Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiều gì sẽ xảy ra nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine?

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine?

Dù không muốn, nhưng phương Tây bắt đầu phải tính đến kịch bản Nga giành chiến thắng ở Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh viện trợ cho Ukraine bị gián đoạn vì nhiều lý do khác nhau.

Vài tuần trở lại đây, truyền thông phương Tây bắt đầu xuất hiện những phân tích về hệ quả nếu Mỹ và các đồng minh phương Tây ngừng viện trợ cho Ukraine. Họ không loại trừ kịch bản Ukraine sẽ thua trận trước Nga.

Những suy đoán này bắt nguồn từ việc chính trường Mỹ tiếp tục bất đồng về vấn đề viện trợ cho Ukraine. Quốc hội Mỹ tuần trước đã bác bỏ dự luật ngân sách 106 tỷ USD, trong đó hơn 60 tỷ USD dành cho Kiev.

Những bất đồng có thể nghiêm trọng hơn nữa trong thời gian tới khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm sau giúp cựu Tổng thống Donald Trump có cơ hội trở lại Nhà Trắng. Ông Trump đã cho thấy rõ ý định sẵn sàng cắt viện trợ cho cả Ukraine và NATO.

Các quan chức, cựu quan chức phương Tây cũng công khai cảnh báo kịch bản Nga giành chiến thắng ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi cuối tháng 10 nói rằng, nếu Mỹ ngừng viện trợ cho Ukraine, Nga sẽ giành chiến thắng.

“Tôi có thể đảm bảo rằng, nếu Ukraine không có sự hỗ trợ của chúng ta, Nga sẽ chiến thắng. Nếu chúng ta ngừng viện trợ, Nga sẽ đạt được những gì họ muốn”, Bộ trưởng Austin phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cũng thừa nhận: “Không có gì đảm bảo thành công với chúng tôi nhưng chắc chắn họ (Ukraine) sẽ thất bại nếu không có chúng tôi”.

Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Mike Quigley đặc biệt nhấn mạnh, nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine, chắc chắn các đồng minh cũng sẽ làm vậy.

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) mới đây, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng nêu quan điểm rằng: “Nếu Ukraine không có được sự ủng hộ của Mỹ và EU, khi đó ông Putin sẽ chiến thắng”.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, Nga giành chiến thắng ở Ukraine là điều có thể xảy ra nếu Mỹ và châu Âu cắt viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trước kia, đa phần các quan chức cấp cao của Mỹ và NATO đều cho rằng chừng nào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine còn tiếp diễn thì phương Tây vẫn sẽ đạt được một trong những mục tiêu hàng đầu của họ trong cuộc chiến này là làm suy yếu Moscow. Tuy nhiên, một nguy cơ mới nổi mà hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây dường như không chú ý tới là Nga sẽ càng có lợi thế khi cuộc chiến càng kéo dài.

Sẽ không có lợi cho ai, đặc biệt là đối với các quốc gia châu Âu gần biên giới Nga, khi quân đội Nga phát triển mạnh hơn và năng lực chiến đấu của họ trở nên hiệu quả hơn. Do đó, phương Tây phải bắt đầu suy ngẫm về điều mà họ chưa tính đến này, đồng thời đánh giá những hậu quả nếu Nga thắng thế ở Ukraine.

Phương Tây và mục tiêu làm suy yếu Nga

Cam kết của phương Tây hỗ trợ Ukraine chừng nào họ còn cần đến, một lúc nào đó có thể bị rút lại, thay vào đó là tìm kiếm một giải pháp ngoại giao các bên đều chấp nhận được. Lợi ích kinh tế và an ninh lâu dài của Mỹ và NATO phải trở thành ưu tiên hàng đầu.

Là “một liều thuốc đắng khó nuốt”, song việc theo đuổi mục tiêu kết thúc chiến tranh bằng thương lượng, với thỏa thuận tốt nhất có thể dành cho Kiev, có thể là con đường giúp đảm bảo tốt nhất các lợi ích của Mỹ và NATO.

Nói cách khác, nếu phương Tây cứng nhắc theo đuổi mục tiêu giành một chiến thắng hoàn toàn cho Ukraine và thất bại cho Nga, điều đó có thể gây hiệu quả ngược và khiến an ninh quốc gia của phương Tây gặp rủi ro cao.

Trên hết, phương Tây phải ngay lập tức xây dựng các rào chắn trong chính sách của mình để ngăn chặn nguy cơ chính phủ Mỹ rơi vào thế bị động khi quân đội mà họ đang hỗ trợ đột ngột sụp đổ, như đã xảy ra vào tháng 8/2021 khi Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan giải tán. Kịch bản đó không quá xa vời.

Để đạt mục tiêu như vậy đòi hỏi sự thay đổi lớn trong tư duy của các nhà lãnh đạo phương Tây, vì niềm tin hiện tại của họ vẫn kiên định theo hướng ngược lại.

Vào tháng 4/2022, khi cuộc xung đột diễn ra chưa đầy hai tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gặp các nhà lãnh đạo Ba Lan để bàn về cách tiếp cận thống nhất đối với cuộc chiến này.

Tại một cuộc họp báo, ông Austin tuyên bố một trong những mục tiêu chính của Mỹ là “thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc mà nước này đã làm khi triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine”.

Từ thời điểm đó cho đến hết năm 2022, Washington và các đồng minh dường như đã phần nào đạt được mục tiêu đó dù tốc độ chậm rãi. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói rằng Nga đã mất quá nhiều lực lượng ban đầu khi họ phải đối mặt với thương vong liên tục, kiệt sức về thể chất, nguồn cung cấp ngày càng cạn kiệt và đạn dược và tinh thần sa sút.

Lực lượng không quân Nga, mặc dù có ưu thế về công nghệ và quân số so với Ukraine, đã bị tổn thất và không thể giành được ưu thế trên không. Trong khi đó, lực lượng mặt đất của Moscow tiếp tục mắc phải những sai lầm chiến thuật nghiêm trọng, làm lộ ra những điểm yếu đáng kể.

Hệ thống hậu cần của họ bị rối loạn và kết quả là họ hứng chịu hai tổn thất lớn trên chiến trường ở khu vực Kharkov và Kherson vào cuối năm 2022, buộc Nga phải huy động khẩn cấp 300.000 quân.

Vào cuối mùa hè năm nay, Nga được cho là đã mất một nửa số xe tăng, khoảng 300.000 quân thiệt mạng và bị thương. Bằng bất kỳ thước đo khách quan nào, mục tiêu làm suy yếu Nga của Mỹ đã được hoàn thành một cách rõ ràng.

Nếu cuộc chiến kết thúc vào ngày hôm nay, nước Nga sẽ vẫn trong tình trạng suy yếu trong nhiều năm tới, thậm chí có thể tính bằng thập kỷ.

Tuy nhiên, vì những lý do thực tế, cuộc chiến càng kéo dài thì viễn cảnh đó có thể sẽ thay đổi và thay vì Nga suy yếu hơn, lực lượng vũ trang Nga có thể bắt đầu phát triển mạnh hơn.

“Gió đổi chiều”

Gần đây nhất, vào mùa xuân vừa qua, một số nhà phân tích phương Tây bắt đầu thừa nhận rằng quân đội Nga đã rút ra được bài học đắt giá từ những thất bại và tổn thất, giờ đây họ trở thành “đối thủ đáng gờm hơn”.

Tổ hợp công nghiệp quân sự của Moscow chuyển sang trạng thái huy động hoàn toàn trong thời chiến và bắt đầu sản xuất ngày càng nhiều đạn dược, máy bay không người lái, xe bọc thép mới và xe được tân trang lại.

Chiến lược gia quân sự người Anh, Michael Howard lập luận rằng, hầu hết quân đội trên thế giới đều mắc sai lầm khi cố gắng chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo. Nga có thể đã sai lầm ngay từ trước thời điểm tháng 2/2022. Tuy nhiên, người Nga đang nhanh chóng thích ứng với cuộc chiến và dường như đang đạt được những bước tiến đáng kể.

Báo Washington Post của Mỹ từng đăng một bài phân tích về các cuộc tấn công của Ukraine và nhận thấy rằng Nga đã “rút ra bài học từ những sai lầm của mình” và đang cải tiến cũng như chuyên nghiệp hóa hệ thống phòng thủ vốn được tổ chức tốt của họ.

Một báo cáo gần đây của CNBC cho thấy “sự thích ứng về mặt chiến thuật của Nga đã tạo ra một lực lượng vũ trang phối hợp và phản ứng nhanh chóng, một lực lượng đặc biệt mạnh về phòng thủ”.

Ukraine đã phải cử đội quân tốt nhất của họ để phá hàng phòng thủ kiên cố đó, và kể từ ngày 5/6, họ đã không thể xâm nhập xa hơn 12-15km ở một vài điểm và vẫn còn chặng đường dài 25km để đến được mục tiêu trung gian Tokmak cũng như khoảng 75km nữa để tới được mục tiêu chiến lược Melitopol.

Ukraine phải chịu tổn thất đáng kể về thiết giáp và nhân sự của mình trong 3 tháng qua và có vẻ như họ sẽ không còn đủ sức mạnh để tiếp tục tiến xa hơn nữa.

Mặc dù quân đội Nga bị cho là đã chịu nhiều thương vong hơn Ukraine, song có một vấn đề toán học đối với Kiev: Nga có sẵn hàng triệu nam giới trong độ tuổi nhập ngũ có thể được huy động so với Ukraine.

Nếu chính quyền Ukraine vẫn cam kết giành chiến thắng quân sự trước Nga và tiếp tục chiến đấu bằng bất cứ giá nào, và nếu Nga cũng không lay chuyển ý định tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được mục tiêu của mình, cuối cùng một bên sẽ phải chùn bước. Nói cách khác, so với Kiev, Moscow có nhiều nhân lực hơn để có thể đưa vào cuộc chiến vốn đang bế tắc hiện tại.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu đánh giá rủi ro mà Nga sẽ tạo ra cho sườn đông NATO một khi Moscow giành chiến thắng ở Ukraine, nơi được coi là vùng đệm an ninh đối với châu Âu.

ISW cho rằng, tuy NATO có tiềm năng quân sự lớn hơn nhiều so với Nga, cái giá phải trả để Nga giành chiến thắng ở Ukraine có thể “cao hơn hầu hết mọi người tưởng tượng”.

Theo ISW, nếu chiến thắng ở Ukraine, lực lượng Nga sẽ tiến thẳng tới biên giới của NATO từ Biển Đen đến Bắc Băng Dương.

ISW phân tích, sau cuộc chiến ở Ukraine, quân đội Nga sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn. Kinh tế Nga cũng sẽ dần dần phục hồi, tạo điều kiện cho sự khôi phục sức mạnh quân sự.

“Nga có thể tạo ra mối đe dọa quân sự thông thường lớn đối với NATO lần đầu tiên kể từ những năm 1990”, ISW cảnh báo.

Khi đó, Mỹ sẽ phải triển khai một phần lớn lực lượng mặt đất của mình tới Đông Âu. Hơn nữa, Mỹ có thể phải lựa chọn giữa duy trì hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương hoặc triển khai ở châu Âu để hỗ trợ đồng minh trước bất cứ động thái nào của Nga.

Hiện tại, không ai có thể đảm bảo rằng Nga hay Ukraine chùn bước trước trong cuộc xung đột hiện nay. Vào thời điểm này, khi cuộc phản công mùa hè của Ukraine gần kết thúc, sau gần hai năm, cuộc chiến vẫn bất phân thắng bại và khó đoán định.

Tuy nhiên, thông thường, các nguyên tắc cơ bản để quyết định kẻ thắng kẻ thua trong chiến tranh vẫn được giữ vững, tức là bên có lợi thế về lực lượng và hậu cần, vật tư hầu như luôn chiếm ưu thế theo thời gian.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ bị coi là vô trách nhiệm nếu cho rằng phía Ukraine sẽ giành chiến thắng và không đưa ra phương án dự phòng nào.

Điều mà ít ai ở phương Tây đang bận tâm tới là áp lực phải giành chiến thắng. Xung đột càng kéo dài, Nga sẽ càng tiếp tục tham gia vào quá trình đổi mới nhanh chóng và các nhà khoa học cũng như chuyên gia quân sự Nga sẽ càng thiết kế ra các công nghệ và học thuyết mới.

Đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, nước Nga có vũ khí hạt nhân, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, có thể tập trung để cải thiện quân đội của mình đến mức Ukraine cuối cùng sẽ không thể theo kịp.

Vì vậy, ít nhất, Washington phải bắt đầu phát triển một bộ tiêu chí để theo dõi chặt chẽ năng lực của mỗi bên nhằm tiếp tục đưa ra chiến lược hiệu quả trong cuộc xung đột hiện tại và giám sát một cách thận trọng. Chừng nào Ukraine còn có cơ hội thì việc tiếp tục cung cấp khí tài cho Kiev để tự vệ là điều hợp lý.

Tuy nhiên, cam kết “tiếp tục viện trợ chừng nào Ukraine còn cần” có lẽ sẽ được thay thế bằng “miễn là (Ukraine) vẫn còn cơ hội thành công”.

Nếu chính sách của họ vẫn như cũ, được áp dụng bất kể tình hình chiến tranh hay khả năng tiến hành chiến tranh của mỗi bên, thì có thể Mỹ và phương Tây sẽ rơi vào tình trạng bị động khi quân đội Ukraine sụp đổ.

Do đó, điều quan trọng là Mỹ phải thiết lập một bộ tiêu chí để nhận biết được những dấu hiệu rõ ràng khi tình hình đã đạt đến điểm không thể thay đổi được. Khi đó, Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh chính sách và dồn nhiều sức lực nhất có thể vào việc tìm kiếm con đường ngoại giao để đạt được kết quả đàm phán.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới