Đan Mạch đạt được thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, cho phép binh sĩ và thiết bị quân sự của Mỹ đặt trên lãnh thổ Đan Mạch, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo ngày 19.12.
Thỏa thuận quốc phòng 10 năm giữa Mỹ với Đan Mạch được công bố sau khi Mỹ ký các thỏa thuận tương tự với Phần Lan và Thụy Điển trong tháng này.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: “Chúng tôi đang gửi một tín hiệu rõ ràng rằng, Đan Mạch cùng với Mỹ, đang chịu trách nhiệm lớn hơn nữa với an ninh của Đan Mạch và điều đó là hoàn toàn cần thiết. Mục tiêu là: Chúng ta phải đảm bảo hòa bình không chỉ cho bây giờ mà còn cho các thế hệ mai sau”.
Thủ tướng Mette Frederiksen thông tin, Mỹ sẽ được phép đóng quân đồn trú tại các căn cứ quân sự Karup, Skrydstrup và Aalborg, đồng thời chứa vũ khí và trang thiết bị trên lãnh thổ Đan Mạch. Thỏa thuận cũng sẽ tạo điều kiện cho hợp tác chặt chẽ hơn giữa 2 nước trong các hoạt động quân sự, bao gồm cả huấn luyện và logistics.
Thủ tướng Frederiksen nói rằng, từ bỏ chính sách lâu dài về việc không để quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ Đan Mạch đánh dấu “sự thay đổi quan trọng trong chính sách quốc phòng và an ninh của Đan Mạch”. “Đánh giá rõ ràng của chúng tôi là điều này tốt cho an ninh của Đan Mạch và châu Âu” – bà nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho hay, các cuộc đàm phán chính thức giữa Mỹ và Đan Mạch về thỏa thuận hợp tác quốc phòng bắt đầu từ đầu năm 2022. Sau khi được ký kết trong tuần này, thỏa thuận cần phải được quốc hội Đan Mạch thông qua trước khi có hiệu lực. Quy trình dự kiến mất khoảng một năm. Ông cho biết, thỏa thuận này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm và không thể chấm dứt trong thời gian có hiệu lực.
Bloomberg cho hay, việc Mỹ và Đan Mạch nhất trí về thỏa thuận hợp tác quốc phòng cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự ở quốc gia Bắc Âu này, đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong chính sách quốc phòng của Đan Mạch.
Theo thỏa thuận 10 năm giữa Mỹ và Đan Mạch, vũ khí hạt nhân sẽ không được đặt ở Đan Mạch nhưng quân đội Mỹ sẽ được phép có mặt tại 3 căn cứ không quân của Đan Mạch – nơi theo thông lệ của các thỏa thuận như vậy – là sẽ tuân theo luật pháp Mỹ.
Trong thỏa thuận với Đan Mạch, Mỹ hoàn tất mạng lưới quan hệ đối tác quốc phòng trải dài khắp khu vực Bắc Âu, sau khi vừa ký các hiệp định tương tự với Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 12 này. Trước đó, các hiệp định của Mỹ với Na Uy và Iceland đã được thực hiện trong nhiều năm. Na Uy đã ký thỏa thuận với Mỹ vào năm 2021 về cách điều chỉnh hoạt động quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Thông báo về việc thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương giữa Mỹ và Phần Lan – thành viên mới nhất của NATO được ký ngày 18.12. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen cho hay, thỏa thuận “rất có ý nghĩa với quốc phòng và an ninh của Phần Lan”.
Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm nay sau nhiều thập kỷ không liên kết quân sự. Theo thỏa thuận, Phần Lan cho phép binh sĩ Mỹ tiếp cận 15 khu vực và cơ sở quân sự trên toàn lãnh thổ, từ một căn cứ hải quân quan trọng ở phía nam và các căn cứ không quân nội địa cho đến khu huấn luyện quân đội ở Lapland Bắc Cực.
Khu vực Bắc Âu và Baltic đã trở thành trọng tâm quân sự và ngoại giao của phương Tây sau khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra năm 2022. Các nước Bắc Âu đang tăng cường thảo luận về cách thức tích hợp quân đội, vốn đã liên kết chặt chẽ và thường xuyên có các cuộc huấn luyện chung.
T.P