Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ xây đường cao tốc mới gần biên giới Trung-Ấn

TQ xây đường cao tốc mới gần biên giới Trung-Ấn

Trung Quốc sắp hoàn thành một đường cao tốc mới gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ, có khả năng cho phép huy động nhanh chóng quân đội nếu xảy ra xung đột.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mang đạn pháo để xe tăng hạng nhẹ bắn thử tại khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, đối diện với khu vực Ladakh của Ấn Độ, vào ngày 3/7/2023.

Theo trang Newsweek (Mỹ), tại vùng Ladakh của Ấn Độ, phía đông Đường kiểm soát thực tế (LAC, là đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát), Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về “gót chân achilles” của mình được gọi là đường cao tốc G219, chạy dọc toàn bộ biên giới phía tây và phía nam của nước này, nối liền các khu vực Tân Cương và Tây Tạng.

Trong quá khứ, các chiến lược gia quân sự Trung Quốc từng “mất ngủ” vì việc tiếp cận G219 một cách khó khăn vào thời chiến trong cuộc xung đột với Ấn Độ.

Dưới thời kỳ lãnh đạo Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã và đang giải quyết điểm yếu đó và sắp hoàn thành một tuyến đường thay thế được gọi là G216.

Các kế hoạch xây dựng tuyến đường đã được Bắc Kinh công bố vào tháng 7/2022 với mục đích tạo ra “các tuyến đường huyết mạch chiến lược ra khỏi Tân Cương và vào Tây Tạng”.

“Đường này gần biên giới Trung Quốc-Ấn Độ hơn”, một blogger Trung Quốc nhận xét vào thời điểm đó, và dự đoán sẽ có phản đối gay gắt từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Theo Newsweek, các đoạn video được công bố rộng rãi trong vùng cho thấy khách du lịch đi khắp Tân Cương hiện đã có thể tiếp cận các đoạn mới của đường G216.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hồi tháng trước đã đưa tin về lễ khánh thành một đường hầm mới, hiện là đường hầm dài nhất thế giới, từ thành phố Urumqi đến huyện Yuli, cả hai đều ở Tân Cương.

Một hashtag thịnh hành trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã tuyên bố vào cuối tháng 11 rằng, cơ sở hạ tầng của nước này “sắp vượt qua Thiên Sơn”, ám chỉ dãy núi mà đường hầm xuyên qua.

Đường cao tốc mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong việc huy động lực lượng

Tuy nhiên, theo Newsweek, đằng sau lễ khánh thành này là sự tiến bộ của Bắc Kinh trong việc kết nối đường G216 với các khu vực tranh chấp ở biên giới với Ấn Độ. Video trên mạng cho thấy đường cao tốc mới đi qua gần Aksai Chin – khu vực do Trung Quốc kiểm soát phần lớn nhưng Ấn Độ tuyên bố là một phần của Ladakh.

Tại khu tự trị Tân Cương, đường G216 bắt đầu từ thị trấn Altay ở phía bắc và băng qua dãy núi Thiên Sơn trước khi kết thúc ở thị trấn Baluntai với tổng quãng đường là 856 km. Một đoạn đường quốc lộ mới cũng nối thủ phủ Urumqi của Tân Cương với thành phố Thụy Lý ở tỉnh Vân Nam phía tây nam qua Tây Tạng.

Rakesh Sharma – một tướng quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu, hiện là thành viên ưu tú tại tổ chức tư vấn Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi – nói với Newsweek rằng, trước đây địa hình khó khăn đã ngăn cản việc xây dựng đường G216, nhưng Bắc Kinh đã vượt qua thách thức đó.

“G216 và G219 hiện trở thành các đường cao tốc tạo nguồn cung cấp hậu cần cho các lực lượng ở những khu vực này khi chúng kết nối với đường cao tốc chính đi ra khỏi Tân Cương. Đây là hai trục đường được phát triển để tạo ra nguồn cung cấp hậu cần và di chuyển các lực lượng lên xuống”, Sharma – người từng phục vụ quân đội Ấn Độ ở Ladakh – cho biết.

Tuy nhiên, một đường cao tốc quốc gia khác, G695, đang được xây dựng, sẽ tiến gần hơn đến địa điểm nơi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang tiếp tục được triển khai.

Sharma nói: “Đường cao tốc G695 là một vấn đề hoàn toàn khác vì nó sẽ chỉ mất 10-15 km để tới Đường kiểm soát thực tế LAC, nơi cả hai bên đều triển khai lực lượng.”

Ông nói: “Đường cao tốc đi qua biên giới phía bắc và sẽ trở thành con đường quan trọng chống lại Ấn Độ vì đó là mối liên kết mà qua đó có thể diễn ra sự chuyển dịch lực lượng lớn.”

Cựu tướng Sharma cho biết, G695 sắp xuất hiện “từng đoạn một”, và tin rằng đường cao tốc này có thể mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong việc huy động lực lượng qua địa hình khó khăn, đặt ra thách thức cho Ấn Độ.

Ước tính khoảng 100.000 binh sĩ Trung – Ấn vẫn ở hai phía của đường LAC dài 3380 km, và hai nước vẫn rơi vào bế tắc bất chấp 20 vòng đàm phán song phương đã tổ chức nhằm giải quyết căng thẳng.

Theo ông Sharma, việc Trung Quốc xây dựng cầu và các cơ sở hạ tầng khác dọc theo Đường kiểm soát thực tế có thể sẽ dẫn đến sự hiện diện thường trực của quân đội nước này ở đó, khiến quân đội Ấn Độ cũng phải cắt cử một phần đáng kể lực lượng dọc theo biên giới tranh chấp.

Đầu tháng này, Bắc Kinh tái khẳng định yêu sách của mình đối với Jammu và Kashmir do New Delhi kiểm soát – cũng được Pakistan tuyên bố chủ quyền – sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ giữ nguyên quyết định năm 2019 của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi về việc tước bỏ quy chế hành chính đặc biệt của khu vực này trong một động thái nhằm củng cố hơn nữa quyền kiểm soát trên thực tế.

“Trung Quốc chưa bao giờ công nhận cái gọi là Lãnh thổ liên minh Ladakh do Ấn Độ đơn phương và bất hợp pháp thiết lập. Phán quyết của tòa án trong nước của Ấn Độ không làm thay đổi sự thật rằng phần phía tây của biên giới Trung Quốc – Ấn Độ luôn thuộc về Trung Quốc”, Mao Ning – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Jabin Jacob – phó giáo sư tại Viện nghiên cứu Shiv Nadar của Ấn Độ – cho biết: “Bằng cách cố gắng hạn chế sự chú ý của công chúng Ấn Độ đến vấn đề tranh chấp biên giới, chính phủ Ấn Độ thực sự đã tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở biên giới, dù có đàm phán hoặc không đàm phán.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới