Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNguy rồi, bang giao Nga – Mỹ và phương Tây?

Nguy rồi, bang giao Nga – Mỹ và phương Tây?

Moscow có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington nếu Mỹ và đồng minh tịch thu các tài sản Nga đang bị phong tỏa ở phương Tây.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Hai năm qua, kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ, cùng với viện trợ khổng lồ vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Kiev, tới mức thế giới cho rằng, Ukraine đang thay mặt Mỹ và phương Tây thực hiện cái gọi là “cuộc chiến ủy nhiệm” với Nga, Washington đã tung ra nhiều đòn gây sức ép, để: nếu Nga không ngưng lại “chiến dịch quân sự đặc biệt”, sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng; nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ. 12 gói trừng phạt Nga đã được Mỹ và phương Tây tung ra. Gần đây nhất, là gói cấm vận kim cương có nguồn gốc từ Nga.

Trong số đó, khốc liệt nhất, theo đánh giá của nhiều người, là lệnh cấm vận năng lượng được tung ra từ tháng 3/2022.

Những tưởng lệnh cấm vận năng lượng là cú đòn nặng nề khiến Moscow – vốn lâu nay “sống nhờ” và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt dồi dào của mình – tối tăm mặt mũi, không thể chống đỡ. Không ngờ, thời gian chứng minh ngược lại: Nga không những đứng vững, mà còn hưởng lợi do bán được năng lượng với giá cao hơn.

Mất thị trường các nước EU, Nga có ngay các đối tác mới, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc – hai cường quốc khổng lồ, cũng là hai nền kinh tế hàng đầu đang khát dầu mỏ tới mức gần như vô hạn.

Đó là chưa kể, lệnh cấm vận năng lượng do Mỹ áp đặt một cách “gia trưởng” đã gây nên lục đục trong EU. Lục đục bởi, từ bỏ năng lượng Nga, thì hóa ra, lại phải phụ thuộc khí hóa lỏng của Mỹ, với giá cao hơn.

Nói cách khác, lợi chưa thấy đâu, một số quốc gia EU chỉ thấy cái hại. Tình cảnh đúng như đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, đã thốt lên một cách đầy chua chát: “Giá cả nhảy vọt, lãi suất cũng tăng cao. Nền kinh tế bị ảnh hưởng. Chúng ta đã phải trả một cái giá chính trị. Châu Âu đã mua rất nhiều xăng dầu, trên toàn thế giới, nhưng là với giá cao hơn so với nhiều quốc gia khác”.

Không nói trắng ra, nhưng hàm ý của ông Borrell chẳng khác mấy sự xỉa xói vạch trần Mỹ là kẻ vụ lợi. Nó cũng chính là điều người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, ngay từ tháng 1 năm nay, đã nói rằng: EU phụ thuộc vào khí hóa lỏng Mỹ, mua nó với giá cao – đó chính là điều Washington muốn.

Việc một số quốc gia, như Bỉ, Hà Lan trở lại với năng lượng Nga một cách ra mặt, trong thời gian gần đây, như bằng chứng thể hiện rõ thêm, đòn cấm vận năng lượng hóa thạch từ Nga của Mỹ và EU, coi như đã thất bại.

Nhưng “thua kiểu này, bày kiểu khác”. Phương châm này được Mỹ và EU thực hiện ráo riết hơn khi cuộc chiến Ukraine sẽ sang năm thứ 3 trong ít ngày nữa; Mỹ và các đồng minh phương Tây, dù đã đổ hàng trăm tỷ USD vũ khí viện trợ, nhưng tương quan trên chiến trường chẳng có dấu hiệu cho thấy Kiev sẽ thắng Moscow; cử tri Mỹ và người dân các nước Tây Âu đang ngày một chán nản, mệt mỏi. Đặc biệt, người dân Mỹ và nhiều nước Tây Âu đang ngày một xót xa khi tiền thuế của họ bị cuộc chiến Ukraine “ngốn” như cái thùng không đáy…

Vậy là, như truyền thông phương Tây, ngày 22/12, tiết lộ: Washington và các đồng minh nhòm ngó, tính tới việc tịch thu tới số tài sản trị giá hơn 300 tỷ USD của Nga đang đóng băng ở phương Tây, để có tiền “nuôi” cuộc chiến ủy nhiệm mà Ukraine là quốc gia được ký thác.

Môt thông tin gây sốc, khiến người Nga nổi giận. Lập tức cùng ngày, ông Sergei Ryabkov, thứ trưởng Ngoại giao Nga, đã đáp trả rằng: Moscow có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington nếu Mỹ và đồng minh tịch thu các tài sản Nga đang bị phong tỏa ở phương Tây.

Chưa hết, Moscow còn cho rằng, nếu điều đó xảy ra, nó chính là hành động “ăn cướp”; rằng: Ăn cướp thì không thể chấp nhận; Nga sẽ không bao giờ để yên cho bất kỳ quốc gia nào chiếm đoạt tài sản của họ…

Tới thời điểm này, Nga chắc chắn chẳng thể là một cường quốc đồng đẳng với Mỹ. Tuy nhiên, chẳng ai có thể coi thường bản lĩnh và sức mạnh của người Nga. Cái cách mà họ trụ vững trước hơn 12 gói đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây là bằng chứng. Mà không chỉ chống đỡ thụ động. Họ còn “ăn miếng, trả miếng” sòng phẳng. Tiếp theo ông Sergei Ryabkov, lên án Mỹ và phương Tây, người phát ngôn người Văn phòng tổng thống Nga Dmitry Peskov còn đe: Nga sẽ xem xét tịch thu các tài sản của phương Tây để trả đũa…

Không còn mạnh như Mỹ, nhưng một khi người Nga nói, thì không thể xem thường. Nên nhớ rằng, có trường hợp, Nga còn ra đòn trước cả phương Tây. Ví như đầu tháng 10/2023, Nga từng “ra lệnh” cho hai nhân viên đại sứ Mỹ tại Moscow rời khỏi lãnh thổ Nga, do có những hành động “không phù hợp”, khiến Mỹ vô cùng cay cú…

Vậy nên lần này, một khi việc tịch thu tài sản trị giá 300 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng tại phương Tây là thật, nhiều người lo rằng: không chỉ bang giao với Mỹ, bang giao giữa Nga với các đồng minh phương Tây của Mỹ cũng có thể “xuống đáy” nữa kia.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới