã ra Tuyên bố chung: “Củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện Trung- Nga trong thời đại mới. Đó là sự lựa chọn chiến lược của cả hai bên dựa trên điều kiện quốc gia, phù hợp với lợi ích cơ bản của mỗi nước và xu thế phát triển của thời đại. Hai bên sẽ kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của mỗi bên, thúc đẩy thế giới đa cực, toàn cầu hóa kinh tế và quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn”.
Tuyên bố này lấp lánh một thông điệp: Trong điều kiện môi trường an ninh toàn cầu bị sự thao túng, chèn ép của Mỹ, cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp tục, và lập trường, thiện chí giữa hai quốc gia, mối quan hệ song phương giữa Nga và Trung Quốc vẫn ngày càng gắn kết về cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong nhiều lĩnh vực.
Nói bài bản là như thế, thực ra, đơn giản thế này thôi: Việc hai nước từng có hàng trăm năm đối đầu về ý thức hệ, giờ đây xích lại gần nhau cốt để cân bằng với Mỹ và phương Tây. Mối lương duyên ấy sẽ không chỉ đứng trước thách thức từ phương Tây, mà còn cả từ những di sản trong quá khứ nữa.
Về hợp tác chính trị, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội để khai thác lợi thế của nhau và thiết lập các thể chế, mạng lưới khu vực cũng như toàn cầu để đạt được các mục tiêu của mình.
Trước hết, hai bên sẽ tăng cường tham gia đối thoại tin cậy lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo. Duy trì mức độ tương tác cao giữa các quan chức và nhà lãnh đạo giữa hai quốc gia là nền tảng để mối quan hệ Nga – Trung phát triển nồng ấm, dựa trên những kết quả thảo luận của những buổi hội đàm, củng cố niềm tin chiến lược và đưa mối quan hệ phát triển thực chất.
Một vấn đề được cả hai bên thống nhất cao là, “quản lý cẩn thận và cân bằng” sự cạnh tranh trong các lĩnh vực lợi ích chồng chéo giữa hai nước. Đó là lợi ích ở khu vực Trung Á, Trung Đông và Bắc Cực. Trung Quốc và Nga không phải lúc nào cũng đồng quan điểm, lợi ích quốc gia của hai bên không phải lúc nào cũng thống nhất, vì rằng, hai nước đang cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á. Điện Kremlin coi Trung Á là “sân sau” chiến lược của mình, còn Trung Quốc coi nơi này là miếng mồi béo bở để thực hiện tham vọng địa chính trị và kinh tế.
Lo xa tính kỹ như thế, nhưng vào thời điểm này, cả Trung Quốc và Nga đang có nhiều lợi ích từ mối quan hệ của họ, nó vượt xa những rủi ro.
Năm 2024, Bắc Kinh và Moscow cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các cực quyền lực trong đó có SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – mục đích ban đầu được coi là một tổ chức đối trọng với NATO) và BRICS (Vành đai và con đường) nhằm cân bằng với các thể chế của Mỹ.
Trung Quốc và Nga sẽ phối hợp để mở rộng khối BRICS nhằm tăng cường cạnh tranh kinh tế với Mỹ và gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Năm 2024, Nga sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên BRICS, việc thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng của BRICS chắc chắn sẽ được Nga coi trọng.
Về hợp tác kinh tế, Trung Quốc và Nga là những đối tác thương mại hoàn hảo. Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị, hàng hóa và công nghệ sản xuất số một cho Nga. Còn Nga là nhà cung cấp năng lượng, tài nguyên, thực phẩm và phân bón đáng kể cho Trung Quốc, để bảo đảm Chiến lược an ninh năng lượng.
Trong tương lai hai bên sẽ củng cố đà tăng trưởng thương mại song phương. Đồng thời, hợp tác năng lượng tiếp tục đóng vai trò “hòn đá tảng” trong hợp tác kinh tế và bắt đầu thúc đẩy các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương mại điện tử…
Về hợp tác quân sự, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự, nhưng không phát triển thành liên minh. Nga đang phải đối mặt với cuộc chiến được coi là “ủy nhiệm” với Mỹ và EU tại Ukraine. Còn Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức an ninh xung quanh mình như QUAD và AUKUS. Vì thế, cả hai quốc gia sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, đảm bảo an ninh cho quốc gia.
Tuy không có liên minh quân sự, nhưng sẽ có sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, khả năng tương tác, hợp tác nhiều hơn trong việc triển khai lực lượng cùng nhau, kể cả Bắc Cực, đồng thời nhiều nỗ lực hơn để phát triển hệ thống tên lửa và hạt nhân.
Năm tới sẽ là năm Nga và Trung Quốc sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung và tập trận. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức và tham gia các cuộc tuần tra chung, tập trận song phương hoặc đa phương, nhất là tập trận trên biển. Các cuộc tập trận chung mang lại cơ hội nâng cao năng lực, tăng cường khuyến khích hợp tác công nghiệp quân sự, tất cả đều giúp cả Trung Quốc và Nga phát triển kho vũ khí của họ hiệu quả hơn.
Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam sẽ hưởng lợi/hại gì trong quan hệ Nga-Trung? Điều dễ nhận thấy là, vai trò của Việt Nam đối với Nga có thể trở nên mờ nhạt hơn, khi so sánh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Điều này dẫn đến nguy cơ Nga sẽ lựa chọn ủng hộ Trung Quốc để đổi lấy những lợi ích lớn hơn đối với họ.
Việt Nam mặc dù mới nâng cấp quan hệ với Bắc Kinh lên “tầm cao mới” là “Cộng đồng chia sẻ tương lai” nhưng đang còn có sự bất đồng chiến lược với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Nếu như Trung Quốc nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ Nga, thì Việt Nam sẽ càng thêm khó khăn khi khẳng định chủ quyền của mình.
Nhưng trong thách thức có thời cơ. Sự nồng ấm trong quan hệ Nga – Trung sẽ góp phần thúc đẩy một môi trường quốc tế ổn định, cân bằng, có sự đối trọng lẫn nhau giữa các bên. Điều này có lợi cho Việt Nam phát triển quan hệ cân bằng với các quốc gia, như những tuyên bố gần đây của Hà Nội: “Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”; “Là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
H.Đ